Làm giàu từ sản phẩm đặc trưng của miền sông nước Cửu Long

Làm giàu từ sản phẩm đặc trưng của miền sông nước Cửu Long
6 giờ trướcBài gốc
Chim trích cồ tuy là loài hoang dã, nhưng có khả năng thích nghi cao với điều kiện nuôi nhốt bán tự nhiên. Ảnh: Hoài Vũ
Từ chim hoang dã đến vật nuôi tiềm năng
Chim trích cồ (còn gọi là chim trích ré, trích xanh) vốn là loài chim nước sống hoang dã, thường xuất hiện ở các cánh đồng, đìa lúa, ao đầm vào mùa mưa lũ. Tuy nhiên, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu và sự thu hẹp môi trường sống, số lượng trích cồ ngoài tự nhiên đã giảm mạnh. Mùa nắng hầu như không còn thấy bóng dáng loài chim này và mùa mưa cũng chỉ lác đác vài đàn nhỏ.
Chính trong hoàn cảnh đó, một số hộ nông dân ở các tỉnh thành ĐBSCL như Đồng Tháp, An Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ đã mạnh dạn thử nghiệm mô hình nuôi chim trích cồ sinh sản và thương phẩm. Từ chỗ chỉ nuôi chơi vài con để làm cảnh, nay nhiều hộ đã mở rộng quy mô, biến đây thành mô hình kinh tế chủ lực với thu nhập ổn định và đang dần nhân rộng ra toàn vùng. Ông Nguyễn Văn Thành, một nông dân ở xã Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp, là một trong những người tiên phong nuôi chim trích cồ theo hướng hàng hóa. Ban đầu, ông chỉ nuôi thử 10 cặp chim, tận dụng chuồng trại cũ nuôi gà để chuyển đổi. Không ngờ chỉ sau 4 tháng, đàn chim phát triển tốt, đẻ trứng đều và ít bệnh tật.
“Chim trích cồ rất dễ nuôi, khi nuôi quen thì thả rông như gà, vịt. Trích cồ có sức đề kháng cao, dễ nuôi. Chi phí đầu tư thấp, thức ăn lại tận dụng được rau cỏ, lúa, ốc bươu vàng là những thứ sẵn có ở vùng quê nên lợi nhuận rất khả quan. Mỗi năm, trích cồ đẻ 3 đợt (khoảng thời gian từ tháng 4 - 6), trung bình mỗi đợt đẻ từ 2-4 trứng, sau 1 tháng có thể bán với giá 500.000 đồng/cặp chim. Đối với con lớn, sau 6 tháng nuôi, lông chim trổ màu xanh và được bán với giá 1-1,5 triệu đồng/con, chim thịt bán ra thị trường có giá từ 250.000-300.000 đồng/kg, trong khi gà thả vườn chỉ khoảng 80.000-120.000 đồng/kg. Nuôi trích cồ khó nhất là giai đoạn mới nở, lúc đó phải mớm mồi cho chim non, qua 15 ngày, chim cứng cáp mới có thể tập cho ăn theo chim lớn. Nếu có điều kiện đầu tư nuôi số lượng lớn thì nguồn lợi từ trích cồ sẽ đem lại khá cao” - ông Thành chia sẻ.
Theo thống kê từ một số trại nuôi cho thấy, mỗi cặp trích cồ sinh sản có thể đẻ từ 40–60 trứng/năm, tỷ lệ nở đạt 70–80% nếu được ấp bằng máy. Chim con lớn nhanh, sau 3-4 tháng có thể xuất bán. Thức ăn chủ yếu là rau muống, lúa xay, bèo tấm, cám viên nên chi phí thấp hơn nuôi gà công nghiệp hay vịt siêu thịt. Thêm vào đó, loài chim này có sức đề kháng tốt, rất ít khi mắc bệnh. Nhiều nông dân miền Tây cho biết, trước đây, họ chủ yếu nuôi gà thả vườn để cải thiện thu nhập. Tuy nhiên, giá gà bấp bênh, đầu ra không ổn định, lại dễ gặp rủi ro về dịch bệnh nên không còn mặn mà. Chuyển sang nuôi trích cồ, nhiều hộ không chỉ tránh được rủi ro, mà còn “ăn nên làm ra” nhờ nhu cầu tiêu dùng cao.
Anh Bùi Văn Triều, xã Long Hưng, thành phố Cần Thơ cho biết: “Khách hàng thích ăn thịt chim trích cồ vì thịt ngọt, dai, ít mỡ. Nhiều quán nhậu, nhà hàng đặc sản đặt mua thường xuyên, có khi không đủ hàng để bán. Gần đây còn có người ở thành phố Hồ Chí Minh hoặc một số tỉnh miền Tây, thậm chí cả một số khách quen ở Hà Nội cũng đặt mua về làm quà biếu”.
Không chỉ tiêu thụ nội địa, một số thương lái còn thu mua chim trích cồ để xuất khẩu sang Campuchia và Lào, đặc biệt là các nhà hàng chuyên món lạ, món dân dã. Điều đó mở ra triển vọng phát triển ngành hàng chim trích cồ ở quy mô lớn, góp phần đa dạng hóa sản phẩm chăn nuôi vùng ĐBSCL.
Ngoài giá trị kinh tế, nuôi trích cồ còn mở ra hướng làm du lịch sinh thái và trải nghiệm nông nghiệp tại chỗ. Ảnh: Hoài Vũ
Cần nhân rộng và hỗ trợ bài bản
Dù tiềm năng rõ rệt, nhưng mô hình nuôi chim trích cồ hiện vẫn mang tính tự phát, manh mún, chưa có hướng dẫn kỹ thuật chuẩn. Các hộ nuôi chủ yếu dựa vào kinh nghiệm cá nhân hoặc truyền miệng, chưa có sự vào cuộc đồng bộ từ ngành nông nghiệp và các cơ quan chức năng.
Do đó, thời gian tới, để mô hình nuôi chim trích cồ đạt hiệu quả cao hơn thì Phòng Nông nghiệp và Môi trường thuộc các xã ĐBSCL cần phối hợp với các trung tâm khuyến nông, trường đại học để xây dựng mô hình mẫu, tập huấn kỹ thuật nuôi cho bà con. Đồng thời, hỗ trợ con giống, vốn vay để mở rộng quy mô. Ngoài ra, cần có thêm các tổ hợp tác, hợp tác xã để liên kết những người nuôi trích cồ lại với nhau. Qua đó, hình thành chuỗi giá trị từ con giống - thức ăn - tiêu thụ, giúp ổn định đầu ra và nâng cao giá trị sản phẩm.
Một điểm đáng ghi nhận của mô hình này là tính thân thiện với môi trường. Chim trích cồ tuy là loài hoang dã nhưng có khả năng thích nghi cao với điều kiện nuôi nhốt bán tự nhiên. Việc phát triển mô hình nuôi trích cồ không chỉ giúp bảo tồn loài chim quý trước nguy cơ biến mất khỏi tự nhiên, mà còn tạo ra nguồn thực phẩm sạch, giàu dinh dưỡng cho người tiêu dùng.
Ngoài giá trị kinh tế, nuôi trích cồ còn mở ra hướng làm du lịch sinh thái và trải nghiệm nông nghiệp tại chỗ. Một số hộ ở Vĩnh Long, Cần Thơ đang kết hợp mô hình nuôi chim với homestay, cho khách du lịch xem chim đẻ, chim nở, thưởng thức các món ăn từ chim trích cồ như nướng lá chanh, xào lăn, tiềm thuốc bắc... bước đầu tạo ấn tượng mạnh với du khách trong và ngoài nước.
Giữa thời điểm ngành chăn nuôi truyền thống gặp nhiều thử thách, mô hình nuôi chim trích cồ đang mở ra một hướng đi mới cho người dân vùng ĐBSCL. Không chỉ giúp cải thiện thu nhập, tăng hiệu quả sử dụng tài nguyên sẵn có, mô hình này còn mang giá trị bảo tồn và phát triển bền vững. Điều quan trọng là cần có sự đồng hành từ chính quyền, nhà khoa học và doanh nghiệp để đưa con chim đồng nội này thành sản phẩm đặc trưng của miền sông nước Cửu Long.
Hoài Vũ
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/lam-giau-tu-san-pham-dac-trung-cua-mien-song-nuoc-cuu-long-post492215.html