Từ nhỏ, tôi là một cô bé nhút nhát và hay xấu hổ. Với cặp kính dày và rất thích những kiểu áo len chui đầu, tôi suốt ngày đắm chìm trong các cuốn sách mơ về một thế giới tươi đẹp và đầy ắp những điều kỳ diệu.
Khi bước chân vào trường trung học vào đầu những năm 1990, tôi được bạn bè cùng lứa cho là không bình thường. Họ hay gọi tôi là “Phoebe khiếp sợ”, cái tên được đặt theo nhân vật đeo kính trong vở kịch Những người hàng xóm, bố cô bé là nhân viên tang lễ và nuôi rắn trong nhà khiến các bạn trong lớp khiếp sợ.
Đến năm 16 tuổi, tôi trở nên hằn học với thế giới, hầu như cả ngày đeo tai nghe ở trường để không phải nói chuyện với ai trong lúc nguệch ngoạc lời nhạc của ban rock Manic Street Preachers trên khắp mặt bàn gỗ.
Những âm thanh này có quen thuộc không? Nếu có thì sau tất cả tôi là một cô bé mới lớn bình thường. Song giống như hầu hết bạn bè đồng trang lứa, tôi chưa bao giờ cảm thấy bình thường. Giống như nhiều bạn trẻ mới lớn bị bắt nạt khác, tôi chấp nhận bị gắn mác kẻ ngoài rìa và coi đó là mác của riêng mình (hoặc tôi nghĩ vậy), phóng đại những khác biệt mà kẻ bắt nạt nhận xét về tôi để tôi càng cảm thấy xa cách với họ hơn.
Tôi nghĩ thật là ngớ ngẩn khi tôi tự quy định rằng đeo ba lô trên cả hai vai hay kéo cao tất để giữ ấm đôi chân mới là “tươm tất”, vì vậy tôi khăng khăng làm cả hai việc đó. Tôi không thích trang điểm và nghe nhạc pop nhưng lại dành mỗi thứ tư hàng tuần vùi đầu vào nhạc phẩm mới của NME hay Melody Maker, đọc về các ban nhạc mà không ai trong trường từng nghe đến.
Ảnh minh họa. Nguồn: Rachel Claire/Pexels.
Dù vậy, một phần trong tôi vẫn khao khát được bình thường như những người khác. Nếu như một trong những ban nhạc tôi yêu thích giành được vị trí đầu bảng xếp hạng, tôi có cảm giác mình đã đạt được một cái gì đó – giống như cách người khác vẫn làm.
Bình thường là một khái niệm mơ hồ và khó hiểu với tôi trong suốt những năm tháng thơ ấu, nó mang theo nỗi lo sợ vì không được hòa nhập, bị ra rìa và cô đơn. Tôi có cảm giác rằng trong tôi có điều gì đó thay đổi bất chợt thì mọi thứ sẽ đột nhiên ổn thỏa. Có lẽ phải đến gần 30 tuổi tôi mới thực sự đặt câu hỏi về ý nghĩa của điều ‘bình thường’.
Nếu bạn đã cầm cuốn sách này lên, có lẽ bởi vì bạn cũng có những nỗi sợ tương tự hoặc bạn đang tự hỏi các câu hỏi tương tự. Vậy, nỗi lo về sự khác biệt có thực sự bình thường không? Có phải con người luôn luôn lo lắng về việc đạt được mục tiêu cụ thể được đặt ra theo cách bình thường trong cuộc sống? Khi nào chúng ta chấp nhận sự khác biệt và khi nào chúng ta sợ hãi? Và ai có quyền quyết định điều gì là bình thường?
Những chương tiếp sau đây, tôi sẽ cho các bạn thấy lịch sử của vấn đề lo lắng về sự khác biệt ngắn ngủi đến thế nào. Tất nhiên trong một vài trường hợp, con người luôn phán xét mình khi so sánh với người xung quanh hay đi phê bình người khác vì họ không hòa nhập.
Tuy vậy, khái niệm về sự khác biệt mới chỉ bắt đầu lan rộng từ cách đây 200 năm. Sự tăng lên nhanh chóng về thống kê trong thực hành khoa học ở châu Âu và Bắc Mỹ thông qua y học, sinh lý học, tâm lý học, xã hội học và tội phạm học đã thúc đẩy tìm hiểu khái niệm sự khác biệt này.
Điều bình thường đã đặt ra các quy tắc giới hạn trong luật pháp, cấu trúc xã hội và quan niệm về sức khỏe. Thời điểm trước năm 1800, khái niệm “bình thường” (normal) thậm chí còn không được dùng để chỉ về loài người, bình thường là một thuật ngữ toán học chỉ một góc vuông.
Sự phát triển nhanh chóng của ngành thống kê học ở châu Âu và Bắc Mỹ trong thế kỷ 19 đã thôi thúc các nhà khoa học dùng biện pháp đo lường loài người để tìm ra mức trung bình đầu tiên, sau đó tiến đến một chuẩn mực.
Những chuẩn mực này được hình thành do sự chuẩn hóa các mặt của cuộc sống, trong đó định nghĩa cái gì và ai là bình thường theo cách con người nhất và có giá trị nhất. Ví dụ, khi giáo dục là bắt buộc với mọi trẻ em ở nhiều quốc gia, người ta sẽ biết được trẻ nào nhận thức chậm hơn so với các bạn trong lớp; hay sự ra đời của bảo hiểm xã hội và bồi thường lao động đòi hỏi sự cần thiết tổ chức các chương trình khám sức khỏe sàng lọc.
Từ đó, tình trạng sức khỏe bình thường ngày càng được định nghĩa chi tiết và cụ thể hơn. Các phòng khám cân đo cho trẻ em bắt đầu đưa ra ý tưởng về sự phát triển của trẻ em, bài kiểm tra IQ bắt đầu được coi là tiêu chuẩn để đánh giá trí thông minh, và các nhà máy và các khu công nghiệp bắt đầu khơi gợi ý niệm về người công nhân lý tưởng cùng các mức độ đánh giá năng suất lao động.
Sarah Chaney/NXB Trẻ