Tuần Văn hóa - Du lịch (VH-DL) tỉnh Hòa Bình năm 2024 diễn ra từ ngày 15 - 23/11 với chủ đề "Nét đẹp VH - DL tỉnh Hòa Bình” được tổ chức bài bản, quy mô với nhiều sự kiện có ý nghĩa mang lại sự trải nghiệm thú vị, ấn tượng, thiện cảm cho người dân, du khách. Các giá trị văn hóa Mường, văn hóa các dân tộc tỉnh Hòa Bình được lan tỏa, thăng hoa.
Chương trình nghệ thuật đặc sắc tại Lễ trao bằng công nhận Di tích Quốc gia đặc biệt và khai mạc Tuần Văn hóa - Du lịch tỉnh Hòa Bình năm 2024. Ảnh: P.V
Sự chuẩn bị khoa học, chu đáo, thời tiết đẹp đã đem lại thành công ngoài mong đợi cho chuỗi sự kiện VH-DL tỉnh Hòa Bình, thu hút hàng vạn du khách và người dân đến tìm hiểu, khám phá. Bà Bùi Thị Òn ở Mường Bi - Tân Lạc có mặt tại hầu hết các chương trình của tuần lễ, bà chia sẻ: Thời tiết mùa đông nhưng chưa rét, đúng dịp ngày rằm, có trăng sáng, người người đổ về Quảng trường Hòa Bình để xem, tận hưởng, trải nghiệm không khí lễ hội. Tôi tự hào về lịch sử, văn hóa dân tộc mình và nền "Văn hóa Hòa Bình" đã tồn tại trên dưới chục nghìn năm; được Nhà nước công nhận Di tích quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại, xã Tân Lập và Mái đá làng Vành, xã Yên Phú, huyện Lạc Sơn. Tự hào về các địa danh, địa điểm, danh lam thắng cảnh của vùng đất Hòa Bình từng ngày đổi mới gắn với bản sắc văn hóa… Những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết hay các bài dân ca, lễ hội, nghi thức, phong tục tập quán được tái hiện, tỏa sáng trên sân khấu chính của Quảng trường Hòa Bình.
Em Nguyễn Thương Hải, học sinh ở TP Hòa Bình tham gia trình diễn trang phục dân tộc cho biết: Khoác trên mình bộ trang phục dân tộc Mường, em rất tự hào vì không chỉ mang tính thẩm mỹ, mà còn chứa đựng những giá trị văn hóa, tôn vinh vẻ đẹp trang phục truyền thống dân tộc. Nhiều bạn bè, người thân của em cũng tự hào khi mặc trang phục các dân tộc Mường, Tày, Thái, Dao, Mông không chỉ trong các sự kiện văn hóa, mà còn trong những ngày lễ, ngày hội ở địa phương, hay cuộc sống thường ngày.
Hòa Bình là vùng đất có truyền thống lịch sử văn hóa lâu đời, mang đậm bản sắc các dân tộc, là cái nôi của nền "Văn hóa Hòa Bình” nổi tiếng, với hơn 100 di tích đã được xếp hạng và nhiều lễ hội dân gian. Tỉnh có các di sản văn hóa phi vật thể quốc gia độc đáo như: Mo Mường, nghệ thuật chiêng Mường, tri thức dân gian lịch tre của dân tộc Mường và tập quán xã hội - tín ngưỡng Keng Loóng của người Thái Mai Châu. Hòa Bình được thiên nhiên ban tặng nhiều cảnh quan hùng vĩ, các khu bảo tồn thiên nhiên đa dạng là: Ngọc Sơn - Ngổ Luông, Thượng Tiến, Pu Canh, Hang Kia - Pà Cò; nhiều điểm du lịch hấp dẫn du khách như: Quần thể hang động núi đầu Rồng (Cao Phong), quần thể di tích lịch sử văn hóa và danh thắng chùa Tiên (Lạc Thủy), động Ngòi Hoa và động Nam Sơn (Tân Lạc)…; có nguồn nước khoáng nóng tại Kim Bôi phù hợp phát triển du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng chữa bệnh; khu du lịch Mai Châu với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa dân tộc độc đáo là điểm đến của đông đảo du khách trong nước, quốc tế. Đặc biệt, hồ Hòa Bình với phong cảnh non nước hữu tình, từng bước phấn đấu hoàn thiện các điều kiện của Khu du lịch quốc gia vào năm 2025... Những thế mạnh đó được tỉnh tập trung khơi dậy và phát huy một cách mạnh mẽ, từng bước xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm, xây dựng thương hiệu du lịch tỉnh Hòa Bình gắn với hình ảnh đặc trưng, mang bản sắc văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc Mường, góp phần thúc đẩy phát triển KT-XH, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân các dân tộc trong tỉnh.
Tuần VH-DL diễn ra nhiều hoạt động gồm: Lễ cầu ngư, thả hoa đăng trên sông Đà; triển lãm ảnh nghệ thuật với chủ đề "Nét đẹp VH-DL tỉnh Hòa Bình”; đón nhận bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành; tham quan các điểm du lịch trên khu du lịch hồ Hòa Bình; liên hoan trình diễn trang phục các dân tộc tỉnh Hòa Bình; thi thuyết minh viên du lịch; đêm hội rượu cần… Qua tổ chức các hoạt động nhằm giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, bản sắc văn hóa các dân tộc; các điểm du lịch tiêu biểu, hấp dẫn của địa phương. Tuần VH-DL tỉnh cũng là dịp tuyên truyền rộng rãi trong cán bộ và nhân dân về nền "Văn hóa Hòa Bình" - nền văn hóa rực rỡ đã tồn tại từ trên dưới 30.000 năm đến 3.500 năm cách ngày nay - là minh chứng khẳng định Việt Nam là một trong những chiếc nôi của loài người.
Dự Lễ khai mạc Tuần VH-DL tỉnh Hòa Bình, đồng chí Lê Thành Long, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ khẳng định, tỉnh Hòa Bình đã rất quyết tâm trong quản lý, bảo vệ, khai thác và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống các dân tộc, nhất là các di tích thuộc nền "Văn hóa Hòa Bình” gắn với phát triển du lịch bền vững, từng bước đưa Hòa Bình trở thành một trong những điểm đến hấp dẫn du khách trong nước và ngoài nước. Minh chứng rõ nét là việc di tích khảo cổ Hang xóm Trại, Mái đá làng Vành được xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Đây là niềm vinh dự, tự hào, đồng thời cũng là trách nhiệm của tất cả chúng ta, nhất là các cấp, ngành và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình trong bảo tồn, phát huy giá trị đặc biệt của di tích khảo cổ này...
Hòa Bình được biết đến như cửa ngõ miền Tây Bắc, người dân tự hào được sinh ra và lớn lên ở vùng đất đã trải qua bao biến cố thăng trầm, nhưng vẫn kiên cường lưu giữ bản sắc văn hóa riêng biệt mà ông cha đã giữ gìn, phát huy và trao truyền cho thế hệ tương lai. Mỗi bước chân đến với Hòa Bình tham gia sự kiện Tuần VH-DL mang đến cho du khách những trải nghiệm mới mẻ về vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, cùng với sự đa dạng trong văn hóa, sự kết hợp hài hòa giữa con người và thiên nhiên, giữa hiện đại và truyền thống...
Hương Lan