Ca dao miền Quan họ cũng có bản tương tự: “Lẻ loi chim nhạn sầu oanh/Để em thơ thẩn năm canh đợi chờ/ Thương ai biết đến bao giờ/ Bao giờ gặp mặt bao giờ sánh đôi…”. Rất khó phân định văn bản nào có trước, chỉ biết qua hình ảnh chim nhạn cả hai đều nói tinh tế về các cung bậc trạng thái nhớ/sầu... Chim nhạn trở thành biểu tượng cho tình yêu chung thủy, bền chặt, sắt son.
Chim nhạn.
Thuộc giống chim họ Vịt (Anatidae), chim nhạn sắp đến mùa lạnh thì họp đàn bay xuống phương nam, kiếm ăn miền ven biển, chốn ven sông, nơi các hồ đầm. Trong văn hóa châu Á (Trung Quốc, Việt Nam, Nhật Bản, Đài Loan…) đều nói chim nhạn là loài ngỗng thiên di, thường gọi là ngỗng trời (wild goose).
Người Trung Quốc xưa gọi là “hồng nhạn” có điển tích từ thời Kim Chương Tông (1205). Chuyện kể học trò Nguyên Hảo Vấn, 16 tuổi, tới Tịnh Châu dự thi, đi qua sông Phần, thấy một thợ săn cầm cặp chim nhạn đã chết liền hỏi nguyên cớ. Người thợ kể vừa dùng lưới bắt được một con chim nhạn. Nó đã bị chết. Lúc sau một con nhạn khác bay tới thấy thế nhất định không chịu rời đi. Cuối cùng, nó bay lên cao rồi lao cắm đầu xuống đất... Cảm động, Hảo Vấn bỏ tiền mua rồi chôn đôi chim cạnh bờ sông Phần. Người dân hưởng ứng bằng cách đắp đá cuội thành mộ, gọi là “Gò Nhạn”. Những sĩ tử đi qua đều có thơ tỏ lòng thương tiếc. Từ đó có tục tế chim nhạn, trước khi đón dâu, nhà trai mang đến nhà gái một con chim nhạn, với ý chàng rể mãi mãi không bao giờ thay đổi, như chim nhạn, khi đã chọn bạn đời sẽ mãi bên nhau...
Không chỉ gắn bó vợ chồng, chim nhạn luôn bay theo bầy. Thế nên một con bị lạc dễ gợi ra ở con người về sự cô độc đầy thương cảm. Đỗ Phú có bài thơ “Cô nhạn - Hậu phi nhạn” nổi tiếng: “Cô nhạn bất ẩm trác/ Phi minh thanh niệm quần/ Thùy liên nhất phiến ảnh/ Tương thất vạn trùng vân/ Vọng tận tự do hiện/ Ai đa như cánh văn…” (Nhạn lạc bầy không ăn uống/ Vừa bay vừa kêu gọi họp đàn/ Có ai nhìn mà chẳng thương/ Một con nhạn chìm dần vào vạn lớp mây/ Nhìn mãi mà như vẫn thấy bóng nó/ Tiếng kêu sầu thảm như vẫn vẳng bên tai…).
Trong văn hóa Trung Quốc, chim nhạn trở thành biểu tượng cho sự tín nghĩa, dựa vào đặc trưng (như trong sách “Nghi lễ chính nghĩa” của Hồ Bồi Nhung thời nhà Thanh), đại để chim nhạn di trú giữa hai miền Nam Bắc, tuần hoàn theo đạo âm dương, chưa bao giờ thất tín, thất tiết thể hiện sự chung thủy nam nữ, rộng hơn là cho chữ “tín” của đạo quân tử. Dựa vào tập quán khi bay luôn tuân theo sự chỉ dẫn của con đầu đàn, người xưa lại ví nhạn với đời sống gia đình, phải có tôn ti trật tự. Khi di cư, bay đi từ nơi nào sẽ bay về nơi đó, chim lại được người đời nâng thành biểu trưng cho tấm lòng biết nhớ nguồn cội.
Nhà thơ Vương Cung (thời Minh) có bài “Xuân nhạn” nói về ý này: “Xuân phong nhất dạ đáo Hành Dương/ Sở thủy Yên sơn vạn lý trường/ Mạc quái xuân lai tiện quy khứ/ Giang Nam tuy hảo thị tha hương” (Hành Dương một tối gió xuân/ Nước Sở non Yên vạn dặm dài/ Chớ lạ xuân về bay mất bóng/ Giang Nam dù đẹp vẫn quê người”. Từ Hành Dương vượt “nước Sở non Yên” đến cư trú Giang Nam. Đất mới dù đẹp vẫn là “đất khách quê người”!
Nhạn còn là loại chim đưa thư. Trong Kinh kịch Trung Quốc có hí khúc “Hồng nhạn sao thư” kể, do chiến tranh Tiết Nhân Quý phải xa vợ Vương Bảo Xuyến đằng đẵng đã 18 năm. Ngày nọ, Vương Bảo Xuyến đang cắt cỏ ngoài đồng bỗng nghe thấy tiếng kêu của hồng nhạn. Bảo Xuyến chợt nghĩ nhờ chim chuyển cho chồng lá thư. Giữa đồng làm gì có giấy mực, nàng xé miếng vải ở quần, cắn ngón tay, hòa máu tươi và nước mắt thành mực viết những con chữ khắc khoải nỗi nhớ, đau đớn đợi chờ… Lại có tích Tô Vũ đời Hán bị đày sang Hung Nô, phải đi chăn dê. Tô Vũ nghĩ cách buộc thư vào chân chim nhạn để nhắn tin về cho vua Hán… Từ đó có chữ nhạn tín.
Nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu, trong bài “Xúc cảnh” cũng dùng điển tích này để nói về nỗi mong ngóng tin tức sự đổi thay của đất nước: “Mây giăng ải bắc trông tin nhạn/ Ngày xế non nam bặt tiếng hồng”. Theo quy luật tiếp biến, những ánh hồi quang của những điển tích ấy soi bóng vào thơ cổ điển Việt Nam: “Ngày sáu khắc tin mong nhạn vắng/ Đêm năm canh tiếng lắng chuông rền” (Cung oán ngâm khúc); “Thấy nhạn luống tưởng thư phong/ Nghe hơi sương sắm áo bông sẵn sàng” (Chinh phụ ngâm); “Buồn trông phong cảnh quê người/ Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa” (Truyện Kiều)…
“Bầy nhạn” - tranh Đài Loan (Trung Quốc).
Trong thơ cổ, chim nhạn và chim én khác nhau. “Truyện Kiều” có câu: “Phận bồ từ vẹn chữ tòng/ Đổi thay nhạn yến đã hòng đầy niên”. Chữ “yến” chỉ con chim én. Theo “Từ điển Truyện Kiều” của Đào Duy Anh, “nhạn yến” chỉ sự thay đổi thời tiết từ mùa này sang mùa khác (cũng là nhịp đi của thời gian). Chim én trong “Truyện Kiều” biểu trưng cho mùa xuân: “Ngày xuân con én đưa thoi…”.
Trong “Bích Câu kỳ ngộ” có sự cảm khái về không gian chia ly: “Những là én bắc nhạn nam/ Cánh hoa mặt nước biết làm sao đây”. Ca dao càng rõ: “Nhạn về biển bắc nhạn ơi/ Bao thuở nhạn hồi để én đợi trông”. Rồi “Nhạn nam én bắc lạc bầy/ Biết bao giờ đặng duyên vầy ái ân”. Sự phân biệt này không chỉ căn cứ vào hiện tượng di cư, còn là tập quán sinh hoạt: nhạn bắt tôm cá dưới nước; én bắt muỗi và côn trùng nhỏ trên không.
Cụ Tản Đà kỹ lưỡng và tinh tế khi viết: “Nhạn về én lại bay đi/ Đêm thì vượn hót, ngày thì ve ngâm” (Cảm thu, tiễn thu). Chim én miệng rộng, cằm bạnh, trong tiếng Hán có thành ngữ “yến hạm hổ tu”, chuyển sang tiếng Việt là “râu hùm hàm én” tả khuôn mặt võ tướng oai vệ, uy phong. Chim én gần gũi với đời sống người Việt: “Én bay thấp, mưa ngập bờ ao/ Én bay cao, mưa rào lại tạnh” (Ca dao). Có thể là để bắt chuồn chuồn, mà chuồn chuồn, thì “bay thấp thì mưa/ Bay cao thì nắng…).
Đi vào văn chương, chim én được gọi là yến, gắn liền với anh (chim vàng anh) để chỉ tuổi trẻ “trai gái”, như trong “Truyện Kiều”: “Gần xa nô nức yến anh”; “Xôn xao ngoài cửa hiếm gì yến anh”; “Quá chiều nên đã chán chường yến anh”. Cụ Nguyễn Du tả: “Xập xè én liệng lầu không”, chỉ hai chữ “xập xè” vừa tượng hình (cánh én mở ra khép lại) vừa tượng thanh vẽ ra cả một không gian vắng vẻ, vắng đến mức nghe được cả âm thanh con én bay…!
Thế mà, trong một vài bộ từ điển và một số bài viết gần đây vẫn coi chim én và chim nhạn là một, với lối viết đầy khẳng quyết: “còn gọi là”!?
Lại có sự nhầm lẫn “nhạn” và “nhàn” ở trường hợp phát âm trong “Dạ cổ hoài lang” nổi tiếng của soạn giả Cao Văn Lầu: “Từ là từ phu tướng/ Báu kiếm sắc phán lên đàng/ Vào ra luống trông tin nhàn/ Năm canh mơ màng…/ Là nguyện cho chàng/ Hai chữ an - bình an/ Trở lại gia đàng/ Cho én nhạn hiệp đôi”. Chiểu theo cấu trúc biểu nghĩa, biểu vật như đã nói ở trên thì chỉ chim nhạn mới phù hợp với trường ngữ nghĩa nói về tâm trạng, hoàn cảnh người vợ nhớ chồng (hoài lang). Để phù hợp với hệ thống thanh bằng (đàng/ nhàn/ màng/ chàng/ an/ đàng/ đôi) của cả đoạn diễn tả cái không gian xa xăm, miên viễn mà người chồng đang “lên đàng”, thì hát phải “thả” tin nhàn. Điều này cũng được Giáo sư Trần Văn Khê giải thích, theo quy luật hài thanh, nhả âm trong vọng cổ, nếu hát “tin nhạn” không ổn nên “đọc là nhàn…”. Như vậy, vẫn là chữ “nhạn” nhưng khi hát thì chệch âm thành “nhàn”, chứ không phải như một vài cách hiểu khẳng định có “giống chim nhàn” (!?).
Ngày nay, theo khoa điểu học thì loài nhạn (chim nhạn bụng trắng châu Âu - tên khoa học là Hirundo rustica rustica), ngoài các biểu tượng gốc, còn là biểu tượng cho bản lĩnh vượt khó. Mỗi năm, chúng di cư khoảng 9.700km từ bắc châu Âu tới nam châu Phi, rồi ngược lại. Nặng khoảng 17 - 20g, dài khoảng 15cm, chim có khả năng vượt bão cát với sức gió 64km/h. Vào mùa xuân, chúng di cư về phương bắc để ghép đôi và nuôi con, rồi quay lại phương nam trước mùa đông. Quá trình di cư mạo hiểm này khiến tỷ lệ tử vong rất cao, nhất là khi bay qua sa mạc Sahara. Để vượt qua sa mạc chết chóc này, chim bay mất 5 ngày trong khi không được uống giọt nước nào. Đã vậy, tới nơi có nước, chim còn phải bay thêm 3.200km nữa mới gặp được bạn tình... Quả là tình yêu vẫn mạnh hơn rất nhiều cái chết và sự khó khăn!
Nguyễn Thanh Tú