Kỳ vọng sức hút mới trong phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài

Kỳ vọng sức hút mới trong phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài
6 giờ trướcBài gốc
Xe chở hàng nối dài chờ thu phí sử dụng hạ tầng tại Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh (ảnh tư liệu).
Nằm trên tuyến đường Xuyên Á, Mộc Bài là cửa ngõ đường bộ lớn nhất phía Nam kết nối Việt Nam với Campuchia, các nước ASEAN và Tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng. Đây là khu vực được kỳ vọng sẽ trở thành điểm giao thương chiến lược và là hình ảnh đối ngoại nổi bật ở biên giới Tây Nam. Mới đây, Tây Ninh đã có tờ trình xin Trung ương chủ trương để thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nhằm tạo sức hút đầu tư.
Chưa được khai thác đúng mức
Tỉnh Tây Ninh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, có đường biên giới dài hơn 368 km tiếp giáp ba tỉnh của Campuchia (Svay Rieng, Pray Veng, Tboung Khmum). Tỉnh sở hữu 4 cửa khẩu quốc tế, 4 cửa khẩu quốc gia và 13 cửa khẩu phụ, cùng nhiều đường truyền thống qua lại biên giới.
Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài được xác định là mô hình phát triển kinh tế - xã hội biên giới, đóng vai trò kết nối giao thương quốc tế, tạo động lực phát triển vùng và đảm bảo quốc phòng - an ninh. Trong hệ thống các khu kinh tế cửa khẩu của cả nước, Mộc Bài là một trong những nơi được thành lập sớm, có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về kết nối giữa Việt Nam, Campuchia và các nước ASEAN.
Hiện nay, Mộc Bài đang góp phần giải tỏa áp lực phát triển từ các tỉnh, thành thuộc vùng lõi TP Hồ Chí Minh, nhờ hệ thống hạ tầng giao thông đang được triển khai như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, các tuyến vành đai kết nối toàn khu vực đang dần hình thành. Qua đó, khu kinh tế này giúp giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa xuất nhập khẩu.
Tuy nhiên, sau 25 năm phát triển, Mộc Bài vẫn chưa đạt được kỳ vọng. Trong 1.797 ha đất đăng ký cho các dự án, chỉ khoảng 15% được sử dụng thực tế. Nhiều dự án quy mô lớn chậm triển khai do vướng mắc giải phóng mặt bằng, thiếu chính sách thu hút đầu tư đủ mạnh. Quy hoạch tổng thể đã lạc hậu, thiếu linh hoạt; chính sách ưu đãi đầu tư không ổn định khiến nhà đầu tư lo ngại, đặc biệt là việc bãi bỏ miễn thuế dẫn đến sự sụt giảm mạnh hoạt động thương mại từ năm 2015.
Trong khi đó, Campuchia đang triển khai chính sách đầu tư hấp dẫn ở khu vực đối diện cửa khẩu, thu hút dòng vốn FDI mạnh từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore và Thái Lan. Điều này khiến Mộc Bài đứng trước nguy cơ tụt hậu về thu hút đầu tư, logistics và thị trường.
Tính đến tháng 3/2025, Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thu hút 60 dự án (26 dự án FDI, 34 dự án trong nước), tổng vốn đăng ký đạt hơn 470,78 triệu USD và 8.500 tỷ đồng. Tuy nhiên, diện tích khai thác vẫn chỉ đạt 15%, tổng vốn đầu tư hạ tầng từ ngân sách nhà nước mới đạt 991,78 tỷ đồng.
UBND tỉnh Tây Ninh nhận định: Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài chưa phát huy đầy đủ tiềm năng và lợi thế do chưa có các cơ chế đặc thù. Do vậy, tỉnh xác định phát triển Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài là định hướng chiến lược quan trọng. Qua đó, cửa khẩu không chỉ góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân Tây Ninh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam mà còn góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế đối ngoại, tăng cường kết nối toàn diện, gắn kết chặt chẽ hơn giữa Việt Nam, Campuchia và các nước ASEAN, củng cố thế trận quốc phòng, an ninh khu vực biên giới.
Định hướng phát triển chiến lược
Du khách nhập cảnh từ Campuchia vào Việt Nam qua Cửa khẩu quốc tế Mộc Bài, tỉnh Tây Ninh (ảnh tư liệu).
Theo ông Trương Văn Liếp, Giám đốc Sở Tài chính tỉnh Tây Ninh, tỉnh đã có tờ trình xin Trung ương phê duyệt Đề án thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài nhằm tạo sức hút đầu tư, kết nối mạnh mẽ hơn với khu vực Tiểu vùng sông Mê Kông, Đông Nam Á và quốc tế.
Trong định hướng phát triển, Tây Ninh ưu tiên chuyển đổi mô hình theo hướng tiên tiến, xanh, bền vững, gắn kết giữa kinh tế nội địa và kinh tế đối ngoại. Tỉnh tập trung thu hút các nhà đầu tư chiến lược, doanh nghiệp lớn, hướng tới xây dựng Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài thành trung tâm công nghiệp - đô thị - dịch vụ và logistics hiện đại với thể chế vượt trội, đồng thời củng cố quốc phòng, an ninh và đối ngoại biên giới.
Một trong những cơ chế, chính sách áp dụng thí điểm mà UBND tỉnh đã trình bao gồm về việc lựa chọn, ưu đãi và trách nhiệm của nhà đầu tư chiến lược. Theo đó, Tây Ninh đề xuất ban hành danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược như: trung tâm đổi mới sáng tạo, khách sạn, khu du lịch, nghỉ dưỡng cao cấp và vui chơi giải trí tổng hợp có sân golf. Đồng thời, xây dựng các tiêu chí xác định nhà đầu tư chiến lược dựa trên năng lực tài chính và năng lực thực hiện dự án tương tự. Nhà đầu tư chiến lược thực hiện các cam kết, như: phải giải ngân vốn đầu tư trong thời hạn 05 năm, ứng kinh phí cho để thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư…
Về phân cấp quản lý nhà nước trong lĩnh vực quy hoạch, Tây Ninh cũng đề xuất đối với các khu vực có quy mô dưới 500 ha việc điều chỉnh quy hoạch không làm thay đổi lớn đến định hướng phát triển đô thị thì Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt nhiệm vụ, đồ án điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng, sau khi có chủ trương của Thủ Tướng.
Đối với chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tỉnh đề xuất miễn thị thực đối với người nước ngoài du lịch vào Việt Nam tại Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài với thời hạn tạm trú 30 ngày; miễn giấy phép và thị thực cho người lao động nước ngoài làm việc tại khu kinh tế này trong 5 năm, có xem xét gia hạn; cho phép những người làm việc tại Khu kinh tế được mua nhà ở xã hội trong khu kinh tế.
UBND tỉnh cũng kiến nghị được giữ lại 100% nguồn thu phải nộp vào ngân sách Trung ương, kể cả nguồn thu xuất nhập khẩu để tái đầu tư vào hạ tầng khu kinh tế.
Ngoài ra, theo ông Nguyễn Nam Hưng, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Tây Ninh, quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện các sở, ngành đang chuẩn bị công bố quy hoạch, đồng thời, thực hiện các dự án giao thông lớn như cao tốc TP Hồ Chí Minh - Mộc Bài, đường Vành đai 3, Vành đai 4 TP Hồ Chí Minh và ĐT 827E. Nhờ đó, Mộc Bài sẽ được kỳ vọng tạo sức hút mới trong thu hút đầu tư, xuất nhập khẩu và phát triển kinh tế biên mậu.
Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Út cho biết, đến nay, tỉnh Tây Ninh đã giao Sở Xây dựng chuẩn bị các bước sớm công bố quy hoạch Khu kinh tế cửa khẩu Mộc Bài. Đồng thời, tiếp tục tham mưu xin Trung ương áp dụng cơ chế đặc thù để tăng sức hút đầu tư. Trong triển khai, Chủ tịch UBND tỉnh Tây Ninh cũng đề nghị xác định rõ xác định rõ nguồn lực đầu tư, nguồn lực xã hội hóa, nguồn lực từ ngân sách nhà nước để tính toán đưa vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2026 - 2030 đối với việc triển khai các dự án tại Khu kinh tế Cửa khẩu Mộc Bài.
Bài và ảnh: Giang Phương (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/kinh-te/ky-vong-suc-hut-moi-trongphat-trien-khu-kinh-te-cua-khau-moc-bai-20250720082659065.htm