Ảnh Reuters
Các công ty này đại diện cho một phạm vi địa lý rộng, bao gồm Bắc Mỹ, châu Âu, Đông Nam Á và khu vực MENA, phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng của các nhà đầu tư vào tiềm năng thượng nguồn của Libya.
Vòng cấp phép đang diễn ra của nước này là một phần trong nhiều nỗ lực lớn nhằm định vị lại Libya như một điểm đến cạnh tranh cho hoạt động thăm dò năng lượng. Đây là biện pháp tiếp theo sau một loạt động thái gần đây của Libya, như điều chỉnh khuôn khổ tài chính và hợp đồng theo các tiêu chuẩn quốc tế, nhằm mục đích làm cho môi trường năng lượng của quốc gia này trở nên hấp dẫn, và dễ dự đoán hơn đối với các nhà đầu tư toàn cầu.
Được sự hỗ trợ từ công ty tư vấn Wood Mackenzie, chính quyền Libya đã tiến hành đánh giá toàn diện các hợp đồng trước đây thông qua kiểm toán nội bộ, và đánh giá chuẩn mực bên ngoài.
Đánh giá này xác định nhu cầu về các điều khoản tài chính cạnh tranh hơn, và cơ chế rõ ràng hơn để chia sẻ rủi ro đầu tư - cả hai đều đang được đưa vào chiến lược cấp phép hiện tại.
Song song với việc khai thác dầu mỏ, Libya cũng đang tăng cường tập trung vào khí đốt tự nhiên, đặc biệt là để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong khu vực. Một bước tiến quan trọng của nước này là dự án khí đốt ngoài khơi Structures A&E, được thực hiện với sự hợp tác của Eni.
Dự án dự kiến sẽ đóng góp khoảng 750 triệu feet khối tiêu chuẩn mỗi ngày, giúp bù đắp cho sự sụt giảm sản lượng khai thác ngoài khơi và tăng cường năng lực xuất khẩu và cung ứng trong nước của đất nước.
Libya cũng tái khẳng định cam kết chấm dứt việc đốt bỏ khí trong quá trình khai thác dầu vào năm 2030. Mục tiêu bảo vệ môi trường này phù hợp với các chiến lược khí hậu quốc tế, và hỗ trợ vị thế của Libya là nhà cung cấp năng lượng có trách nhiệm, trong bối cảnh châu Âu chuyển sang nhiên liệu carbon thấp.
Bên cạnh đó, chiến lược năng lượng của Libya còn bao gồm đầu tư vào năng lượng mặt trời, nhằm mục đích giảm sự phụ thuộc vào dầu diesel và dầu nhiên liệu nặng để sản xuất điện. Sự chuyển đổi này sẽ giúp sử dụng hiệu quả hơn trữ lượng khí đốt tự nhiên và mở ra những cơ hội mới cho xuất khẩu.
Ngoài ra, nước này cũng ưu tiên đâu tư vào lĩnh vực thu giữ và lưu trữ carbon (CCS), với tiềm năng ước tính khoảng 1 tỷ đô la Mỹ. Việc tích hợp các công nghệ CCS góp phần bổ sung cho cam kết của Libya đối với phát triển bền vững và tăng trưởng thích ứng với biến đổi khí hậu.
Nhìn chung, vòng cấp phép và các cải cách đi kèm đánh dấu sự thay đổi lớn hơn trong chính sách năng lượng của Libya - cân bằng giữa việc tái phát triển các mỏ dầu truyền thống với tầm nhìn dài hạn về các nguồn năng lượng sạch và đa dạng hơn.
Yến Anh
Libyan Express