Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về một số dự án Luật

Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Thảo luận về một số dự án Luật
3 giờ trướcBài gốc
Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ theo hình thức biểu quyết điện tử. Ảnh: quochoi.vn
Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đánh giá cao Cơ quan chủ trì soạn thảo đã chuẩn bị kỹ hồ sơ dự thảo Luật; Ủy ban Pháp luật cũng đã xây dựng Báo cáo thẩm tra đảm bảo chất lượng, đã phân tích, thể hiện rõ quan điểm; các cơ quan của Quốc hội cũng tham gia rất có trách nhiệm…
Các đại biểu cũng cho rằng, dự thảo Luật đã bám sát các chính sách đã đề xuất, thể hiện sự cầu thị, thận trọng. Về phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự thảo Luật, các đại biểu đề nghị cân nhắc nên sửa đổi toàn diện, chứ không dừng lại ở sửa đổi một số điều, vì hiện nay có nhiều vấn đề mới liên quan đến hoạt động giám sát cần được xem xét. Các đại biểu cũng đề nghị cần quy định rõ phạm vi, thẩm quyền, đối tượng giám sát của các cơ quan giám sát, không để chồng chéo, ảnh hưởng đến hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, cá nhân, đối tượng chịu sự giám sát.
Về hồ sơ dự thảo Luật, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị cần tiếp tục bổ sung đầy đủ hồ sơ, đặc biệt là đánh giá tác động của những vấn đề mới được đề xuất trong quá trình hoàn thiện dự thảo Luật. Đối với việc bổ sung nguyên tắc hoạt động giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp để làm rõ những ưu điểm, hạn chế của từng phương án; có cơ sở vững chắc, bảo đảm tính thuyết phục để báo cáo Quốc hội trong kỳ họp tới.
Về quy định thời điểm Quốc hội xem xét, thảo luận các báo cáo, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, nội dung này còn nhiều ý kiến khác nhau; đề nghị Cơ quan chủ trì thẩm tra và Cơ quan chủ trì soạn thảo phối hợp làm rõ các ưu điểm, hạn chế của từng phương án để lựa chọn phương án phù hợp…
Đối với việc bổ sung thẩm quyền của Quốc hội trong việc xem xét kết quả giám sát, đồng chí Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị các cơ quan phối hợp, căn cứ vào định hướng của Trung ương, cấp có thẩm quyền, để nghiên cứu, tham mưu cho Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trên cơ sở các ý kiến góp ý tại phiên thảo luận, Thường trực Ủy ban Pháp luật chủ trì, phối hợp với Cơ quan chủ trì soạn thảo, các cơ quan hữu quan để tiếp tục hoàn chỉnh dự thảo Luật và báo cáo Quốc hội thông qua tại Kỳ họp thứ 9.
Buổi chiều, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Trong ngày, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án Luật: Luật Địa chất và khoáng sản; Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Chứng khoán, Luật Kế toán, Luật Kiểm toán độc lập, Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Quản lý thuế và Luật Dự trữ quốc gia; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Mai Lan
Nguồn Ninh Bình : https://baoninhbinh.org.vn/ky-hop-thu-8-quoc-hoi-khoa-xv-thao-luan-ve-mot-so-du-an-441901.htm