Ra đời trong khói lửa của cuộc chiến tranh chống Mỹ, cứu nước và cuộc chiến đấu chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa, trải qua 20 năm cống hiến, các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn qua các thời kỳ đã nêu cao phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chiến đấu và bảo vệ Tổ quốc mà Quân đội và nhân dân giao phó.
Trung đoàn 122 thành lập ngày 15-12-1974, tại xã Tân Long, huyện Phú Bình, tỉnh Bắc Thái (nay là tỉnh Thái Nguyên) trong đội hình Sư đoàn 304B Quân khu Việt Bắc có nhiệm vụ huấn luyện, chiến đấu, bổ sung quân cho chiến trường B, C, K. Chỉ trong một thời gian ngắn cho đến trước ngày 30-4-1975, trung đoàn đã hoàn thành 2 đợt huấn luyện với hơn 5.000 chiến sĩ bổ sung cho chiến trường, góp phần làm lên chiến thắng giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Đến giữa năm 1976, tình hình chính trị có nhiều diễn biến phức tạp, Bộ Quốc phòng giải thể Sư đoàn 304B, điều động các trung đoàn lên biên giới phía Bắc. Trung đoàn 122 được điều động lên biên giới Vị Xuyên (tỉnh Hà Tuyên, nay là tỉnh Hà Giang), là trung đoàn chủ lực đầu tiên của tỉnh đội Hà Tuyên làm nhiệm vụ kinh tế-quốc phòng, mở tuyến đường vành đai biên giới nối liền tỉnh Hà Giang với tỉnh Lào Cai.
Một số hình ảnh tư liệu về Trung đoàn 122 - Đoàn Tây Côn Lĩnh.
Đến cuối năm 1978, trung đoàn chuyển trạng thái sẵn sàng chiến đấu. Trong những năm đầu của cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới Vị Xuyên, với lực lượng rất mỏng, trung đoàn đảm nhiệm phòng ngự trên chiều dài hơn 20km đường biên giới (1979-1984) đặc biệt trong suốt thời gian diễn ra cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới (1979-1989), trung đoàn đã sát cánh trong đội hình Sư đoàn 313 cùng với nhân dân huyện Vị Xuyên anh hùng, đã anh dũng chiến đấu bảo vệ từng tấc đất thiêng liêng của Tổ quốc.
Tròn 20 năm hoạt động xây dựng và chiến đấu (1974-1994), trung đoàn đã để lại nhiều tình cảm trong lòng nhân dân các dân tộc huyện Vị Xuyên nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung; hơn 400 cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã ngã xuống trên mảnh đất địa đầu; hàng nghìn chiến sĩ đã để lại một phần máu thịt nơi miền biên viễn. Do thời gian hoạt động và chiến đấu của trung đoàn chủ yếu tại huyện Vị Xuyên, nên trung đoàn đã được nhân dân Hà Giang trìu mến gọi tên là Đoàn Tây Côn Lĩnh-tên một ngọn núi hùng vĩ của tỉnh Hà Giang.
Tiết mục văn nghệ tại Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập Trung đoàn 122 - Đoàn Tây Côn Lĩnh.
Tháng 6-1994, sau 20 năm hoạt động và hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ trên giao, trung đoàn chính thức giải thể nhưng cái tên Trung đoàn 122 - Đoàn Tây Côn Lĩnh vẫn mãi trong lòng đồng bào các dân tộc Hà Giang. Rất nhiều cán bộ, chiến sĩ của trung đoàn đã trở thành sĩ quan cao cấp, tướng lĩnh như: Trung tướng Huỳnh Ngọc Hà, nguyên Cục trưởng Cục Tác chiến, Bộ Tổng Tham mưu Quân đội nhân dân Việt Nam; Thiếu tướng Phạm Ngọc Châu, nguyên Phó chính ủy Quân khu 2; Thiếu tướng Đoàn Xuân Bộ, Bí thư Đảng ủy, Tổng biên tập Báo Quân đội nhân dân…
Các đại biểu, CCB… tham dự buổi lễ kỷ niệm.
Trong diễn văn kỷ niệm 50 năm Ngày thành lập trung đoàn, đồng chí Ma Quang Long, Trưởng BLL CCB Trung đoàn đề nghị các CCB của trung đoàn luôn phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ cao đẹp; nêu cao truyền thống trung đoàn luôn gương mẫu trong lao động và giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ; mong muốn các CCB luôn hướng về quê hương Hà Giang, góp phần xây dựng mảnh đất biên cương địa đầu ngày càng xanh tươi, giàu đẹp. Đồng chí Ma Quang Long thay mặt cho hơn 5.000 CCB trung đoàn bày tỏ lòng biết ơn với nhân dân các dân tộc tỉnh Hà Giang đã cưu mang, đùm bọc trong những năm tháng trung đoàn đứng chân, chia ngọt sẻ bùi, sẻ chia từng hạt gạo, ngọn rau nuôi bộ đội. CCB trung đoàn luôn khắc ghi tình cảm của đồng bào các dân tộc Hà Giang dành cho trung đoàn.
Bài, ảnh: CÁT THÀNH