Sau khi sáp nhập 3 địa phương, không gian đô thị TP HCM mở rộng lên hơn 6.700 km², dân số hơn 14 triệu người và quy mô kinh tế xấp xỉ 120 tỉ USD, tạo điều kiện thuận lợi để tổ chức và cấu trúc lại thành một siêu đô thị đa trung tâm, nâng cao khả năng cạnh tranh quốc tế.
Mô hình phát triển mới cần được quy hoạch rõ ràng. Theo đó, vùng lõi TP HCM hiện tại tiếp tục đóng vai trò là trung tâm chiến lược về tài chính, công nghệ, dịch vụ và thương mại quốc tế. Khu vực này cần khai thác vị thế đầu não kinh tế, nơi tập trung các định chế tài chính lớn và các công ty công nghệ cao hàng đầu.
Trong cấu trúc này, khu vực Bình Dương (cũ) sẽ được xác định là thủ phủ công nghiệp sản xuất và logistics, tận dụng thế mạnh sẵn có về hạ tầng khu công nghiệp và chuỗi cung ứng. Trong khi đó, khu vực ven biển gồm Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) và Cần Giờ sẽ được phát triển thành trung tâm chiến lược về cảng biển quốc tế, năng lượng tái tạo và du lịch cao cấp. Đặc biệt, cụm cảng biển Cái Mép - Thị Vải - Cần Giờ sẽ đóng vai trò trung tâm trung chuyển quốc tế, là điểm nhấn chiến lược định vị TP HCM mới như một siêu đô thị logistics và cảng biển hàng đầu Đông Nam Á. Không gian mới cũng cần liên kết chặt chẽ với các vùng kinh tế phụ cận như Đồng Nai, Tây Ninh và đồng bằng sông Cửu Long.
Sự sáp nhập này sẽ hình thành một không gian công nghiệp tích hợp lớn nhất cả nước, dự kiến đóng góp gần 28% giá trị gia tăng công nghiệp và 21% kim ngạch xuất khẩu toàn quốc. Về thương mại, tầm nhìn cho giai đoạn 2025-2045 là TP HCM trở thành trung tâm thương mại, dịch vụ và logistics quốc tế hàng đầu khu vực.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, việc quy hoạch lại không gian theo chức năng cần được triển khai khẩn trương. Yếu tố quyết định là phải tập trung nguồn lực hoàn thiện nhanh hệ thống hạ tầng giao thông huyết mạch, bao gồm các tuyến vành đai, cao tốc liên vùng và đường sắt để kết nối mạnh mẽ các phân khu.
Quan trọng hơn cả, TP HCM cần mạnh dạn cải cách thể chế, áp dụng các chính sách đột phá, ưu đãi vượt trội về thuế và thủ tục hành chính để thu hút đầu tư quốc tế, cạnh tranh với các trung tâm lớn trong khu vực. Việc xây dựng các khu thương mại tự do, trung tâm tài chính quốc tế là cần thiết. Song song đó, chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ cán bộ, công chức cũng phải được nâng lên tương xứng để khai thác hiệu quả các cơ hội, đưa TP HCM vươn mình thành một siêu đô thị hiện đại và năng động.
Đỗ Thiên Anh Tuấn, Trường Chính sách công và Quản lý Fulbright