Luật Dữ liệu có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025. Một trong những nội dung nhận được nhiều sự quan tâm của bạn đọc là trường hợp nào cơ quan Nhà nước có quyền thu thập dữ liệu của tổ chức, cá nhân mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý.
Ngày 30/6, Chính phủ ban hành Nghị định 165/2025/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Dữ liệu cùng có hiệu lực từ ngày 1/7/2025.
Nghị định quy định: Khuyến khích cá nhân, tổ chức chia sẻ, cung cấp dữ liệu của mình cho cơ quan Nhà nước cho các mục tiêu vì lợi ích chung như chăm sóc sức khỏe, biến đổi khí hậu, cải thiện giao thông, tạo điều kiện cho việc tổng hợp và phổ biến số liệu thống kê chính thức, cải thiện việc cung cấp dịch vụ công, hoạch định chính sách công hoặc mục đích nghiên cứu khoa học.
Hoạt động thương mại điện tử có lưu giữ nhiều thông tin cá nhân người dùng. (Ảnh: TTXVN)
Tổ chức, cá nhân chia sẻ, cung cấp dữ liệu một cách tự nguyện trên cơ sở có sự đồng ý của chủ thể dữ liệu để xử lý dữ liệu cá nhân liên quan đến họ hoặc sự cho phép của chủ sở hữu dữ liệu để cho phép sử dụng dữ liệu phi cá nhân của họ.
Cơ quan Nhà nước yêu cầu tổ chức, cá nhân cung cấp dữ liệu theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Dữ liệu như sau:
Có văn bản yêu cầu hoặc hình thức khác bảo đảm có xác nhận về việc yêu cầu cung cấp dữ liệu trong đó chỉ rõ loại dữ liệu, mức độ chi tiết, khối lượng dữ liệu, tần suất truy cập dữ liệu, phương thức cung cấp dữ liệu, cơ sở pháp lý, căn cứ, lý do của yêu cầu, mục đích sử dụng dữ liệu, thời hạn sử dụng và thời hạn cần cung cấp dữ liệu, các hoạt động xử lý dữ liệu dự kiến sẽ thực hiện;
Ngoài ra, cơ quan Nhà nước cũng phải thông báo cho tổ chức, cá nhân được yêu cầu cung cấp dữ liệu về các chế tài sẽ được áp dụng trong trường hợp không thực hiện yêu cầu.
Việc bàn giao, tiếp nhận dữ liệu được thực hiện theo đúng đối tượng, thời gian, loại dữ liệu, mức độ chi tiết, khối lượng dữ liệu, tần suất truy cập dữ liệu, phương thức cung cấp dữ liệu được yêu cầu cung cấp. Thành phần tham gia bàn giao, tiếp nhận dữ liệu gồm có Chủ sở hữu dữ liệu, người đại diện hợp pháp hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp dữ liệu; cá nhân, đại diện tổ chức được giao quản lý, sử dụng dữ liệu. Việc bàn giao, tiếp nhận dữ liệu phải được lập thành biên bản. Bên yêu cầu cung cấp dữ liệu có quyền yêu cầu bên cung cấp dữ liệu bổ sung dữ liệu trong trường hợp dữ liệu bàn giao không đúng với phạm vi dữ liệu được yêu cầu cung cấp.
Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Giám đốc Trung tâm dữ liệu quốc gia, Giám đốc Công an tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có thẩm quyền yêu cầu cung cấp dữ liệu trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình.
Trong trường hợp việc yêu cầu cung cấp dữ liệu của cơ quan Nhà nước trái với quy định của Luật Dữ liệu và các luật khác có liên quan hoặc trường hợp dữ liệu không còn tồn tại vì lý do khách quan thì yêu cầu này bị hủy bỏ.
Hiện nay, theo khoản 2 Điều 18 Luật Dữ liệu quy định, có 4 trường hợp tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý. Đó là các trường hợp: ứng phó với tình trạng khẩn cấp; khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp; thảm họa; phòng, chống bạo loạn, khủng bố.
Khoản 2 Điều 18 Luật Dữ liệu quy định: Cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước như sau:
Tổ chức, cá nhân phải cung cấp dữ liệu cho cơ quan Nhà nước khi có yêu cầu của cơ quan có thẩm quyền mà không cần chủ thể dữ liệu đồng ý trong các trường hợp sau đây:
a) Ứng phó với tình trạng khẩn cấp;
b) Khi có nguy cơ đe dọa an ninh quốc gia nhưng chưa đến mức ban bố tình trạng khẩn cấp;
c) Thảm họa;
d) Phòng, chống bạo loạn, khủng bố.
PV