Lạng Sơn: Hơn 5.500 doanh nghiệp, vốn đăng ký vượt 63.000 tỷ đồng

Lạng Sơn: Hơn 5.500 doanh nghiệp, vốn đăng ký vượt 63.000 tỷ đồng
8 giờ trướcBài gốc
Tăng cường hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư
Theo UBND tỉnh Lạng Sơn, về công phát triển doanh nghiệp và thu hút đầu tư, trong 6 tháng đầu năm 2025, tỉnh đã chủ động triển khai thực hiện Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân; tổ chức thực hiện hiệu quả Kế hoạch thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 8/1/2025 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2025 trên địa bàn tỉnh.
Hoạt động sản xuất của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn. Ảnh: Anh Tuấn
Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch và chỉ đạo tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giải quyết dứt điểm 87/105 dự án đầu tư ngoài ngân sách tồn đọng kéo dài, chậm tiến độ, đang tạm dừng thực hiện, để khẩn trương triển khai, đưa vào hoạt động, khơi thông nguồn lực đầu tư tư nhân.
Đồng thời, tăng cường các hoạt động xúc tiến thu hút đầu tư, nhất là các dự án thủy điện, điện gió, điện sinh khối, điện rác theo quy hoạch, kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII và Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Cụ thể, các cơ quan chuyên môn đã nhận được 23 hồ sơ quan tâm dự án nguồn điện (gồm: 22 dự án điện gió, 2 dự án điện sinh khối, 1 dự án điện rác); trong đó có 9 dự án đã nộp hồ sơ chính thức (gồm: 8 dự án điện gió và 1 dự án điện rác).
Tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính đối với cán bộ, công chức, nâng cao trách nhiệm đối với người đứng đầu; thực hiện phân cấp, cập nhật, công khai thủ tục hành chính, đảm bảo vận hành theo mô hình chính quyền địa phương 2 cấp.
Theo đó, tổng số thủ tục hành chính của tỉnh là 2.144, trong đó, thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp tỉnh: 1.889; thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của cấp xã: 255.
Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp tục triển khai có hiệu quả, được người dân, doanh nghiệp đánh giá cao, từ đầu năm đến nay nhận được 686 lượt rất hài lòng của người dân, doanh nghiệp đạt 95,63%; tỷ lệ hồ sơ tiếp nhận trực tuyến đạt 88%.
Trước đó, các chỉ số về cải cách hành chính năm 2024 của tỉnh có sự cải thiện đáng kể, 2/3 chỉ số tăng so với năm 2023. Trong đó: Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh năm (PAPI) năm 2024 đạt 45 điểm, xếp thứ 12/63 tỉnh, thành phố (tăng 1,52 điểm và tăng 9 bậc).
Chỉ số cải cách hành chính năm (PAR INDEX) đạt 88,11%, xếp hạng 39/63 tỉnh, thành phố (tăng 2,43 điểm % và tăng 8 bậc); chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước trên địa bàn (SIPAS) đạt 79,19%, xếp hạng 62/63 tỉnh, thành phố (giảm 0,11 điểm %, giảm 7 bậc).
Số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng
Với các hành động thiết thực, giải pháp hiệu quả, tỉnh Lạng Sơn vẫn duy trì trong nhóm 30/63 tỉnh, thành phố có chất lượng điều hành tốt nhất, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh năm 2024 xếp thứ 16/63 tỉnh, thành phố.
Khu công nghiệp VSIP Lạng Sơn. Ảnh: Nguyễn Hoàn
Đặc biệt, môi trường đầu tư kinh doanh được cải thiện, số lượng doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng, doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động, giải thể giảm.
Trong 6 tháng đầu năm 2025, có 205 doanh nghiệp hoạt động trở lại tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái; 357 doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động giảm 23% so với cùng kỳ; 97 doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể, giảm 35% so với cùng kỳ; 60 doanh nghiệp đã hoàn thành giải thể, giảm 38% so với cùng kỳ.
Toàn tỉnh đăng ký thành lập mới 396 doanh nghiệp, đạt 56,6% kế hoạch, tổng vốn đăng ký 3.229 tỷ đồng. Lũy kế đến nay, toàn tỉnh có 5.585 doanh nghiệp, tổng vốn đăng ký đạt 63.286 tỷ đồng, có 840 chi nhánh, văn phòng đại diện đăng ký hoạt động.
Ngoài ra, đã thành lập mới 28 hợp tác xã, đạt 51% kế hoạch, tổng vốn đăng ký 53,6 tỷ đồng; giải thể 08 hợp tác xã; lũy kế toàn tỉnh có 566 hợp tác xã, tổng vốn đăng ký 1.180 tỷ đồng.
Lũy kế từ đầu năm đến nay đã cấp mới chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư 4 dự án, tổng vốn đầu tư 180,7 tỷ đồng; điều chỉnh chủ trương đầu tư/chứng nhận đăng ký đầu tư 22 dự án, tổng vốn điều chỉnh tăng 440,16 tỷ đồng; chấm dứt 12 dự án, ngừng hoạt động 6 dự án.
Trong thời gian tới, tỉnh Lạng Sơn tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, trọng tâm là thực hiện chuyển đổi số và xử lý thủ tục hành chính trên các cổng dịch vụ công. Thực hiện quyết liệt kế hoạch cải thiện và nâng cao các chỉ số về cải cách hành chính (PAPI, PARINDEX, SIPAS).
Đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh. Tập trung tháo gỡ các khó khăn, hỗ trợ các nhà đầu tư, doanh nghiệp, hợp tác xã và hộ kinh doanh trong quá trình sản xuất, kinh doanh, giảm số lượng doanh nghiệp tạm ngừng, giải thể; ban hành kế hoạch khắc phục những hạn chế của các chỉ số PCI năm 2024 đạt điểm số thấp.
Đồng thời, tăng cường kiểm tra, đôn đốc đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án đầu tư ngoài ngân sách; giải quyết, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, xử lý đối với các dự án đầu tư chậm tiến độ có nguy cơ gây thất thoát, lãng phí theo Kế hoạch của UBND tỉnh.
Tiếp tục xử lý các khó khăn, vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng; rà soát quỹ đất đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện thu hồi đất, giải phóng mặt bằng tạo quỹ đất sạch phục vụ đấu giá quyền sử dụng đất.
Đặc biệt, duy trì ổn định, nâng cao năng lực hoạt động của các cơ sở sản xuất công nghiệp; tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất của các cơ sở sản xuất công nghiệp. Đẩy nhanh tiến độ xây dựng các cụm công nghiệp Hồ Sơn 1, Đình Lập, Bắc Sơn 2 để đón các nhà đầu tư thứ cấp; tổ chức khởi công cụm công nghiệp Hòa Sơn 1; hỗ trợ nhà đầu tư, đẩy nhanh tiến độ triển khai các cụm công nghiệp Na Dương 1, 2, 3, nhà máy Nhiệt điện Na Dương 2, thủy điện Tràng Định 2.
Tập trung thực hiện trình tự, thủ tục chấp thuận chủ trương đầu tư và thành lập các cụm công nghiệp đã có nhà đầu tư quan tâm. Tiếp tục thu hút đầu tư các dự án theo Quy hoạch tỉnh, Quy hoạch điện VIII.
Trong 6 tháng cuối năm 2025, tỉnh Lạng Sơn sẽ khẩn trương ổn định các xã, phường sau sắp xếp, tập trung vận hành hiệu quả mô hình chính quyền địa phương 2 cấp để bảo đảm các hoạt động không bị gián đoạn, bỏ trống lĩnh vực, ảnh hưởng đến phục vụ người dân, doanh nghiệp. Đồng thời, tổ chức kiểm tra hoạt động của các xã, phường mới sau khi thành lập để kịp thời tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, nhất là các nội dung liên quan đến trụ sở làm việc; số hóa, công khai và thực hiện các thủ tục hành chính phục vụ người dân, doanh nghiệp.
Quỳnh Nga
Nguồn Công Thương : https://congthuong.vn/lang-son-hon-5-500-doanh-nghiep-von-dang-ky-vuot-63-000-ty-dong-411236.html