Kết quả tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm 2025 của Việt Nam cao nhất kể từ năm 2011. (Ảnh: Độc Lập)
Trong bối cảnh kinh tế thế giới đầy bất định, kết quả tăng trưởng kinh tế sáu tháng đầu năm 2025 của Việt Nam cao nhất kể từ năm 2011, kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, các cân đối lớn được bảo đảm. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) sáu tháng tăng 7,52% - thuộc nhóm cao nhất khu vực, là điểm sáng về tăng trưởng kinh tế. Các chỉ số nhìn từ phía cung và phía cầu đều khá tích cực.
Nhiều gam màu sáng
Bên cạnh mức tăng GDP cao, bức tranh kinh tế của Việt Nam sáu tháng đầu năm còn có nhiều gam màu sáng khác. Trong sáu tháng, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đăng ký đạt 21,52 tỷ USD, tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, vốn đăng ký điều chỉnh của 826 lượt dự án đã được cấp phép từ những năm trước đạt 8,95 tỷ USD, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm 2024. Điều này thể hiện niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào các chính sách vĩ mô của Chính phủ Việt Nam. Vốn FDI giải ngân đạt 11,72 tỷ USD, tăng 8,1%, mức cao nhất của kỳ sáu tháng đầu năm trong năm năm qua, khẳng định các nhà đầu tư nước ngoài rất quan tâm đến thị trường nước ta và thể hiện năng lực hấp thụ và giải ngân vốn FDI của nền kinh tế.
Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa sáu tháng đạt 432 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm trước; kim ngạch xuất khẩu đạt 219,8 tỷ USD, tăng 14,4%. Kim ngạch xuất khẩu bình quân của từng tháng tăng dần qua các tháng: Bình quân hai tháng đầu năm kim ngạch xuất khẩu đạt 32,13 tỷ USD/tháng; bình quân ba tháng đầu năm đạt 34,26 tỷ USD/tháng; bình quân sáu tháng đạt 36,63 tỷ USD/tháng, tăng 6,9 điểm phần trăm so với bình quân ba tháng đầu năm 2025.
Nửa đầu năm 2025, cả nước có 152.700 doanh nghiệp gia nhập thị trường, bình quân mỗi tháng có 25.400 cơ sở, lớn gấp 1,2 lần số doanh nghiệp rút khỏi thị trường. Như vậy, niềm tin của cộng đồng doanh nghiệp vào triển vọng phục hồi và phát triển kinh tế đã được củng cố mạnh mẽ.
Ngoài ra, khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục khẳng định là động lực tăng trưởng vững chắc với mức tăng 8,33%, đóng góp 42,20% vào tăng trưởng chung. Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục là động lực cốt lõi với tốc độ tăng 10,11%, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng chung. Ngành xây dựng ghi nhận mức tăng kỷ lục 9,62%, cao nhất trong giai đoạn 2011-2025, cho thấy sự sôi động của hoạt động đầu tư và xây dựng cơ sở hạ tầng. Những con số nói trên tương thích với sự nhộn nhịp với hàng loạt dự án tỷ USD từ hạ tầng, bất động sản, logistics, du lịch, thương mại, sản xuất… được triển khai từ Bắc vào Nam.
Sự vững vàng về định hướng phát triển, đồng thuận trong hệ thống chính trị và cam kết rõ ràng với các mục tiêu cải cách thể chế là yếu tố hết sức quan trọng để đất nước hình chữ S tăng trưởng vững vàng trong “thế trận khó” của kinh tế toàn cầu. TS. Tamara Henderson, chuyên gia kinh tế cao cấp của Bloomberg nhận định: “Khi nhiều quốc gia gặp cú sốc lớn, kinh tế Việt Nam vẫn duy trì ổn định nhờ Chính phủ có nhiều nỗ lực hỗ trợ doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư, mở ra dư địa tăng trưởng”.
Thành quả từ cải cách thể chế
Bà Tamara Henderson chỉ rõ, Việt Nam đang có nhiều thay đổi về thể chế để tạo động lực phát triển mới. Đó là “bộ tứ trụ cột”: Nghị quyết 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, Nghị quyết 59-NQ/TW về hội nhập quốc tế trong tình hình mới; Nghị quyết 57-NQ/TW 2024 về đột phá khoa học và công nghệ; Nghị quyết 66-NQ/TW về đổi mới công tác xây dựng và thi hành pháp luật đang tạo hành lang pháp lý... Đây chính là nền tảng quan trọng, kim chỉ nam thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam trong thời gian tới.
Lý giải về những kết quả lạc quan mà nền kinh tế đạt được trong sáu tháng đầu năm, TS. Võ Trí Thành, chuyên gia kinh tế, Viện trưởng Viện Nghiên cứu chiến lược thương hiệu và cạnh tranh phân tích, chưa bao giờ nền kinh tế Việt Nam chứng kiến cuộc cải cách hành chính quyết liệt và rộng lớn như những tháng qua. Đó là cuộc cách mạng và con số tăng trưởng bước đầu gặt hái những kết quả đáng ghi nhận.
“Một yếu tố khác cũng góp phần cho sự đột phá này là cuộc cách mạng cải cách hành chính, tổ chức lại bộ máy quản lý nhà nước. Trong nửa năm qua, tăng trưởng về dịch vụ hỗ trợ hành chính lên gần 15%. Với lĩnh vực cải cách hành chính, con số này xưa nay là hiếm”, chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành dẫn chứng.
Dù vậy, thách thức không phải không có. Chặng đường còn lại của năm, các chuyên gia dự báo, xuất khẩu phải đối mặt với nhiều rủi ro do tăng trưởng sức mua tại các thị trường chậm lại, nhất là các thị trường chủ yếu; đơn hàng xuất khẩu giảm. Song song với đó, đầu tư tư nhân dần phục hồi, nhưng chưa vững chắc. Các động lực tăng trưởng mới như khoa học công nghệ, chuyển đổi số, trung tâm tài chính, khu thương mại tự do... đang ở giai đoạn đầu, cần thời gian tạo chuyển biến và đạt kết quả. Trong khi đó, trong sáu tháng qua, tiêu dùng tăng trưởng tích cực nhưng chưa có đột phá, vẫn thấp hơn mục tiêu của cả năm (12%) và chưa trở thành động lực quan trọng đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng nhận thấy, một số yếu tố rủi ro vĩ mô vẫn đang hiện hữu. Lạm phát và tỷ giá đang là hai thách thức lớn cho nền kinh tế Việt Nam. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) sáu tháng đầu năm tăng 3,27%, thấp hơn mục tiêu 4,5% của Quốc hội đề ra. Nhưng với các diễn biến khó lường của thế giới, nguy cơ lạm phát trong nửa cuối năm có thể bị đẩy lên cao.
Tỷ giá USD/VND đã tăng 2,5% trong nửa đầu năm và được dự báo tăng tối thiểu 5% cho cả năm. Dự trữ ngoại hối ở mức 80 tỷ USD, tương đương 2,5 tháng nhập khẩu - thấp hơn so với ngưỡng an toàn quốc tế là ba tháng nhập khẩu. “Điều này cho thấy nền kinh tế vẫn dễ bị tổn thương trước biến động từ bên ngoài”, TS. Nguyễn Trí Hiếu bày tỏ.
Ngoài ra, khu vực kinh tế tư nhân hiện đóng góp khoảng 40% GDP và tạo ra 85% việc làm. Dù vậy, khối này vẫn gặp nhiều rào cản về việc tiếp cận vốn, chi phí tuân thủ cao, năng lực cạnh tranh thấp và môi trường pháp lý chưa đủ minh bạch. Vì vậy, ông Hiếu cho rằng, để tận dụng tốt cơ hội từ các bộ luật mới, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, giảm chi phí tuân thủ, tăng khả năng tiếp cận tín dụng và đẩy mạnh hỗ trợ đổi mới công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Duy trì động lực kinh tế lớn
Theo kịch bản của Cục Thống kê (Bộ Tài chính), sáu tháng cuối năm, Việt Nam phải đạt mức tăng trưởng 8,42% để cả năm đạt mục tiêu 8%. Với những khó khăn kể trên, TS. Huỳnh Thanh Điền, giảng viêntrường Đại học Nguyễn Tất Thành nhìn nhận, khả năng duy trì các động lực kinh tế lớn sẽ là yếu tố giúp nền kinh tế vượt khó.
Môi trường đầu tư thuận lợi, dòng vốn FDI tăng trưởng vững vàng là lợi thế mà Việt Nam có thể tiếp tục phát huy trong chặng đường cuối năm. Đặc biệt, khi kinh tế thế giới càng biến động, một quốc gia có đường lối đối ngoại linh hoạt, mềm dẻo như Việt Nam càng có thêm cơ hội trở thành điểm đến được các nhà đầu tư tìm kiếm.
Thêm vào đó, lĩnh vực dịch vụ, du lịch đang ngày càng tăng trưởng tốt. Giai đoạn sáu tháng cuối năm có nhiều thời điểm thuận lợi để thúc đẩy nhu cầu du lịch, mua sắm, tiêu dùng hàng hóa, kích thích chi tiêu cho dịch vụ nhiều hơn. “Chính phủ ban hành hàng loạt chính sách đột phá cải thiện môi trường đầu tư, đặc biệt là cải cách hành chính, thủ tục đầu tư. Đây sẽ là yếu tố quan trọng thúc đẩy ngành xây dựng trở thành trụ cột mới của kinh tế trong giai đoạn tới. Cả đầu tư công và đầu tư tư nhân sẽ cùng phát triển mạnh, ngành xây dựng kéo theo rất nhiều ngành cùng phát triển, sẽ trở thành khu vực đóng góp tốt hơn cho các năm tới”, TS. Huỳnh Thanh Điền khẳng định.
Ngoài ra, đất nước cần khai thác tối đa các dư địa tăng trưởng, trọng tâm là sức mạnh nội tại, tạo ra động lực từ chính khu vực tư nhân, doanh nghiệp trong nước và tiêu dùng nội địa. Có như vậy, điểm sáng kinh tế nửa đầu năm sẽ được duy trì, là điểm tựa giúp đất nước đạt mục tiêu tăng trưởng 8%.
Gia Thành