Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước, luật đã quy định về khung khổ pháp lý để hỗ trợ cho các ngành công nghiệp công nghệ mới như là công nghiệp bán dẫn, AI, blockchain. Tuy nhiên, việc ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất trong nước có thể dẫn đến việc chưa thật sự quan tâm đến cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài. Vì mục tiêu bao trùm của chính sách là lựa chọn nhà cung cấp dịch vụ tốt nhất dựa trên thành tích năng lực và bất kể là nhà cung cấp có trụ sở hay là dịch vụ được cung cấp từ đâu để mang lại lợi ích tốt nhất cho người dân. Doanh nghiệp trong nước có thể liên doanh, liên kết, đầu tư và đưa sản phẩm từ các doanh nghiệp nước ngoài về phục vụ cho người dân khi các điều kiện trong nước chưa bảo đảm. Do vậy, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần nghiên cứu quy định các chính sách ưu tiên đầu tư, thuê, mua sắm sản phẩm, dịch vụ công nghệ số sản xuất đối với các doanh nghiệp có liên doanh với nước ngoài.
Đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Phước đề xuất các quy định phát triển công nghiệp công nghệ số
Về chính sách phát triển công nghiệp công nghệ số, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung ở khoản 7 Điều 5 theo hướng là khuyến khích phát triển công nghiệp công nghệ số theo hướng hiện đại, đổi mới, sáng tạo, bền vững và theo một mô hình kinh tế tuần hoàn, nhằm để giảm tiêu hao năng lượng, giảm phát thải, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường, nhằm đáp ứng yêu cầu và phù hợp với thực tiễn.
Liên quan đến nguồn nhân lực công nghệ số, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về chính sách phát triển nguồn nhân lực công nghệ số, chế độ ưu đãi đối với người hoạt động chuyên trách trong lĩnh vực công nghệ số; nghiên cứu quy định cụ thể các biện pháp thúc đẩy sự hợp tác giữa nhà trường và doanh nghiệp trong đào tạo nhân lực như: hỗ trợ tài chính cho các chương trình đào tạo, khuyến khích doanh nghiệp tham gia vào quá trình học, trực tiếp tham gia hướng nghiệp, đào tạo, giảng dạy, hợp tác về việc cho sinh viên đi kiến tập hoặc thực tập tại các doanh nghiệp.
Bộ trưởng Bộ Thông tin - Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu
Về thu hút nguồn nhân lực công nghệ số chất lượng cao, việc thực hiện chế độ ưu đãi đối với nhân lực công nghệ số chất lượng cao là người Việt Nam, chuyên gia người nước ngoài có trình độ và kỹ năng đáp ứng các tiêu chuẩn theo quy định mà chỉ có ưu đãi về thuế thu nhập cá nhân là chưa thỏa đáng và cũng chưa tạo được một động lực để thu hút nhân lực trong lĩnh vực này. Do vậy, đại biểu Điểu Huỳnh Sang đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những chính sách ưu đãi khác về điều kiện sinh hoạt, điều kiện làm việc, nghiên cứu, điều kiện học tập để nâng cao bắt kịp với xu thế phát triển của lĩnh vực công nghiệp công nghệ số.
Đối với việc bảo vệ người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số thử nghiệm, khoản 6 Điều 56 của dự thảo luật quy định một trong những trách nhiệm của tổ chức doanh nghiệp tham gia thử nghiệm, tuy nhiên để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người sử dụng sản phẩm, dịch vụ công nghệ số trong quá trình thử nghiệm và sau khi kết thúc thử nghiệm, đại biểu đề nghị ban soạn thảo bổ sung quy định: Phải thực hiện biện pháp mua bảo hiểm nhân thọ trước khi tiến hành quá trình thử nghiệm theo quy định của pháp luật kinh doanh bảo hiểm, bồi thường thiệt hại, phương án khắc phục hậu quả theo quy định của pháp luật dân sự trong quá trình thử nghiệm và khi kết thúc thử nghiệm.
Về miễn trừ trách nhiệm trong hoạt động thử nghiệm, đại biểu đề nghị tổ chức doanh nghiệp tham gia thử nghiệm được miễn trừ trách nhiệm dân sự nếu như gây thiệt hại cho mhà nước và được loại trừ trách nhiệm hành chính khi đã tuân thủ đúng, đủ quy định từ Điều 49 đến Điều 58 của dự thảo luật này và các nội dung cho phép thử nghiệm tại văn bản cho phép thử nghiệm. Trừ trường hợp trong quá trình thử nghiệm các tổ chức, doanh nghiệp biết về nguy cơ rủi ro nhưng không kịp thời thông tin, báo cáo cơ quan có thẩm quyền và không áp dụng đầy đủ các biện pháp đảm bảo an toàn đã nêu trong hồ sơ thử nghiệm để ngăn ngừa, hạn chế mức độ thiệt hại có thể xảy ra.
Về quản lý rủi ro đối với hệ thống trí tuệ nhân tạo, đại biểu đề nghị ban soạn thảo cần quy định cụ thể các tiêu chí để xác định hệ thống trí tuệ nhân tạo có rủi ro cao, giới hạn cụ thể về khả năng tác động cũng như phạm vi tác động, số lượng người dùng và lượng tính toán tích lũy để được xem là có rủi ro cao, nhằm cụ thể hóa trong quá trình thực hiện, đảm bảo tính minh bạch, thống nhất và khi triển khai sẽ có tính thực thi.
Trần Thể