Kiến nghị sửa đổi tiêu chí để thu hút nhà đầu tư làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài

Kiến nghị sửa đổi tiêu chí để thu hút nhà đầu tư làm cao tốc TP.HCM - Mộc Bài
6 giờ trướcBài gốc
Thiếu năng lực tài chính và kinh nghiệm
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM (Ban Giao thông TP.HCM) mới đây đã có báo cáo gửi UBND TP.HCM về tình hình tổ chức khảo sát và đánh giá hồ sơ quan tâm của nhà đầu tư đối với Dự án thành phần 1, đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài (giai đoạn I).
Theo báo cáo, sau 2,5 tháng từ khi phát hành thông báo và tiếp nhận hồ sơ, đã có 4 nhà đầu tư và liên danh nhà đầu tư nộp hồ sơ, gồm: Công ty cổ phần Tập đoàn Cienco4 (Việt Nam), Liên danh Công ty cổ phần Tổng công ty Đầu tư Xây dựng 194 và Công ty cổ phần Lizen (Việt Nam), Liên danh CRBC-CTG (China Road and Bridge Corporation và Công ty cổ phần đầu tư Metro Star), China Harbour Engineering Company Limited (Trung Quốc).
Ban Giao thông TP.HCM đã tiến hành đánh giá các hồ sơ dựa trên các tiêu chí được quy định. Kết quả cho thấy, cả 4 nhà đầu tư và liên danh nhà đầu tư đều không đáp ứng được yêu cầu theo các tiêu chí khảo sát đặt ra. Cụ thể, Cienco 4 không đáp ứng về năng lực tài chính và kinh nghiệm. Các liên danh CRBC-CTG, Liên danh 194 - Lizen và China Harbour Engineering Company Limited đều không đạt do không đáp ứng các tiêu chí về kinh nghiệm theo quy định hiện hành.
Dự án Đường cao tốc TP.HCM - Mộc Bài có chiều dài 51 km, tổng mức đầu tư 19.617 tỷ đồng, đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (hợp đồng BOT). Trong đó, Dự án thành phần 1 (phần đường cao tốc) sẽ khởi công vào tháng 1/2026, hoàn thành vào cuối năm 2027.
Kiến nghị sửa đổi tiêu chí để thu hút nhà đầu tư
Theo hồ sơ mời sơ tuyển, có 2 nhóm tiêu chí chính, cũng là 2 “cửa ải” lớn nhất mà nhà đầu tư bắt buộc phải vượt qua là năng lực tài chính và kinh nghiệm thực hiện dự án tương đương.
Đầu tiên là yêu cầu về tài chính, nhà đầu tư phải thu xếp được vốn chủ sở hữu tối thiểu là 1.491 tỷ đồng (tương đương 15% tổng mức đầu tư dự án, không gồm phần vốn nhà nước dùng để giải phóng mặt bằng).
Trường hợp là liên danh, nhà đầu tư đứng đầu phải sở hữu tối thiểu 30% tổng vốn chủ sở hữu, các thành viên còn lại góp tối thiểu 15% tổng vốn góp. Mỗi thành viên liên danh phải đáp ứng yêu cầu tương ứng phần vốn góp của mình theo thỏa thuận liên danh. Nếu bất kỳ thành viên nào bị đánh giá không đạt, thì toàn bộ liên danh sẽ bị đánh giá không đáp ứng yêu cầu về vốn chủ sở hữu.
Có thể thấy, với yêu cầu về vốn tối thiểu là 1.491 tỷ đồng, nếu là một doanh nghiệp đơn lẻ thì rất khó để đáp ứng trong bối cảnh hiện nay. Dù tham gia theo hình thức liên danh, thì chỉ cần một thành viên không đủ điều kiện thì cả liên danh cũng bị loại.
Với yêu cầu về kinh nghiệm, nhà đầu tư hoặc thành viên liên danh phải từng tham gia ít nhất 2 dự án với vai trò là nhà đầu tư góp vốn chủ sở hữu hoặc nhà thầu. Cách xác định kinh nghiệm dự án được chia thành 4 loại, mỗi loại có yêu cầu riêng về tổng mức đầu tư và giá trị phần việc tham gia, trong đó mức thấp nhất là 2.577 tỷ đồng. Ngoài ra, chỉ những dự án đã hoàn thành đúng tiến độ, đạt chất lượng theo hợp đồng mới được công nhận là hợp lệ.
Một tiêu chí khắt khe khác là, nhà đầu tư phải chứng minh từng áp dụng giải pháp đổi mới sáng tạo để rút ngắn tiến độ, tiết kiệm năng lượng, bảo vệ môi trường tại các dự án.
Do không có nhà đầu tư nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn trên, trong khi thời điểm khởi công dự án đang đến gần, nên để đảm bảo tiến độ, Ban Giao thông TP.HCM đã kiến nghị UBND Thành phố cho phép tổ chức lại quy trình khảo sát theo mẫu mới được ban hành tại Nghị định 71/2025/NĐ-CP.
Trong đó, Ban Giao thông TP.HCM đề xuất điều chỉnh các tiêu chí liên quan đến số lượng dự án tối thiểu, phân loại dự án và cách thức quy đổi dự án nhằm phù hợp hơn với thực tiễn. Việc sửa đổi tiêu chí nhằm thu hút thêm nhiều nhà đầu tư tham gia, nhưng vẫn đảm bảo nguyên tắc lựa chọn nhà thầu có năng lực thực chất.
Lê Quân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/kien-nghi-sua-doi-tieu-chi-de-thu-hut-nha-dau-tu-lam-cao-toc-tphcm---moc-bai-d334032.html