Những "tượng đài" lãng phí ngàn tỷ
Nếu Vành đai 2 là bi kịch của một giấc mơ quy hoạch dang dở, thì Dự án giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM (giai đoạn 1), tổng vốn gần 10.000 tỷ đồng, lại là bi kịch của sự lãng phí hữu hình.
Dù đã hoàn thành đến 93% từ cuối năm 2020, công trình chống ngập 10.000 tỷ đồng đột ngột "đóng băng" do vướng mắc ký kết phụ lục hợp đồng BT. Đình trệ này gây thiệt hại tài chính khổng lồ: nhà đầu tư - Công ty TNHH Trung Nam BT 1547 mỗi ngày phải trả hàng tỷ đồng tiền lãi vay. Đến nay, tổng số lãi vay đã lên gần 4.000 tỷ đồng. Bốn ngàn tỷ đồng - số tiền đủ xây hàng chục cây cầu, hàng trăm ngôi trường đạt chuẩn quốc gia - đang tan chảy theo thời gian chỉ vì nút thắt hành chính.
Khối tài sản hơn 8.200 tỷ đồng gồm 6 cống ngăn triều khổng lồ và gần 8km đê kè bằng sắt thép đang phơi mình mưa nắng, dần xuống cấp, hoen gỉ, trở thành những tượng đài câm lặng của lãng phí. Hiện tiến độ chung dự án đạt hơn 90% khối lượng. Phần còn lại ước tính cần khoảng 1.800 tỷ đồng để hoàn thành, nhưng lại đang không còn vốn. Các hạng mục siêu dự án này dần xuống cấp, hoang tàn sau nhiều năm "đứng hình".
Dự án chống ngập 10.000 tỷ ở TPHCM vẫn dở dang
Cụ thể, cống ngăn triều Tân Thuận dù đạt hơn 93% khối lượng nhưng vẫn "đắp chiếu". Tương tự, cống ngăn triều Phú Xuân cũng đã tạm ngừng thi công từ lâu. Người dân sống cạnh dự án mỏi mòn chờ công trình hoàn thành, khi những hôm triều cường đạt đỉnh, cả xóm đều khốn đốn vì nước dâng tràn vào nhà.
Câu chuyện đường Vành đai 2 cũng là bản "cáo trạng" về sự tốn kém do chậm trễ. Tổng chiều dài 64km, đã có 47km được đầu tư và khai thác. Tuy nhiên, 14km còn lại, chia thành 4 đoạn, vẫn đang tiếp tục quá trình đầu tư. Việc không thể khép kín các đoạn còn lại không chỉ khiến hơn 50km đã xây dựng không thể phát huy hiệu quả, mà còn khiến chi phí đầu tư leo thang chóng mặt.
Đơn cử, đoạn 3 dài 2,7km nối từ đường Phạm Văn Đồng đến nút giao Gò Dưa - Quốc lộ 1, khởi công từ năm 2017, nhưng chỉ sau 3 năm, vào tháng 3/2020, dự án buộc phải tạm dừng thi công khi mới hoàn thành 44% khối lượng. Nguyên nhân chính do vướng mắc giải phóng mặt bằng (GPMB), thủ tục điều chỉnh dự án và quy trình thanh toán quỹ đất. Đoạn 3 này đã "đắp chiếu" suốt 5 năm qua.
Hiện công trường chỉ còn những đống nguyên vật liệu hoen gỉ, sắt thép rỉ sét, cỏ dại mọc um tùm và người dân tận dụng chăn nuôi gia súc. Trong tổng số 469 trường hợp bị ảnh hưởng, 453 hộ dân đã được chi trả bồi thường, nhưng vẫn còn 16 hồ sơ chưa hoàn tất do vướng mặt bằng. Chính quyền địa phương phải lắp thanh chắn bảo đảm an toàn, nhưng khu vực này lại thành bãi rác thường xuyên bị đổ trộm.
Việc thi công trì trệ do 16 hộ dân chưa bàn giao mặt bằng khiến đoạn này xuống cấp nghiêm trọng. Sự chần chừ trong ra quyết định đã trực tiếp làm tiêu tốn hàng ngàn tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước, tiền thuế Nhân dân. Người dân mong dự án sớm khởi động lại để đi lại thuận tiện hơn, không còn cảnh mưa ngập, rác thải tràn lan. Dự kiến nhà đầu tư sẽ hoàn thành dự án đồng bộ với đoạn 1, đoạn 2 trước tháng 6/2027.
Khi "cơ chế đặc thù” cũng... bó tay
Giữa bối cảnh đó, TPHCM đang đứng trước bài toán và phép thử lớn. Thành phố đã có trong tay Nghị quyết số 98/2023/QH15 của Quốc hội (hiệu lực từ 01/8/2023) - cơ chế đặc thù mang tính đột phá, trao cho thành phố công cụ pháp lý sắc bén giải quyết điểm nghẽn cố hữu trong phát triển hạ tầng.
Hơn 4 năm dừng thi công, công trường Vành đai 2 cỏ mọc um tùm, xuống cấp
Cụ thể, Nghị quyết 98 cho phép: Tách riêng GPMB thành dự án độc lập, dùng ngân sách thực hiện trước, đẩy nhanh tiến độ bàn giao mặt bằng. Tiếp tục áp dụng hợp đồng BT, linh hoạt phương thức thanh toán bằng ngân sách hoặc kết hợp đất và tiền. Nếu thanh toán bằng quỹ đất, giá trị đất xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán, chênh lệch (nếu có) bù bằng tiền từ vốn đầu tư công. Tăng tỷ lệ vốn Nhà nước tham gia dự án PPP (đối tác công tư) lên 70% tổng mức đầu tư đối với dự án GPMB lớn, nhằm nâng cao tính khả thi tài chính. Áp dụng hợp đồng BOT đối với cả các dự án nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu.
Thế nhưng, thực tế phũ phàng cho thấy, dù có "vũ khí” tối tân trong tay, bộ máy thực thi dường như vẫn đang "bó tay" trước căn bệnh khó chữa hơn: tâm lý "sợ sai", "sợ trách nhiệm" trong một bộ phận cán bộ công chức. Nỗi sợ bị thanh tra, kiểm tra, bị quy trách nhiệm trong tương lai tạo ra "vùng an toàn" tiêu cực, nơi không ai dám đưa ra quyết định cuối cùng, đặc biệt với vấn đề phức tạp. Vòng luẩn quẩn diễn ra như kịch bản quen thuộc: văn bản đề xuất giải pháp được trình lên, nhưng thay vì xử lý và ra quyết định, nơi nhận lại tiếp tục gửi văn bản đi "xin ý kiến" các đơn vị khác, tạo thành vòng xoáy giấy tờ và đùn đẩy trách nhiệm kéo dài hàng tháng, thậm chí hàng năm.
Lời giải nào cho "điểm nghẽn"?
Trước tình trạng báo động, Chính phủ và các bộ, ngành đang phải vào cuộc "giải cứu". Mới đây, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước xem xét, xử lý cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giảm áp lực tài chính cho nhà đầu tư Dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã đề xuất Chính phủ cho phép TPHCM điều chỉnh báo cáo nghiên cứu khả thi dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng và chịu trách nhiệm toàn diện về quyết định này. Bộ cũng đồng thuận để thành phố thanh toán quỹ đất cho nhà đầu tư theo nguyên tắc ngang giá. Nếu giá trị đất nhỏ hơn giá trị công trình BT, phần chênh lệch sẽ thanh toán bằng tiền từ vốn đầu tư công TPHCM. TPHCM sẽ chịu trách nhiệm xác định cụ thể giá đất dự kiến thanh toán, bảo đảm đúng quy định pháp luật về đất đai. Đồng thời, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự án làm cơ sở thanh quyết toán vốn đầu tư.
Ngân hàng Nhà nước cũng đã khẳng định sẽ điều chỉnh quyết định tái cấp vốn, làm cơ sở giải ngân tiếp số tiền khoảng 1.800 tỷ đồng còn thiếu cho BIDV, sau khi các bên hoàn tất thủ tục điều chỉnh và ký hợp đồng. Việc ban hành nghị quyết được kỳ vọng kịp thời giải quyết khó khăn kéo dài, tránh lãng phí nguồn lực và khắc phục tác động tiêu cực ảnh hưởng đến đời sống người dân do dự án chậm tiến độ.
UBND TPHCM cũng đang gấp rút hoàn thiện thủ tục pháp lý để có thể dùng ngân sách thanh toán cho nhà đầu tư, mở đường cho dự án tái khởi động.
Gỡ vướng cho dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng: Sẽ thanh toán bằng đất và tiền
Bộ Tài chính đã có báo cáo trình Thủ tướng Chính phủ, thống nhất với đề xuất của UBND TPHCM về phương án tháo gỡ vướng mắc cho dự án "Giải quyết ngập do triều khu vực TPHCM có xét đến yếu tố biến đổi khí hậu - giai đoạn 1" (gọi tắt là dự án chống ngập 10.000 tỷ đồng). Dự án này đã được ký hợp đồng BT từ năm 2016, trước thời điểm Luật PPP (Đầu tư theo phương thức đối tác công tư) có hiệu lực.
Bộ Tài chính cho biết, theo quy định hiện hành, việc thanh toán cho nhà đầu tư bằng quỹ đất phải bảo đảm nguyên tắc ngang giá - tức giá trị quỹ đất thanh toán phải tương đương giá trị dự án BT và được xác định theo giá thị trường tại thời điểm thanh toán. Tuy nhiên, hợp đồng BT của dự án lại được ký kết trước khi có quy định mới, dẫn đến thiếu sót trong quy định về phương án thanh toán và thẩm quyền quyết định sử dụng vốn Nhà nước.
Để khắc phục, UBND TPHCM đã nhiều lần kiến nghị Chính phủ cho phép điều chỉnh phương án thanh toán. Bộ Tài chính đồng thuận với đề xuất của TPHCM, kiến nghị thực hiện thanh toán bằng quỹ đất theo nguyên tắc ngang giá, nếu còn chênh lệch sẽ thanh toán phần còn lại bằng tiền từ nguồn đầu tư công. UBND TPHCM sẽ phải chịu trách nhiệm trong việc xác định cụ thể giá đất để tính tiền sử dụng đất và tiền thuê đất tại các khu đất dự kiến thanh toán, bảo đảm đúng quy định pháp luật về đất đai. Đồng thời, kiến nghị Kiểm toán Nhà nước thực hiện kiểm toán dự án làm cơ sở thanh quyết toán vốn đầu tư. Việc xử lý các tồn tại về pháp lý của dự án BT này được đánh giá là cần thiết để sớm tháo gỡ nút thắt, hoàn tất thanh toán cho nhà đầu tư, góp phần thúc đẩy tiến độ dự án hạ tầng trọng điểm.
Minh Tiến