Đường Bùi Thị Xuân, phường Thuận Hóa, TP Huế men theo dòng sông Hương, nay được mở rộng khang trang, sạch sẽ. Ven đường, rất nhiều cửa hàng bán đồ đúc đồng với nhiều sản phẩm như tượng Phật, lư hương, đến những thứ lưu niệm đủ mọi loại hình trông khá bắt mắt.
Ế ẩm
Làng nghề đúc đồng Phường Đúc ở Huế từng là niềm tự hào, nơi nghệ nhân gửi hồn vào từng chiếc chuông, đỉnh đồng, tượng Phật.
Nhiều người ở làng nghề đúc đồng Phường Đúc cho biết cụ Nguyễn Văn Lương (quê thuộc làng Ðồng Xá, huyện Siêu Loại, tỉnh Bắc Ninh) có công khai sinh làng nghề này từ hàng trăm năm trước.
Trung tâm Giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng im ắng, các cửa hàng đóng kín, bảng hiệu bạc màu, cỏ dại len lỏi quanh lối đi
Cụ Nguyễn Văn Lương đến vùng đất Thuận Hóa - Phú Xuân (Huế ngày nay) từ đầu thế kỷ XVII. Khi xây dựng Huế thành kinh đô, các chúa Nguyễn trưng tập thợ khéo cả nước về đây làm những công trình, vật dụng cao cấp.
Những hiện vật bằng đồng nổi tiếng còn lưu lại tại kinh đô Huế hiện nay như một minh chứng cho tài nghệ đúc đồng của những nghệ nhân Phường Đúc như: khánh, chuông chùa Thiên Mụ (1710) và chuông chùa Diệu Ðế (1864); vạc đồng, nghi môn bằng đồng trong Ðại Nội; Cửu vị thần công (1803-1804) đặt trước Ngọ Môn và nhất là Cửu Ðỉnh (1835-1837) - bộ tác phẩm nghệ thuật với 162 hình khắc chạm nổi, thể hiện thành tựu rực rỡ của nghệ thuật đúc đồng Việt Nam 2 thế kỷ trước.
Nhưng hôm nay, những gian nhà giới thiệu sản phẩm vắng vẻ đến nao lòng. Các cửa hàng đồ đồng ở Huế vắng khách, tủ kính lấp lánh nhưng lặng lẽ dưới nắng. Người bán ngồi thẫn thờ, đồ đồng vẫn bày biện chỉn chu nhưng ít người ghé, càng hiếm ai mua.
Các cửa hàng thưa khách, không gian trầm lặng và đìu hiu
Rảo bước vào các cửa hàng, chúng tôi gặp nhiều chủ tiệm và nhận được câu trả lời rằng có ngày không bán được món nào. "Xưa kia, chúng tôi không làm kịp hàng để bán. Nhưng bây giờ, dù mẫu mã thay đổi liên tục, đồ đẹp mà chẳng mấy ai ngó tới" - một chủ cửa hàng đúc đồng buồn bã.
Người bán hàng ngồi lặng giữa sắc đồng và tĩnh lặng. Ảnh: HÀ NHƯ
Chúng tôi tìm đến Trung tâm Giới thiệu sản phẩm làng nghề đúc đồng truyền thống Huế, ở cạnh đường Bùi Thị Xuân. Từ xa, trung tâm hiện ra với những ngôi nhà lớn, khuôn viên rộng thênh thang, khiến chúng tôi mường tượng nơi đó sẽ có rất nhiều sản phẩm đúc đồng, người mua kẻ bán tấp nập, du khách vào ra không xuể. Nhưng điều ngược lại khi đặt chân tới trung tâm đã làm chúng tôi bất ngờ.
Trung tâm này được xây dựng vào năm 2005, đầu tư hết 4,5 tỉ đồng với kỳ vọng thúc đẩy quảng bá và tiêu thụ sản phẩm truyền thống, nay hoang lạnh như phác họa nỗi thất vọng của người trong nghề. Không gian trưng bày - nơi từng mong mỏi đón khách tứ phương, giờ chỉ còn là kỷ niệm ngủ quên giữa ánh nắng cố đô.
Nghề không nuôi nổi thợ
Ông Nguyễn Văn Niệm là một người thợ, nghệ nhân có tiếng của làng nghề đúc đồng Phường Đúc, bởi đã có hơn 30 năm gắn bó với nghề.
Tôi băn khoăn hỏi ông rằng đúc đồng ở Phường Đúc, ngoài là một nghề mưu sinh thì còn có ý nghĩa tâm linh như thế nào? Ông Niệm bảo nghề đúc đồng mang lại không chỉ giá trị vật chất mà còn cả giá trị tâm linh, tinh thần cho mọi người. Đó là những tượng Phật, quả chuông được tạo thành từ mồ hôi, khối óc của người thợ với sự tinh xảo, được người ta thờ cúng, cầu nguyện, gửi gắm niềm tin vào đó thì phần nào hướng cho mọi người có tâm thanh tịnh, nguyện sống ý nghĩa.
Đó cũng là lý do mà những người thợ ở làng nghề đúc đồng xứ Huế mỗi lần nhận làm chuông, đúc tượng Phật đều gắng hết sức để tạo ra sản phẩm đẹp nhất, tuyệt kỹ nhất.
Chuông Huế là sản phẩm độc đáo, vì dù nhiều nơi vẫn làm nhưng cái hồn của chuông Huế có nét riêng không đâu giống được. Đặc biệt, tiếng chuông Huế ngân vang, đưa đến sự thanh tịnh, thuần khiết cho người nghe.
Ông Niệm nói không nhớ đã làm ra được bao nhiêu sản phẩm và bàn tay đã bao lần chảy máu vì nghề. Và giờ đây, dù tuổi đã lớn, dù nghề đúc đồng không còn thịnh như xưa, hàng làm ra ế ẩm nhưng ông vẫn cặm cụi bên khuôn đất, vì sự yêu nghề đã ngấm vào tim can.
Trong câu chuyện, ký ức hình ảnh làng nghề đúc đồng Phường Đúc ùa về trong lời kể của ông. Đó là cảnh nhộn nhịp ở công xưởng với người xúc đất, kẻ bưng than, người nhóm lò, người quay búa…
Lò nung nằm lặng, tro bụi phủ mờ
Trước đây, xưởng đúc đồng nơi ông Niệm làm có 10 người thợ, việc làm quanh năm không xuể, nhiều lần trễ hẹn giao hàng. Nhưng giờ chỉ còn 2 người mà việc cũng bấp bênh, ngày làm ngày nghỉ, vì chẳng mấy ai đặt hàng. Vậy nên, nhiều người bỏ nghề để kiếm việc khác mưu sinh. Ông Niệm thì vẫn bền bỉ nuôi nghề.
Gia đình ông Niệm đã 3 đời làm nghề đúc đồng, với gần tròn một thế kỷ, sống nhờ tiếng búa, ánh lửa, lò nung. Ông kể về nghề, về gia thế của mình với vẻ tự hào nhưng sâu thẳm bên trong là nỗi buồn vô hạn, là sự lo âu mai sau. Ông sợ sẽ không trụ nổi với nghề, sợ gia đình sẽ không còn người nối nghiệp vì cái nghề này giờ quá bạc bẽo, người trẻ khó theo được. "Công việc giờ thất thường lắm, một tháng làm chừng 10 ngày và lời lãi không đáng kể" - ông Niệm chia sẻ.
Cách đó không xa, ông Nguyễn Văn Vĩnh cũng là người nối nghiệp cha từ hơn 20 năm nay nhưng giờ rất bấp bênh vì làng nghề đìu hiu, vắng người mua. Theo ông, làm khuôn là công đoạn khó nhất, bởi sản phẩm đẹp hay xấu, tinh xảo hay không, có vừa lòng khách hàng không thì chính ở khâu này. Vì vậy, chỉ người thợ có kinh nghiệm, có bàn tay tài hoa mới được đảm trách việc này.
"Những sản phẩm lớn cần 3 - 4 người làm trong cả tháng. Để sản phẩm đẹp và có hồn, người thợ phải chăm chút kỹ công đoạn nguội" - ông Vĩnh chia sẻ bí quyết làm nghề. Đối với ông Vĩnh, cảm xúc khi hoàn thành một sản phẩm tinh xảo và giao đến tay khách hàng là điều tuyệt vời vì cảm giác lâng lâng hạnh phúc, lòng vui sướng khi khách hài lòng về sản phẩm mình làm ra.
Tôi hỏi xưởng đúc đồng nay "đỏ lửa" thường xuyên không? Ông chùng giọng, vẻ mặt buồn rầu khi chỉ tay vào chiếc lò cũ nằm yên không khói: "Mấy năm trước còn làm thường xuyên. Giờ thì một tháng chỉ làm chừng 10 ngày, thời gian còn lại ở nhà phụ việc, ai thuê gì thì làm đó".
Gian hàng nhỏ, hy vọng lớn
Chiều tà, tôi gặp một người phụ nữ bán đồ đồng lưu niệm trong một cửa hàng nhỏ trên phố Bùi Thị Xuân. Bên trong cửa hàng là những món đồ phủ màu thời gian như chuông, đèn, lư, tượng, khách chủ yếu là người địa phương. Cửa hàng của chị bán cả hàng nhà làm lẫn hàng lấy từ các xưởng khác.
"Ở đây, mỗi nhà chuyên làm một món. Có nhà làm chuông, có nhà làm đèn. Muốn có đủ hàng thì phải nhập thêm về bán. Gắn bó bao năm rồi. Giờ chỉ mong nghề còn trụ được, có chút thu nhập để sống, để giữ nghề thôi" - chị chia sẻ.
Khi được hỏi về sự khác biệt của sản phẩm đúc đồng Huế với những nơi khác, chị nói ở Huế người ta vẫn làm thủ công, trong khi tại TP HCM, Hà Nội sử dụng máy móc thay thế con người. Vì vậy, khó khăn lớn nhất, theo chị, là không cạnh tranh được với hàng công nghiệp bởi mẫu mã nhiều, giá rẻ hơn.
Người thợ cẩn thận hoàn thiện phần khuôn đúc. Ảnh: HÀ NHƯ
Rời làng nghề đúc đồng Phường Đúc, trong tôi vẫn lưu hình ảnh ông Niệm với xưởng chỉ còn 2 người, vẫn đổ từng mẻ đồng, vẫn nâng niu từng khuôn đất. Ông Vĩnh vẫn lặng lẽ gò, đục, chạm, tạo ra những cái khuôn sẵn; người phụ nữ bán hàng vẫn lau bụi từng món đồ trong cửa hàng nhỏ, giữa những ngày vắng khách...
Họ khác nhau về việc mình làm, tuổi đời và hoàn cảnh nhưng đều chung một mục đích là không muốn cái nghề của cha ông mình bị thất truyền.
Hà Như - Ngọc Lân