Sinh năm 1937 ở thành phố cảng Genoa, miền bắc Italy, Renzo Piano ban đầu được cho là sẽ theo truyền thống gia đình để trở thành một thợ xây dựng, nhưng thay vào đó ông lại chọn theo học kiến trúc ở Milan.
Từ 1965 đến 1970, ông Piano làm việc cùng với kiến trúc sư Louis Kahn, bậc thầy về sử dụng ánh sáng trong kiến trúc. Từ năm 1971 đến năm 1977, ông cộng tác với Richard Rogers, một kiến trúc sư hiện đại người Anh và kỹ sư người Ba Lan Zygmunt Stanisław Makowski, người nổi tiếng về cấu trúc không gian.
Renzo Piano, huyền thoại kiến trúc của thế kỷ 20 và cây đại thụ trong nền kiến trúc hiện đại
Trong vòng hơn 6 thập kỷ làm việc, kiến trúc sư Renzo Piano đã đạt được nhiều thành tựu lớn. Năm 1977, ông và Richard Rogers đã giành chiến thắng trong cuộc thi thiết kế trung tâm Georges Pompidou - công trình tâm huyết của cựu Tổng thống Pháp Georges Pompidou, đặt tại Paris. Công trình này là biểu tượng cho vẻ đẹp của công nghệ mới với các cấu trúc, thang máy, đường ống được để lộ ra bên ngoài, tạo nên một vẻ đẹp khỏe khoắn. Trong nhiều năm, Bảo tàng Georges Pompidou được xem là một hiện tượng, được nhiều nhà phê bình kiến trúc - nghệ thuật khen ngợi là công trình tiêu biểu của châu Âu thời kỳ cách mạng công nghiệp bùng nổ đầu thế kỷ 20.
Năm 1981, ông thành lập công ty mang tên Renzo Piano Building Workshop. Năm 1998, ông nhận được Giải thưởng Pritzker, một trong những giải thưởng danh giá nhất của giới kiến trúc. Ông cũng trở thành người Italy đầu tiên lọt vào danh sách 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới của tạp chí TIME năm 2006. Năm 2008, ông giành giải thưởng The AIA Gold Medal được trao bởi tổ chức Kiến trúc Mỹ.
Những công trình nổi tiếng của kiến trúc sư Renzo Piano
Kiến trúc sư Renzo Piano được tôn vinh vì những ý tưởng mang tính bước ngoặt về thiết kế xanh, tiết kiệm năng lượng, áp dụng kết cấu mới, công nghệ hiện đại; gìn giữ, phát huy và làm nổi bật bản sắc văn hóa địa phương.
Các công trình tiêu biểu của ông như tòa nhà The Shard cao gần 310m ở London (Anh), được bình chọn là nhà chọc trời đẹp nhất thế giới năm 2014, tòa nhà trụ sở của The New York Times tại New York (Mỹ), Trung tâm văn hóa Jean Marie Tjibaou ở Noumea, New Caledonia.
Tòa nhà The Shard, một trong những công trình tiêu biểu của kiến trúc sư Renzo Piano
Nhưng một trong những tác phẩm ghi dấu ấn tài năng của ông là Nhà hát Parco della Musica Auditorium ở thủ đô Rome, Italy, công trình biểu diễn nghệ thuật hàng đầu tại châu Âu.
Dự án này là một khu phức hợp đa năng dành cho các buổi hòa nhạc cổ điển. Công trình không chỉ làm phong phú thêm di sản văn hóa rộng lớn của thành Rome mà còn tái thiết cả một vùng đất hoang tàn, tưởng chừng bị bỏ quên. Nhà hát gồm 3 thính phòng được thiết kế như chiếc hộp âm nhạc có sức chứa khác nhau: 2.800, 1.200 và 700 chỗ ngồi và một sân khấu ngoài trời dành cho 3.000 khán giả. Sân khấu ngoài trời, được gọi là Cavea, gợi nhớ đến không gian biểu diễn của Hy Lạp hoặc La Mã cổ đại, có hình quạt bao quanh quảng trường trung tâm. Được tách biệt về mặt cấu trúc để cách âm, các khán phòng vẫn được nối với nhau bằng một hành lang.
Nhà hát Parco della Musica Auditorium là nơi tổ chức các sự kiện biểu diễn âm nhạc cổ điển với 3 khán phòng chính và 1 sân khấu biễu diễn ngoài trời
Bản đồ thiết kế nhà hát Parco della Musica Auditorium
Trong quá trình xây dựng nhà hát, người ta đã phát hiện ra nền móng của một biệt thự cổ và một máy ép dầu có niên đại từ thế kỷ thứ sáu trước Công nguyên. Kiến trúc sư Renzo Piano sau đó đã điều chỉnh sơ đồ thiết kế của mình để phù hợp với các di tích khảo cổ và thiết kế thêm một bảo tàng nhỏ để lưu giữ các hiện vật được phát hiện. Vì vậy việc hoàn thành dự án bị trì hoãn một năm.
Nhà hát Parco della Musica được khánh thành vào ngày 21 tháng 12 năm 2002. Chỉ trong vòng vài năm, Parco della Musica Auditorium đã trở thành cơ sở âm nhạc được ghé thăm nhiều nhất ở châu Âu. Vào năm 2014, nơi đây đã có hơn hai triệu du khách tới tham quan và trở thành địa điểm biểu diễn âm nhạc được ghé thăm nhiều thứ hai trên thế giới, sau Trung tâm Lincoln ở New York. Ngày nay, Parco della Musica đi vào trái tim của người dân thủ đô Italy cũng như khách du lịch bởi nó gắn liền với hàng trăm sự kiện văn hóa nghệ thuật tầm cỡ quốc tế .
Nhà hát Opera Hà Nội
Kiến trúc sư Renzo Piano không chỉ nổi tiếng về tài năng, ông còn được kính trọng bởi bởi những triết lý vì nhân loại, những rung cảm mạnh mẽ với thiên nhiên, văn hóa, lịch sử và con người. Vị kiến trúc sư muốn dành tình yêu cho Hà Nội bằng một công trình với công nghệ hiện đại với kết cấu đặc biệt chưa từng có trên thế giới. Đó là nhà hát Opera Hà Nội.
Khu vực Nhà hát sẽ được xây dựng trên diện tích đất hơn 25.000 m2 với tổng sàn xây dựng là 42.000 m2 trên bán đảo Quảng An, quận Tây Hồ. Nơi đây sẽ là không gian trình diễn nghệ thuật và tổ chức các sự kiện văn hóa chính trị của Hà Nội. Dự án sẽ bao gồm công viên văn hóa nghệ thuật chuyên đề, công trình tôn giáo tín ngưỡng, khu vui chơi giải trí và dịch vụ khách sạn, thương mại.
Trong bản thiết kế nhà hát Opera Hà Nội, ông Renzo Piano đã lên ý tưởng về phần kết cấu vỏ mái chỉ dày khoảng 200 - 600mm. Nếu thu nhỏ nhà hát lại bằng một quả trứng, thì vỏ mái còn mỏng hơn cả lớp vỏ trứng. Ở trong lớp vỏ mái còn được hoàn thiện bởi một lớp bổ sung không chịu lực với khả năng cách âm đặc biệt. Kết cấu siêu mỏng vô cùng phức tạp và cầu kỳ, đã được ông ấp ủ từ 40 năm trước - thời điểm mà kỹ thuật xây dựng chưa thể đáp ứng yêu cầu đặc biệt này.
Thiết kế vỏ mái siêu mỏng này không chỉ tạo vẻ đẹp thanh thoát, độc đáo cho nhà hát, giúp hút gió tự nhiên tại các khu vực sảnh để không phải sử dụng điều hòa, mà còn giúp cho những trải nghiệm âm thanh trong các buổi trình diễn âm nhạc được lọc âm tốt nhất – một trong những yêu cầu tối cao dành cho những nhà hát tầm cỡ quốc tế. Đặc biệt, trên bề mặt mái vòm có phủ một lớp ceramic hiệu ứng ngọc trai để có thể phản chiếu ánh sáng và sự chuyển động của không gian, thời gian với nhiều sắc thái khác nhau của bầu trời và mặt nước trong ánh bình minh, hoàng hôn hay ánh điện lung linh trong màn đêm.
Nhà hát Opera Hà Nội, công trình với thiết kế hiện đại bậc nhất thế giới.
Bên cạnh đó, công trình nhà hát mới của Thủ đô còn được ứng dụng nhiều công nghệ và kỹ thuật thiết kế tân tiến. Toàn bộ tường của khán phòng chính được trang bị hệ thống các tấm acoustic có thể vận hành bằng cơ khí. Với mỗi loại hình biểu diễn diễn khác nhau, các tấm acoustic sẽ được điều khiển đóng, mở, lên xuống theo các hướng và vị trí tương ứng. Từ đó, đảm bảo độ phản xạ âm, hút âm và thời gian âm vang phù hợp với yêu cầu của từng chương trình nghệ thuật. Đây là hệ thống chưa từng có tại Việt Nam, và cũng không nhiều nhà hát trên thế giới có được.
Ông Renzo Piano cũng nghiên cứu kỹ lưỡng và tính toán một cách chi tiết các không gian chức năng chính của nhà hát như sảnh lớn, khán phòng opera, khán phòng đa năng, không gian phụ trợ để chúng được liên kết với nhau một cách hoàn mỹ.
Ông Renzo cũng là người đưa ra ý tưởng về thiết kế cảnh quan xung quanh theo mô hình của một công viên xanh, để nhà hát không chỉ là nơi người dân Thủ đô đến thưởng thức nghệ thuật mà còn được hòa mình vào thiên nhiên.
Có thể nói, với vị kiến trúc sư Renzo Piano, nhà hát Opera Hà Nội không đơn thuần là một công trình kiến trúc. Nó còn là một tác phẩm nghệ thuật mang linh hồn của Hà Nội, tôn vinh những nét văn hóa truyền thống, nuôi dưỡng những nếp sống dung dị của hiện tại, mà vẫn tạo nên sắc màu của tương lai bằng những giá trị đương đại tân tiến nhất của thế giới.
Minh Nguyệt