Chất lượng không khí tại Hà Nội luôn trong ngưỡng báo động.
Thành thị sống trong "bụi mịn", người dân tìm cách ứng phó
Thống kê từ Tổng cục Môi trường cho thấy, trong tháng 6 và nửa đầu tháng 7, nồng độ bụi mịn PM2.5 tại nhiều điểm quan trắc ở Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng vượt mức cho phép của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) từ 1,5 đến 2,2 lần. Những ngày cao điểm, chỉ số AQI (chỉ số chất lượng không khí) ở nội đô Hà Nội chạm ngưỡng tím – mức nguy hại với cả người khỏe mạnh.
Tình trạng này khiến người dân, đặc biệt là cư dân đô thị, phải chủ động thích nghi. Anh Trần Việt Hùng (Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi vừa lắp máy lọc không khí cho cả phòng ngủ và phòng khách. Trẻ con trong nhà thường ho, ngứa mũi mỗi khi AQI lên cao”.
Không riêng máy lọc, thị trường khẩu trang lọc bụi mịn, cây cảnh thanh lọc không khí, thiết bị đo chất lượng không khí mini… cũng ghi nhận mức tiêu thụ tăng gấp 2–3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Các dòng khẩu trang N95, KF94 trở nên phổ biến trong cuộc sống hằng ngày của dân văn phòng, sinh viên và người lao động.
Với hàng triệu phương tiện lưu thông mỗi ngày, các đô thị như Hà Nội và TP HCM luôn đối mặt với ô nhiễm không khí.
Tự thích nghi trong khi chờ giải pháp dài hạn
Trước tình trạng ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, các chuyên gia môi trường nhấn mạnh vai trò của chính quyền và chính sách công. Tuy nhiên, trong khi chờ đợi các giải pháp căn cơ – như quy hoạch giao thông xanh, kiểm soát khí thải công nghiệp, chuyển đổi năng lượng sạch – thì người dân đô thị vẫn đang là lực lượng chủ động nhất trong việc bảo vệ sức khỏe bản thân.
Chị Nguyễn Mai Phương (Q.10, TP.HCM) cho biết đã tự tạo “khoảng xanh mini” trong căn hộ chung cư bằng cách trồng hơn 20 chậu cây thanh lọc như lưỡi hổ, lan ý, trầu bà, ngũ gia bì… “Tôi không nghĩ cây xanh sẽ lọc được hết không khí độc hại, nhưng ít nhất giúp tinh thần thư giãn hơn giữa môi trường ô nhiễm như hiện nay,” chị nói.
Một số ứng dụng di động cảnh báo chất lượng không khí cũng được người dân tải về nhiều hơn, để chủ động điều chỉnh thói quen sinh hoạt: hạn chế ra ngoài giờ cao điểm ô nhiễm, bật máy lọc sớm vào buổi sáng, lựa chọn tuyến đường ít khói bụi...
Cảnh báo dài hạn và những gợi mở chính sách
Dù người dân có thể chủ động bảo vệ mình ở mức độ nhất định, nhưng về lâu dài, giải pháp vẫn phải đến từ chính quyền và quy hoạch đô thị. Theo PGS.TS Bùi Thị An – Viện trưởng Viện Tài nguyên môi trường và Phát triển cộng đồng, vấn đề cốt lõi là cần kiểm soát tận gốc nguồn phát thải từ giao thông, công nghiệp và xây dựng.
Bà An nhấn mạnh: “Nếu không có quy hoạch đồng bộ và luật hóa các tiêu chuẩn khí thải, đô thị sẽ ngày càng khó sống. Người dân chỉ có thể chống chọi, chứ không thể giải quyết được ô nhiễm”.
Một điểm đáng chú ý là Hà Nội sẽ cấm xe máy ở các quận nội thành từ năm 2030, trong đó lộ trình cấm xe xăng từ 1/7/2026 đã được công bố. Đây là bước đi được kỳ vọng sẽ giảm đáng kể khí thải giao thông – nguồn gây ô nhiễm lớn nhất hiện nay ở thủ đô.
Tuy nhiên, để những chính sách như vậy phát huy hiệu quả, cần đi kèm sự đồng bộ trong hạ tầng giao thông công cộng, kiểm soát xây dựng và cả trách nhiệm của doanh nghiệp phát thải lớn.
Người dân không thể mãi chỉ “chống chọi” bằng cây xanh và máy lọc không khí. Một thành phố đáng sống không chỉ là nơi có nhiều thiết bị bảo vệ sức khỏe, mà phải là nơi con người có thể hít thở tự nhiên, an toàn ngay từ cửa nhà.
Minh Thành