Yonhap ngày 23-11 đưa tin, phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Washington, ông Jedidiah Royal, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cho rằng, có hàng loạt lĩnh vực mà Hàn Quốc có thể hợp tác cùng Mỹ để thúc đẩy các lợi ích an ninh chung tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ông Jedidiah Royal, Phó trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phát biểu tại một sự kiện ở thủ đô Washington. Ảnh: Yonhap
"Chia sẻ trách nhiệm ở đây không chỉ là vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng. Ví dụ, ngành công nghiệp công nghệ cao của Hàn Quốc có thể có đóng góp cụ thể vào việc chia sẻ gánh nặng duy trì an ninh và ổn định. Đồng thời, sự hỗ trợ của Hàn Quốc đối với các nước khác trong khu vực cũng là một phần của việc cùng hợp tác vì lợi ích an ninh chung của chúng ta", ông Jedidiah Royal nêu rõ.
Vấn đề chia sẻ chi phí quốc phòng mà ông Jedidiah Royal đề cập liên quan tới Thỏa thuận biện pháp đặc biệt (SMA) giữa Mỹ và Hàn Quốc. Đây là thỏa thuận về mức kinh phí mà Seoul phải gánh vác cho việc đồn trú của lực lượng Mỹ tại Hàn Quốc (USFK). Kể từ năm 1991, Seoul đã gánh một phần chi phí theo SMA cho binh sĩ Mỹ đồn trú tại Hàn Quốc, bao gồm chi phí xây dựng các cơ sở quân sự như doanh trại và các cơ sở đào tạo, giáo dục, điều hành, liên lạc cũng như các hỗ trợ hậu cần khác.
Hồi đầu tháng 10 vừa qua, sau 8 vòng đàm phán, hai bên đã đạt được SMA lần thứ 12, có hiệu lực đến năm 2030. Theo đó, Hàn Quốc sẽ chi trả 1,52 nghìn tỷ won (1,08 tỷ USD) vào năm 2026, tăng từ mức 1,4 nghìn tỷ won vào năm 2025.
Trong chiến dịch tranh cử Tổng thống Mỹ năm nay, ông Donald Trump từng tuyên bố nếu ông trở lại Nhà Trắng, mức kinh phí mà Hàn Quốc phải chi trả cho việc đồn trú của 28.500 binh lính Mỹ sẽ là 10 tỷ USD/năm. Vì SMA không đòi hỏi sự chấp thuận của Quốc hội nên tuyên bố của ông Donald Trump làm dấy lên đồn đoán rằng, ông có thể yêu cầu đàm phán lại SMA theo thẩm quyền sau khi chính thức tiếp quản Nhà Trắng vào đầu năm 2025.
Ông Donald Trump vốn vẫn thường lên tiếng phàn nàn về việc các đồng minh của Mỹ trong các liên minh quân sự mà Washington tham gia không đóng góp công bằng. Trong nhiệm kỳ tổng thống đầu tiên, với chính sách “nước Mỹ trên hết”, ông Donald Trump đã kêu gọi tăng mạnh đóng góp tài chính của Hàn Quốc để duy trì USFK, dẫn đến bế tắc kéo dài trong các cuộc đàm phán SMA. Đối với Hàn Quốc, trên thực tế, chi phí quốc phòng mà quốc gia này đóng góp được cho là vẫn ở mức cao nhất trong số các đồng minh và đối tác của Mỹ tính theo tỷ lệ phần trăm GDP của nước đó.
Theo qdnd.vn