Đại biểu Dương Tấn Quân phát biểu ý kiến tại phiên thảo luận ở hội trường, sáng 27/11. Ảnh: Phạm Thắng
Trong tuần làm việc cuối cùng của đợt 2 này (từ ngày 25 đến ngày 30/11), Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự án luật, nghị quyết quan trọng. Trong đó, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Việc làm (sửa đổi); Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi)... Quốc hội cũng biểu quyết thông qua Luật Công chứng (sửa đổi); Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật Phòng không nhân dân; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế; Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam...
Nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo
Chiều 25/11, Quốc hội tiến hành thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo. Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp. Đóng góp ý kiến vào dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo, đại biểu Nguyễn Minh Tâm (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Bình) cho rằng, nội dung quảng cáo đối với hàng hóa, dịch vụ đặc biệt được phân cấp nên giao cho Chính phủ quy định. Còn đối với quảng cáo trên mạng có nhiều nội dung chưa phù hợp với đối tượng như trẻ em thì Ban soạn thảo dự án Luật nên thiết kế có tính năng lựa chọn hoặc không lựa chọn quảng cáo...
Theo đại biểu Nguyễn Minh Tâm, hiện nay, việc sử dụng các phương tiện điện tử kết nối Internet được tất cả lứa tuổi sử dụng, bao gồm cả trẻ em. Trong khi đó, việc quảng cáo trên các phương tiện điện tử là hoạt động tự động, không phụ thuộc vào sự lựa chọn của người sử dụng. Mặt khác, hoạt động quảng cáo trên mạng rất đa dạng, bao gồm cả các nội dung nhạy cảm và thậm chí có yếu tố không phù hợp với một số đối tượng, lứa tuổi.
Tuy nhiên, tại điểm b, khoản 2, Điều 23 mới chỉ quy định: “Đối với những quảng cáo không ở vùng cố định, phải thiết kế tính năng để có thể tắt quảng cáo trong thời gian không quá 6 giây kể từ khi bắt đầu quảng cáo và không quá 2 lần quảng cáo liên tiếp; cho phép từ chối quảng cáo hoặc báo nội dung quảng cáo không phù hợp”.
Đại biểu Nguyễn Minh Tâm cho rằng, với thời gian 6 giây thì người sử dụng mạng cũng đã nhận biết, tiếp cận được hết nội dung quảng cáo, bao gồm cả nội dung quảng cáo không mong muốn. Do đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật nghiên cứu quy định theo hướng phải thiết kế tính năng có sự lựa chọn quảng cáo hay không quảng cáo.
Rà soát các đối tượng được hưởng chính sách về việc làm
Sáng 27/11, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật Việc làm (sửa đổi). Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh điều hành phiên họp.
Đóng góp ý kiến về dự án Luật Việc làm (sửa đổi), đại biểu Dương Tấn Quân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu quan tâm đến chính sách Nhà nước về việc làm. Theo đó, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật rà soát các đối tượng được hưởng chính sách để tránh bỏ sót các đối tượng được hỗ trợ...
Tại khoản 8, Điều 5 quy định hỗ trợ người sử dụng lao động sử dụng nhiều lao động là người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Đại biểu Dương Tấn Quân đề nghị xem xét, bổ sung thêm hai đối tượng. Thứ nhất là phụ nữ ngoài 40 tuổi và thứ hai là người cao tuổi, với lý do là đối tượng phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 thì thường khó duy trì hoặc là tìm kiếm cơ hội việc làm mới, vì nhiều lý do như là sự phân biệt về tuổi tác, kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, vấn đề về gia đình, sức khỏe... Thực tế hiện nay vẫn còn tình trạng nhiều nhà máy, xí nghiệp tìm cách sa thải hoặc không tuyển dụng đối với đối tượng này.
Đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng, việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng này cũng là đối tượng đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động. Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi nhằm khuyến khích họ tiếp tục sử dụng hoặc có chính sách tuyển dụng, sử dụng đối với đối tượng này.
Các đại biểu bấm nút thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), sáng 28/11. Ảnh: Phạm Thắng
Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi)
Sáng 28/11, với đại đa số đại biểu Quốc hội tán thành, Quốc hội chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi). Dưới sự điều hành của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, sau khi nghe Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi).
Kết quả biểu quyết điện tử cho thấy, có 454/455 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 94,78% tổng số đại biểu Quốc hội. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi), với tuyệt đại đa số đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành.
Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) gồm 8 chương, 63 điều. Luật quy định về phòng ngừa, phát hiện, xử lý hành vi mua bán người và các hành vi khác vi phạm pháp luật về phòng, chống mua bán người; tiếp nhận, xác minh, xác định, hỗ trợ, bảo vệ nạn nhân, người đang trong quá trình xác định là nạn nhân; quản lý Nhà nước và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân trong phòng, chống mua bán người; hợp tác quốc tế trong phòng, chống mua bán người.
Luật cũng quy định quyền và trách nhiệm của cá nhân tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của gia đình tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của cơ sở giáo dục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm phòng ngừa mua bán người trong tổ chức, doanh nghiệp, cơ sở hoạt động kinh doanh, dịch vụ; trách nhiệm của cơ quan báo chí, thông tấn tham gia phòng ngừa mua bán người; trách nhiệm của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận tham gia phòng ngừa mua bán người, của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, của Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh tham gia phòng ngừa mua bán người.
Về tiếp nhận, xác minh người đến trình báo, Luật quy định người nào có căn cứ cho rằng mình là nạn nhân hoặc người đại diện hợp pháp có căn cứ cho rằng người được họ đại diện là nạn nhân thì đến UBND cấp xã, cơ quan Công an, BĐBP, Cảnh sát biển hoặc cơ quan, tổ chức nơi gần nhất trình báo về việc bị mua bán. Cơ quan Công an, BĐBP, Cảnh sát biển, cơ quan, tổ chức tiếp nhận trình báo có trách nhiệm đưa ngay người đó đến UBND cấp xã nơi cơ quan, tổ chức có trụ sở. UBND cấp xã có trách nhiệm thông báo ngay với Cơ quan chuyên môn về lao động - thương binh và xã hội cấp huyện. Trong trường hợp cần thiết, UBND cấp xã đã tiếp nhận thực hiện việc hỗ trợ theo quy định tại Chương V của Luật này. Luật Phòng, chống mua bán người (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2025.
Cũng trong sáng ngày 28/11, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 8, Quốc hội đã thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam, với 458/459 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội. Theo đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2024.
P.V (tổng hợp)