Kết hợp nhiều giải pháp trong phòng chống thiên tai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long

Kết hợp nhiều giải pháp trong phòng chống thiên tai ở vùng đồng bằng sông Cửu Long
6 giờ trướcBài gốc
Diễn đàn thu hút rất đông đại biểu đến từ các cơ quan chức năng, các chuyên gia và phóng viên báo chí tham dự. Ảnh: Xuân Nghiêm
ĐBSCL có tổng diện tích 39.400km2, chiếm khoảng 12% diện tích cả nước. Dân số toàn vùng khoảng 18 triệu người, trong đó 75% người dân hoạt động sản xuất nông nghiệp.
Thống kê của Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, có 8 loại hình thiên tai thường xảy ra ở ĐBSCL là: Hạn hán, xâm nhập mặn; lũ, ngập úng; sạt lở bờ sông, bờ biển; mưa lớn; nắng nóng; bão, áp thấp nhiệt đới; giông lốc, sét; cháy rừng do tự nhiên.
Các loại hình thiên tai này đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân, đặc biệt là những cộng đồng nông thôn vốn phụ thuộc lớn vào nông nghiệp.
Điển hình, mùa khô năm 2023 - 2024, hạn hán và xâm nhập mặn đã khiến 1.189ha lúa giảm năng suất, 43ha lúa (ngoài kế hoạch) tại tỉnh Sóc Trăng bị mất trắng; khoảng 73.900 hộ dân bị ảnh hưởng thiếu nước sinh hoạt.
Bên cạnh đó, ĐBSCL có 2.059 điểm sụt lún (tương đương 51km chiều dài đê, đường giao thông nông thôn); 686 vị trí sạt lở bờ sông (chiều dài 591,3km) và 57 vị trí sạt lở bờ biển (chiều dài 203,2km).
Tại diễn đàn, các đại biểu đã cung cấp thôn tin tổng quan tình hình thiên tai vùng ĐBSCL; các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phòng chống thiên tai; giải pháp ứng phó; và nhận định về diễn biến thiên tai, hạn hán, xâm nhập mặn và nguồn nước trong thời gian tới tại ĐBSCL… Đồng thời đánh giá hiệu quả các giải pháp phòng chống thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu đã và đang triển khai tại khu vực này.
Tình trạng sạt lở bờ sông, bờ biển diễn biến phức tạp ở khu vực ĐBSCL. Ảnh: Hoàng Vũ
Các đại biểu cũng kiến nghị các giải pháp trước mắt và lâu dài để đảm bảo phòng chống thiên tai, khắc phục tình trạng xâm nhập mặn, sụt lún, vừa đảm bảo tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững.
Ông Nguyễn Thanh Tùng, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Cà Mau cho biết, Cà Mau có 254km đường bờ biển. Do tác động của biến đổi khí hậu và những yếu tố bất lợi khác, hiện 188km đường bờ biển của địa phương này (hơn 70%) bị sạt lở nguy hiểm, đặc biệt nguy hiểm.
Hiện Cà Mau mới xử lý được khoảng 78km đường bờ biển, và còn hơn 80km khác cần xử lý gấp trong thời gian tới. Do đó, ông Tùng kiến nghị Chính phủ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nghiên cứu, xem xét và phê duyệt 1 đề án riêng cho Cà Mau về vấn đề bảo vệ đê ven biển.
Ông Tùng cũng kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, tháo gỡ các vướng mắc về thủ tục pháp lý liên quan đến cơ chế giao đất giao rừng ở khu vực xung yếu, giúp tỉnh chủ động phương án chống sạt lở bờ biển.
Nêu thực trạng thời gian qua, một số công trình phòng chống sạt lở bờ sông có chi phí giải phóng mặt bằng quá cao, ảnh hưởng không nhỏ tới tiến độ thi công, ông Phạm Thanh Hải, Phó Chi Cục trưởng Chi cục Thủy lợi Bạc Liêu đề xuất Viện Khoa học Thủy lợi miền Nam nghiên cứu, xây dựng kết cấu công trình mới, tối ưu mà không gây tác động nhiều tới đời sống người dân, không phải di dời các hộ để giảm chi phí giải phóng mặt bằng.
Còn theo ông Lê Thanh Chương, bờ sông và bờ biển ĐBSCL hiện nay đang trong giai đoạn biến động mạnh về hình thái, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, xã hội và môi trường. Để bảo vệ bờ sông, bờ biển hiệu quả cần xem xét kết hợp nhiều giải pháp khác nhau như: Giải pháp công trình cứng, giải pháp mềm, giải pháp kết hợp và giải pháp quản lý.
Phát biểu kết thúc diễn đàn, ông Đỗ Đức Dũng, Viện trưởng Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam, cho rằng, các tham luận của diễn đàn đều hướng tới mục tiêu nâng cao nhận thức trước tình hình diễn biến thiên tai khó lường của vùng ĐBSCL; tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương cũng như tổ chức quản lý giúp giảm thiểu thiệt hại một cách sớm nhất, tăng cường sự tham gia của người dân vào hoạt động quản lý ngành…
Bên cạnh đó, các ý kiến đã cho thấy sự quan trọng của công tác dự báo thời tiết, dự báo nguồn nước… Đây là giải pháp có tính "mềm" giúp nhìn nhận vấn đề, đưa ra các biện pháp và sự chuẩn bị cụ thể hơn trước tình hình thiên tai. Bên cạnh đó, công tác dự báo được chú trọng là yếu tố không thể thiếu giúp xây dựng và triển khai các hoạt động sản xuất nông nghiệp hiệu quả.
Bích Nguyên
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/ket-hop-nhieu-giai-phap-trong-phong-chong-thien-tai-o-vung-dong-bang-song-cuu-long-post484049.html