Cần bổ sung quyền thừa kế tài sản số
Các ĐBQH cơ bản nhất trí với sự cần thiết ban hành Luật Công nghiệp công nghệ số để phát triển công nghiệp công nghệ số trở thành ngành kinh tế đóng góp lớn vào kinh tế đất nước; tạo môi trường thuận lợi nhất để nuôi dưỡng và phát triển doanh nghiệp công nghệ số; góp phần xây dựng Chính phủ số, động lực phát triển kinh tế số, xã hội số. Đồng thời, khẳng định giá trị pháp lý của công nghiệp công nghệ số; hình thành các quy định, chính sách để thúc đẩy phát triển công nghiệp công nghệ số.
Quang cảnh thảo luận Tổ 10
Quan tâm đến định nghĩa về tài sản số, ĐBQH Trần Khánh Thu (Thái Bình) cho biết, dự thảo Luật định nghĩa tài sản số là tài sản vô hình, được thể hiện dưới dạng dữ liệu số, được tạo ra, phát hành, lưu trữ, chuyển giao và xác thực bởi công nghệ số trên môi trường điện tử và được pháp luật bảo hộ quyền tài sản phù hợp với quy định pháp luật dân sự, sở hữu trí tuệ và pháp luật khác có liên quan.
Tuy nhiên, theo đại biểu Trần Khánh Thu, trong lĩnh vực y tế hiện nay có rất nhiều dữ liệu số như hồ sơ bệnh án, giấy chứng sinh... Hoặc kinh phí giao dịch không dùng tiền mặt trong các cơ sở khám, chữa bệnh có được coi là tài sản số hay không? Nếu thuộc các đơn vị công lập thì có chịu sự chi phối của tài sản công hay không? Do đó, đại biểu đề nghị, dự thảo Luật cần định nghĩa rõ ràng về tài sản số.
Tại Điều 16 về nguyên tắc quản lý tài sản số, dự thảo Luật quy định “Quản lý tài sản số bao gồm các quy định về quyền sở hữu, chuyển nhượng, sử dụng tài sản số; quy định về thuế, tài chính; hợp tác quốc tế và chia sẻ thông tin; quy định về bảo mật, an toàn thông tin, an ninh mạng, sở hữu trí tuệ, bảo vệ người tiêu dùng; quản lý theo vòng đời; phòng chống, ngăn chặn, quản lý rủi ro liên quan đến tài sản số và các nội dung quản lý khác”
ĐBQH Nguyễn Văn Dương (Tiền Giang) cho rằng, quy định như vậy mới chỉ có tài sản số liên quan đến quyền sở hữu, chuyển nhượng mà chưa đề cập đến tài sản số liên quan đến quyền thừa kế. Do đó, đại biểu đề nghị bổ sung nội dung này vào Điều 16 dự thảo Luật bởi nếu đã có được quyền chuyển nhượng, xác định đó là tài sản thì cũng phải có quyền được thừa kế.
Cân nhắc quy định về nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp công nghệ số
Khoản 1, Điều 19 quy định ngân sách nhà nước bố trí một phần kinh phí từ lĩnh vực khoa học và công nghệ cho các cơ quan, tổ chức của Nhà nước để thực hiện chương trình hỗ trợ nghiên cứu và phát triển, sản xuất sản phẩm mẫu trong công nghiệp công nghệ số trên cơ sở phân cấp, quản lý ngân sách nhà nước đẩy mạnh thu hút các nguồn lực xã hội.
ĐBQH Nguyễn Trường Giang (Đắk Nông) nhận thấy, quy định như vậy sẽ gây chồng chéo với Luật Công nghệ cao, Luật Chuyển giao công nghệ, Luật Khoa học và Công nghệ. Cụ thể, trong Luật Khoa học và Công nghệ đã quy định rất rõ về dự toán, bảo đảm chi về sử dụng ngân sách nhà nước cho lĩnh vực khoa học công nghệ.
Về nguồn tài chính cho phát triển công nghiệp công nghệ số, theo dự thảo Luật, bao gồm ngân sách nhà nước và kinh phí từ các Quỹ có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước và ngoài ngân sách nhà nước, gồm: Quỹ phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia; Quỹ phát triển khoa học và công nghệ của doanh nghiệp; Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia; Quỹ Hỗ trợ đầu tư; Quỹ đầu tư mạo hiểm công nghệ cao; Quỹ đầu tư phát triển của địa phương, doanh nghiệp.
Theo đại biểu Nguyễn Trường Giang, quy định như trên sẽ rất khó để thực hiện vì mỗi quỹ đều có một cơ chế tài chính riêng và đã được quy định ở trong luật về mục đích sử dụng của quỹ. Do đó, đại biểu đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc kỹ lưỡng nội dung này.
Điều 34 về ưu đãi với khu công nghệ số, khoản 1 quy định khu công nghệ số được áp dụng chính sách ưu đãi đầu tư đối với địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật về đầu tư và pháp luật có liên quan.
Đại biểu Nguyễn Văn Dương đề nghị ban soạn thảo cân nhắc không quy định điểm này trong dự thảo Luật vì tính khả thi không cao. Theo quy định hiện hành, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn là vùng núi cao, khí hậu khắc nghiệt; về kinh tế thì thu nhập thấp, cơ sở hạ tầng yếu, dân trí thấp, thiếu cơ hội tiếp cận giáo dục... Trong khi đó, công nghệ số là lĩnh vực mới, quan trọng, cần nguồn nhân lực chất lượng cao, cần cơ sở hạ tầng, hệ thống điện, nước sạch thuận lợi..., vì vậy nếu phát triển khu công nghệ số ở những vùng còn khó khăn thì sẽ khó thu hút các nhà đầu tư cũng như nguồn nhân lực.
Đại biểu cũng đề nghị dự thảo Luật cần quy định rõ ràng hơn nữa đối với các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến trí tuệ nhân tạo (AI), đặc biệt là việc vi phạm về quyền sở hữu và quyền chuyển nhượng tài sản số.
Minh Trang