Khám phá Ngũ Hồ Sơn

Khám phá Ngũ Hồ Sơn
4 giờ trướcBài gốc
Ngày nay, muốn lên Ngũ Hồ Sơn, du khách có thể đi được từ 2 hướng “Đông - Tây”. Hướng Đông thuộc phường Thới Sơn và hướng tây thuộc phường An Phú (TX. Tịnh Biên) đều được. Từ trên núi Két nhìn về Ngũ Hồ Sơn, du khách sẽ thấy dãy núi rất hùng vĩ, viết tiếp nhiều câu chuyện huyền bí thời cha ông khai hoang mở cõi.
Nhìn từ trên cao, Ngũ Hồ Sơn nằm trong quần thể của ngọn núi Anh Vũ Sơn và núi Trà Sư nằm cạnh nhau. Ngày trước nơi đây còn hoang sơ, thú rừng, cọp, beo “ngự trị” nhiều vô kể. Tuy nhiên, hiện nay dưới chân 3 ngọn núi này đã hình thành “phố núi” sầm uất, phát triển rất mạnh ở miền biên giới Tây Nam của Tổ quốc.
Hiện nay, Ngũ Hồ Sơn còn khá hoang sơ. Đường sá lên núi được đổ bê tông thẳng tắp, du khách có thể chạy xe rong ruổi một mạch tới tận đỉnh.
Quanh năm, khí hậu ở Ngũ Hồ Sơn rất mát mẻ, ôn hòa; thổ nhưỡng thuận lợi. Tận dụng điều kiện “trời ban” này, người dân khai khẩn lập vườn trồng cây ăn trái, cho thu nhập ổn định. Chinh phục ở lưng chừng núi, du khách sẽ bắt gặp “cỏ cây chen đá, lá chen hoa”, như minh chứng cho bàn tay cần cù, chịu khó biến chỗ cằn cỗi thành nơi hái ra tiền.
Hiện nay, trên Ngũ Hồ Sơn, dường như bà con nào có đất núi cũng đều canh tác cây hồng quân. Chạy qua con dốc, nhìn hai bên, chúng tôi bắt gặp hình ảnh nhà vườn đang leo cây bẻ trái hồng quân.
Trái hồng quân khi chín có màu đỏ ửng tím. Ngoài tiêu thụ trị trường nội địa và xuất khẩu, hiện nay, trái hồng quân chín còn được chế biến thành rượu, mang hương vị nồng nàn xứ núi, được mọi người ưa chuộng.
Trên chốn non cao, người dân vẫn còn đặt niềm tin mãnh liệt vào đấng siêu nhiên, do đó từng tảng đá, vồ đá được họ bảo vệ, gìn giữ cẩn thận. Tại những tảng đá lớn, chúng tôi còn thấy họ đặt lư hương tín ngưỡng dân gian thờ cúng sơn thần phù hộ…
Theo tìm hiểu, những tảng đá, vồ đá được người dân tín ngưỡng tôn thờ hoặc đặt tượng thánh mẫu trên núi Ngũ Hồ có cách đây rất lâu. Để gìn giữ nơi tâm linh núi non cho du khách đến cúng viếng, người dân còn xây tạm vài cái miếu, trông rất huyền bí.
Ngọn núi này, chủ yếu thu hút khách du lịch tâm linh đến đây chiêm bái. Ngày trước, chưa có đường bê-tông, bà con lội bộ lên núi hành hương. Trên núi có các điểm du lịch được nhiều đoàn khách lui tới, như: Năm Giếng, điện Ngọc Hoàng, hang Chư Vị Năm Ông, điện thờ Phật Thầy Tây An.
Đến chốn bồng lai này, du khách nhớ dừng chân tại khu vực Năm Giếng để trải nghiệm.
Ngày trước, nơi đây rất hoang sơ, tại 5 cái giếng trên nền đá có tích trữ nước quanh năm.
Mỗi khi du khách ghé qua đều dùng tay vốc nước mát rửa mặt, thật sảng khoái sau hành trình leo núi mệt nhọc.
Thấy được địa điểm tiềm năng này, người dân đến thuê một khu đất trống mở quán phục vụ thức ăn, nước uống cho khách du lịch. Các giếng được họ che chắn rác tránh rơi xuống làm ô nhiễm nguồn nước mát.
Men theo bìa rừng, thỉnh thoảng du khách sẽ bắt gặp loại bông màu đỏ rực của cây gừng gió nằm sát mặt đất, trông rất đẹp.
Ngoài ra, du khách sẽ ngỡ ngàng trước vẽ đẹp kiêu hãnh của loài “hùng kê” Bảy Núi. Đây là loại gà rừng được sơn dân nuôi từ nhỏ thuần hóa trên Ngũ Hồ Sơn.
Tuột dốc Ngũ Hồ Sơn sang bên kia núi, đường sá rộng rãi nhưng đầy rong rêu trơn trượt. Ven con đường nhỏ có một số nơi người dân còn thờ sơn thần, thổ địa, khói hương nghi ngút.
Người dân trên núi kể lại, ngày trước núi Ngũ Hồ từng là nơi ẩn tu của các bậc cao nhân, mỗi khi đến rằm lớn, nhiều đoàn khách leo núi cúng kiếng rất đông. Từ đó có thể thấy rằng, ngọn núi này là địa chỉ du lịch tâm linh còn hoang vắng thích hợp cho lữ khách đến chinh phục, khám phá.
HOÀNG MỸ
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/kham-pha-ngu-ho-son-a411374.html