Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã thống nhất thực hiện chủ trương khám sức khỏe định kỳ miễn phí toàn dân ít nhất mỗi năm một lần, đồng thời giao Đảng ủy Chính phủ chỉ đạo nghiên cứu xây dựng đề án với lộ trình từng bước giảm gánh nặng chi phí y tế cho người dân, tiến tới miễn viện phí toàn dân giai đoạn 2030-2035.
Khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho bệnh nhân sẽ mang lại nhiều lợi ích lớn. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Mong chủ trương sớm thành hiện thực
Nhiều người dân tỏ ra vui mừng và cho rằng đây là một chủ trương mang tính nhân văn sâu sắc, đặc biệt ý nghĩa đối với nhóm người yếu thế. Ông Nguyễn Dũng (55 tuổi, ngụ tỉnh Phú Yên) cho biết nếu chủ trương miễn phí khám sức khỏe định kỳ được triển khai, một bộ phận không nhỏ người có thu nhập thấp như ông sẽ được hưởng lợi.
“Tôi bán vé số, vợ lượm ve chai và đều không có BHYT. Nếu mỗi năm được khám bệnh định kỳ miễn phí chắc chắn chúng tôi sẽ đi khám để biết sức khỏe mình thế nào” - ông Dũng chia sẻ.
Khám sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng trong dự phòng, phát hiện sớm các bệnh lý, giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh nặng.
Nghe tin có chủ trương khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân, bà Lê Thị Bích Loan (68 tuổi, ngụ TP.HCM) tỏ ra vui mừng. Bà cho biết các con giục bà khám sức khỏe định kỳ nhưng bà thấy tốn kém nên chưa đi.
“Nếu sắp tới người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí thì thực sự là một tin rất vui. Người dân vừa đỡ gánh nặng chi phí chăm sóc sức khỏe mà còn được tiếp cận y tế sớm, giúp phát hiện sớm bệnh nếu có và điều trị kịp thời” - bà Loan nói.
Anh Trần Văn Hưng (34 tuổi, ngụ Cần Thơ) cho rằng chủ trương khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho toàn dân rất tuyệt vời. “Khi từng bước tiến tới miễn viện phí toàn dân, nên ưu tiên miễn phí cho các nhóm yếu thế trước như người già, trẻ em, người có công, người nghèo... Đồng thời, nếu Nhà nước hỗ trợ toàn bộ chi phí thẻ BHYT cho học sinh - sinh viên, người cận nghèo thì quá tốt” - anh Hưng tâm sự.
Khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho nhân dân ít nhất mỗi năm một lần là chủ trương rất nhân văn. Nếu việc khám sức khỏe định kỳ miễn phí được thực hiện cho toàn dân thì lợi ích và hiệu quả trong chăm sóc sức khỏe sẽ được tăng lên rất nhiều.
PGS-TS-BS Đỗ Văn Dũng, nguyên Phó Hiệu trưởng
Trường ĐH Y Dược TP.HCM
“Tôi bị ung thư vú đã hai năm nay, gia sản gần như khánh kiệt vì các lần hóa trị, thuốc thang. Nếu trước đó tôi đi khám sức khỏe định kỳ, phát hiện sớm triệu chứng bệnh để được can thiệp chắc chắn sẽ khác” - bà Nguyễn Thị Lành (61 tuổi, ngụ TP Nha Trang) nói và mong muốn chủ trương này sẽ sớm thành hiện thực.
Người dân được nhân viên y tế khám sàng lọc sức khỏe. Ảnh: TRẦN MINH
Để 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ miễn phí
Giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm; phát triển hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý sức khỏe trọn đời… Ước tính với 100 triệu người dân, mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng, tương đương mỗi năm phải chi 25.000 tỉ đồng.
Từ năm 2030 đến 2035, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu sửa đổi toàn diện Luật BHYT, từng bước hoàn thiện chính sách để thực hiện miễn phí chăm sóc sức khỏe cho toàn dân.
Ngân sách nhà nước sẽ tăng hỗ trợ mua thẻ BHYT để phấn đấu 100% dân số có BHYT. Cùng với đó, mở rộng phạm vi quyền lợi BHYT và từng bước chi trả cho dịch vụ dự phòng, khám sàng lọc, chẩn đoán sớm và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm.
Từ đó, từng bước giảm tỉ lệ chi trả của người dân trong tổng chi tiêu cho sử dụng dịch vụ y tế xuống dưới 20%, tỉ lệ đồng chi trả chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT xuống dưới 10%.
Ông Trần Văn Thuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế
Cần có lộ trình, tính toán kỹ lưỡng
BS CKII Lê Anh Tuấn, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp BV Nhân dân 115, TP.HCM, chia sẻ ông rất ủng hộ chủ trương khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho người dân. Đây là một bước đi quan trọng, không chỉ giúp nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe cho nhân dân mà còn tạo điều kiện thuận lợi để mỗi người dân có thể duy trì sức khỏe tốt, yên tâm làm việc và học tập.
Khám sức khỏe định kỳ có vai trò quan trọng trong dự phòng, phát hiện sớm các bệnh lý, giúp bác sĩ lập kế hoạch điều trị kịp thời, giảm thiểu tối đa nguy cơ bệnh nặng. Điều này không chỉ giúp cải thiện chất lượng sống của người dân mà còn giảm bớt gánh nặng cho hệ thống y tế.
“Khám sức khỏe định kỳ đặc biệt có ý nghĩa đối với các bệnh mạn tính như tim mạch, tiểu đường hay ung thư, bởi đây là những bệnh lý thường không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu” - BS Tuấn nói.
Người cao tuổi TP.HCM khám sức khỏe miễn phí. Ảnh: THẢO PHƯƠNG
Hơn 300.000 người cao tuổi TP.HCM được khám miễn phí
Năm 2023, TP.HCM đã triển khai chương trình khám sức khỏe miễn phí cho người cao tuổi nhằm phát hiện các bệnh lý thường gặp ở lứa tuổi này (tăng huyết áp, tiểu đường, hen phế quản và COPD, phát hiện dấu hiệu nghi ngờ ung thư, các mức độ suy yếu tuổi già, trầm cảm lo âu, sa sút trí tuệ (từ 60 tuổi trở lên).
Theo Sở Y tế TP.HCM, tính đến ngày 31-12-2024, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã khám được 329.330 người cao tuổi (trong tổng số 1.001.575 người từ 60 tuổi trở lên), đạt 32,9%.
Nguyên nhân do người dân chưa có thói quen chú ý đến sức khỏe bản thân, chưa có thói quen khám, tầm soát bệnh tật từ sớm, khi mắc bệnh thì đến BV có đăng ký BHYT để được khám chữa bệnh, do đó người cao tuổi ít tham gia khám, tầm soát bệnh không lây tại các trạm y tế, trung tâm y tế.
Theo TS-BS Nguyễn Văn Vĩnh Châu, Phó Giám đốc Sở Y tế TP.HCM, qua chương trình khám sức khỏe người cao tuổi, TP.HCM đã phát hiện thêm 49.197 người bị tăng huyết áp trước đây chưa được chẩn đoán (chiếm 15% dân số khám sức khỏe), 26.974 người nghi ngờ đái tháo đường (8%).
Như vậy ước tính trong số hơn 1 triệu người cao tuổi tại TP.HCM, có khoảng 150.000 người bị tăng huyết áp nhưng chưa được phát hiện và điều trị.
“Đẩy nhanh khám sức khỏe người cao tuổi để kịp thời phát hiện và quản lý điều trị các bệnh không lây nhiễm, lập hồ sơ sức khỏe điện tử. Từ đó xác định được mô hình sức khỏe và bệnh tật, chủ động can thiệp sớm giúp tăng hiệu quả, giảm chi phí điều trị, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân” - BS Châu thông tin.
Hiện nay Sở Y tế TP.HCM tiếp tục triển khai kế hoạch khám sức khỏe, phát hiện sớm bệnh không lây nhiễm ở người cao tuổi trên địa bàn năm 2025 theo chỉ đạo của UBND TP.HCM.
Theo đó, năm 2024 trở về trước, việc khám sức khỏe cho người cao tuổi được thực hiện tại trạm y tế. Từ năm 2025 trở đi, UBND TP.HCM cho phép khám sức khỏe cho người cao tuổi tại các phòng khám đa khoa, BV công lập và tư nhân có đủ điều kiện.
“Việc này tạo điều kiện thuận lợi cho người cao tuổi trên địa bàn TP tiếp cận dịch vụ. Mục tiêu đảm bảo 100% người cao tuổi được khám sức khỏe trong năm 2025. Tất cả chi phí khám sức khỏe do ngân sách nhà nước và các nguồn kinh phí hợp pháp khác chi trả” - BS Châu nói.
ThS Đinh Tấn Hùng, Trưởng phòng Hành chính quản trị BV đa khoa tỉnh Khánh Hòa, nhận định chủ trương miễn phí khám sức khỏe định kỳ cho toàn dân là đúng đắn, hợp lòng dân. Tuy nhiên, để thực hiện được cần lộ trình cụ thể.
“Nhiều BV hiện nay tự chủ về tài chính, do đó việc miễn viện phí hoặc khám định kỳ miễn phí mỗi năm một lần cho người dân cần phải tính toán kỹ giữa các bộ, ngành liên quan” - ông Hùng nêu. Đồng thời cho rằng cũng cần có chính sách đối với y, bác sĩ để đảm bảo công bằng, giữ chân được nhân lực chất lượng cao cho BV công lập.
Còn theo BS CKII Trịnh Ngọc Hiệp, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Khánh Hòa, chủ trương khám sức khỏe định kỳ miễn phí cho toàn dân là hoàn toàn đúng đắn và nhân văn. Tuy nhiên, để chủ trương thành hiện thực phải có các điều kiện như tỉ lệ bao phủ BHYT phải cao, tiệm cận toàn dân; mức giá của BHYT phải nghiên cứu hợp lý để đảm bảo chi trả.
Ngoài ra, ngân sách nhà nước phải đảm bảo hỗ trợ đầy đủ cho nhóm yếu thế trong xã hội và gần như bao cấp cho mảng y tế dự phòng.
Đồng thời, tính đúng, tính đủ cũng như đảm bảo giá dịch vụ y tế đủ trả lương và tái đầu tư cho các cơ sở khám chữa bệnh, thanh quyết toán BHYT phải đầy đủ và nhanh chóng; quy định rõ trách nhiệm và quyền lợi của các bên (người dân, BHXH, các cơ sở khám chữa bệnh, các chủ doanh nghiệp, hộ kinh doanh). Cốt lõi nhất là nền kinh tế quốc gia phải đủ mạnh để chủ trương thực hiện được thuận lợi, tiến tới miễn viện phí toàn dân trong tương lai.•
Những “bài toán” cần giải
Phần lớn người dân chưa đi khám sức khỏe định kỳ do chủ quan về sức khỏe của bản thân và lo ngại về vấn đề tài chính.
Hằng năm, bà Định Thị Trúc, 63 tuổi (Minh Hóa, Quảng Bình) đều đi khám sức khỏe định kỳ một lần. Nhờ vậy, bà Trúc dù đã lớn tuổi nhưng không mắc bệnh nặng, tình trạng sức khỏe ổn định, chỉ gặp vài vấn đề nhỏ do tuổi tác.
Người dân tham gia khám sức khỏe miễn phí nhằm giúp phát hiện sớm các vấn đề về thị lực tại BV đa khoa tỉnh Phú Thọ. Ảnh: THANH TÚ
Được miễn phí thì quá tốt...
“Tôi đi khám vì con trai bắt phải đi, nếu để bản thân tự chủ động thì chắc tôi cũng không đi. Tiền khám đã nhiều, tiền đi lại từ quê ra viện lại là một khoản khác” - bà Trúc nói và cho hay không biết mỗi lần khám hết bao nhiêu tiền vì con trai không nói nhưng bà nghĩ: “Chắc cũng đến vài triệu nên hàng xóm của tôi ở quê có đi khám sức khỏe định kỳ bao giờ đâu”.
“Nếu người dân được miễn phí khi đi khám sức khỏe định kỳ hằng năm thì tốt quá. Như thế mỗi lần đi khám tôi sẽ đỡ phải trăn trở vì tốn tiền của các con, tụi nó đều làm công ăn lương, nuôi ba con nhỏ” - bà Trúc chia sẻ thêm.
Trong khi đó, nhờ khám sức khỏe định kỳ theo chương trình của công ty, chị Nguyễn Thị Giang (26 tuổi, ngụ Cầu Giấy, Hà Nội) đã phát hiện sớm mắc ung thư tuyến giáp. “Ban đầu tôi sốc lắm, vì mình còn trẻ như vậy mà đã mắc bệnh. Dần dần được các bác sĩ và mọi người động viên, biết đây là bệnh được phát hiện sớm nên tiên lượng vẫn tốt tôi mới ổn định lại tinh thần” - chị Giang cho hay.
Sau lần đó, từ kinh nghiệm của bản thân, chị Giang thường xuyên đưa cha mẹ đi kiểm tra sức khỏe định kỳ hằng năm - điều mà trước đó họ chưa từng làm. “Tôi nghĩ ai rồi cũng có bệnh này hoặc bệnh kia, đi khám để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe là tốt nhất” - chị Giang nói.
Do vậy, chị Giang cho rằng chủ trương miễn phí khám sức khỏe định kỳ cho toàn dân nếu được triển khai sẽ mang lại rất nhiều lợi ích, vừa giúp dự phòng, khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm vừa thể hiện sự quan tâm, chăm sóc đối với sức khỏe nhân dân, đồng thời làm tăng niềm tin, sự an tâm của nhân dân đối với Nhà nước.
“Tôi nghĩ ai rồi cũng có bệnh này hoặc bệnh kia, đi khám để phát hiện sớm các vấn đề về sức khỏe là tốt nhất” - chị Giang nói.
Cần nhiều giải pháp
BS Lê Thị Phượng, khoa Nội tổng hợp BV C Thái Nguyên, cho biết tỉ lệ người bệnh đến khám khi bệnh đã ở giai đoạn muộn tại cơ sở y tế này rất lớn. Có hai lý do chính khiến người dân không đi khám sức khỏe định kỳ là chủ quan sức khỏe của bản thân và lo ngại về vấn đề tài chính.
“Chủ trương miễn phí khám sức khỏe định kỳ rất nhân văn, là tin vui lớn đối với cả người dân và đội ngũ y, bác sĩ. Những người làm trong ngành y không ai mong muốn phát hiện bệnh của người dân khi bệnh đã tiến triển nặng” - BS Phượng cho hay.
Hiện nay, khi đi khám sức khỏe định kỳ, người dân thường được chỉ định thực hiện các kỹ thuật như xét nghiệm đường máu, kiểm tra chức năng thận, men gan, chụp X-quang ngực và siêu âm.
BS Phượng nhận định với chi phí khoảng 250.000 đồng/người cho mỗi lần khám sức khỏe định kỳ thì chỉ thực hiện được các kỹ thuật cơ bản nhất. Để việc khám định kỳ thực sự giúp dự phòng, khám sàng lọc, chẩn đoán và điều trị bệnh ở giai đoạn sớm thì có thể cần tính toán để tăng con số này lên.
“Để thực hiện chủ trương còn rất nhiều việc phải làm. Từ góc độ của người làm chuyên môn, thăm khám và điều trị cho bệnh nhân, tôi mong chủ trương sớm được triển khai. Nhưng từ góc độ quản lý, nghiên cứu, xây dựng kế hoạch thì tôi biết sẽ có nhiều thách thức đối với các sở y tế, các BV cũng như toàn ngành y nói chung” - BS Phượng nhấn mạnh.
Chiều 6-5, tại họp báo Chính phủ thường kỳ, Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn nhấn mạnh chủ trương miễn viện phí toàn dân là chủ trương lớn, nhân văn và có tác động tích cực trong việc chăm nom sức khỏe cho người dân.
Trong giai đoạn 2026-2030, Bộ Y tế đặt mục tiêu 100% người dân được khám sức khỏe định kỳ hằng năm. Ước tính 100 triệu người dân với chi phí mỗi lần khám sức khỏe khoảng 250.000 đồng/người, cần chi khoảng 25.000 tỉ đồng/năm.
Cũng trong giai đoạn này, Bộ Y tế sẽ nghiên cứu, trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn thực hiện thí điểm một số chính sách như mở rộng quyền lợi gói dịch vụ y tế cơ bản để tăng lên 20%-30% mức lương cơ sở (hiện nay là 15%), khám sức khỏe định kỳ, khám sàng lọc chẩn đoán, phát hiện sớm một số bệnh; tăng mức hưởng BHYT lên 100% đối với các đối tượng đang có mức hưởng 95%, đồng thời có lộ trình tăng dần mức hưởng đối với đối tượng đang hưởng 80%. Hiện tại có ba mức hưởng gồm 80%, 95% và 100%.
Theo ông Nguyễn Đức Thuận, nguyên Giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, chủ trương miễn viện phí toàn dân có ý nghĩa lớn, rất tích cực. Để tiến tới miễn viện phí toàn dân, miễn phí khám sức khỏe định kỳ là một bước đi đúng đắn. Tuy nhiên, cần lưu ý kỹ một số vấn đề.
Trước hết là vấn đề tài lực. Kinh phí cho việc này sẽ được lấy từ đâu? “Việc khám sức khỏe định kỳ cần được thực hiện đúng theo tinh thần của khám sức khỏe nhằm giúp phát hiện sớm các vấn đề tiềm ẩn, không phải là làm một vài kỹ thuật để khám cho có” - ông Thuận nói.
Tiếp đó là vấn đề nhân lực, sẽ cần đội ngũ y, bác sĩ có trình độ chuyên môn cao, nắm vững kiến thức tổng quát - những người có khả năng phát hiện, tìm ra các bệnh từ khi bệnh chưa có dấu hiệu, triệu chứng. “Quan trọng nhất của khám sức khỏe định kỳ là phát hiện, sàng lọc sớm các vấn đề sức khỏe ngay từ khi bệnh nhân còn chưa biết là vấn đề đó có tồn tại” - ông Thuận nhấn mạnh.
Ngoài ra, ông Thuận gợi ý có thể tận dụng các bác sĩ đã nghỉ hưu, có kinh nghiệm lâu năm, tham gia khám sức khỏe định cho người dân tại địa phương. “Là một người đã nghỉ hưu nhưng vẫn muốn cống hiến cho ngành y, tôi sẵn sàng tham gia vào các hoạt động này” - ông Thuận bày tỏ.
Cũng theo nguyên giám đốc Sở Y tế tỉnh Lâm Đồng, số tiền cần để chi cho một người dân khám sức khỏe định kỳ mỗi năm cần được tính toán, nghiên cứu, thảo luận, lắng nghe từ các BV, chuyên gia, bác sĩ - những người trực tiếp khám bệnh. “Con số này không thể ước lượng một cách cảm tính” - ông Thuận nói thêm.
Bên cạnh đó, khi đã giải được bài toàn về tài lực và nhân lực, cần có hướng triển khai cụ thể, không thể khám một cách ào ạt, thậm chí từng đối tượng người dân, độ tuổi cũng cần có những hướng dẫn khám khác nhau.
THANH THANH
THẢO PHƯƠNG - XUÂN HOÁT