Liên kết tạo động lực xây dựng trung tâm kinh tế mạnh giàu của cả nước

Liên kết tạo động lực xây dựng trung tâm kinh tế mạnh giàu của cả nước
3 giờ trướcBài gốc
“Cần tạo ra cơ sở vật chất hiện đại, cơ chế thông thoáng, tương đồng giữa 3 tỉnh. Nếu không thì ngư dân bị thiệt thòi, làm ăn không được, nguồn lợi cạn kiệt, nghề biển thui chột đi. Để bộ phân dân cư ven biển nghèo là lỗi của Nhà nước”.
“Bắc Vân Phong sẽ là khu đô thị du lịch cao cấp còn Nam Phú Yên phát triển công nghiệp. Hai định hướng này sẽ bổ trợ lẫn nhau chứ không giẫm đạp lên nhau. Liên kết sẽ tạo nên sức mạnh cho tiểu vùng, các nhà đầu tư cũng sẽ có nhiều sự lựa chọn để đầu tư. Đây là động lực mạnh mẽ để phát triển. Nếu không sẽ triệt tiêu và kìm hãm sự phát triển”.
“Các điểm đến này có nhiều nét tương đồng, sản phẩm du lịch sẽ thiếu đi sự khác biệt, không phát huy được lợi thế của từng địa phương. Tiểu vùng này có thể phát triển tránh sự chồng lấn về các sản phẩm du lịch. Sự liên kết là xu hướng tất yếu tạo nên sức mạnh tổng thể chung sẽ cạnh tranh với các điểm đến đẳng cấp thế giới.”.
Vừa rồi là các ý kiến của ông Vũ Đình Đáp, Chủ tịch Hiệp hội cá ngừ Việt Nam; ông Lê Hồng Phương, Phó Trưởng ban Ban quản lý Khu Kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa và Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Chí Công, Trưởng khoa Du lịch, Trường Đại học Nha Trang nói về liên kết phát triển giữa 3 tỉnh Nam Trung bộ.
Ngư dân tỉnh Phú Yên khai thác cá ngừ từ huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa
Trong nhiệm kỳ 2020-2025 này, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận đều xác định tập trung phát triển kinh tế biển, từ những lợi thế vượt trội, xác định những hướng đi rõ nét, đặc trưng của địa phương, tránh giẫm chân lẫn nhau.
Đặc biệt, vào tháng 1/2022, Bộ Chính trị có Nghị quyết 09 “Về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”, trong đó nhấn mạnh: “Xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước; khu vực phòng thủ vững chắc, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.
3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có đường bờ biển dài, nhiều đầm, vịnh lớn như Vịnh Cam Ranh
Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Thường trực Tiểu ban Văn kiện Đại hội XIV cho rằng vùng biển Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng, cơ hội, không gian cho các địa phương Nam Trung bộ liên kết phát triển thành trung tâm kinh tế biển giàu mạnh của cả nước.
“Chúng ta hướng vào xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành cơ sở cho kinh tế biển của hậu cần, cho logictics và không chỉ dành riêng cho Khánh Hòa mà cho các tỉnh đánh bắt xa bờ, nhất là sự hiện diện của chúng ta trong bối cảnh hết sức phức tạp. Như vậy là hướng đi đúng của kinh tế biển, đảo theo hướng bền vững. Và không được tách rời sự phát triển của tỉnh Khánh Hòa đối với duyên hải miền Trung và Tây nguyên”, Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Xuân Thắng nói.
Ông Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh
3 tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có nhiều đầm, vịnh, có điều kiện khí hậu thuận lợi để hình thành vùng nuôi trồng thủy sản quy mô lớn của cả nước. Trước mắt, khu vực này đã hình thành những chuỗi kết nối từ các nhà khoa học, nông dân, doanh nghiệp.
Ông Trần Đại Dũng, chủ doanh nghiệp nuôi trồng, xuất khẩu cá mú, tôm hùm tại tỉnh Phú Yên cho biết: “Khánh Hòa đi trước sản xuất con giống, kỹ thuật nuôi trồng vì ở đây có các Viện Khoa học hỗ trợ cho bà con nuôi trồng, sau đó, nhân giống cho bà con Phú Yên nuôi, tăng thêm sản lượng. Sản lượng rất quan trọng buộc phải đi mua ở vùng biển Sông Cầu, tỉnh Phú Yên và Ninh Thuận để đủ sản lượng, đảm bảo hợp đồng lâu dài. Vùng biển cả 3 tỉnh gần nhau, tạo thành một thị trường lớn, sản xuất giá thành sẽ hạ hơn, phát triển tốt hơn”.
Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Phú Yên đang được khẩn trương thi công
Ông Nguyễn Quang Duy, Giám đốc doanh nghiệp rong nho tại tỉnh Khánh Hòa cho biết:“Phú Yên phát triển nông nghiệp biển rất mạnh, còn Ninh Thuận phát triển đặc sản cây trồng. Phối hợp lại giữa nông nghiệp và du lịch, hỗ trợ lẫn nhau sẽ phát triển cả nông nghiệp và du lịch. Doanh nghiệp chúng tôi đang hợp tác liên kết về nông nghiệp, du lịch. Thời gian tới, chúng tôi đẩy mạnh, làm mạnh với doanh nghiệp 3 tỉnh, gắn kết lại nhiều hơn, tiếp tục đầu tư”.
Thời gian gần đây, hạ tầng giao thông kết nối 3 tỉnh này đã được đầu tư mạnh mẽ, mở ra nhiều cơ hội mới trong việc liên kết, hỗ trợ nhau cùng phát triển. Từ đầu nhiệm kỳ, các tỉnh này được Trung ương đầu tư hàng chục ngàn tỷ đồng xây dựng các tuyến đường lớn như cao tốc Bắc - Nam đoạn qua 3 tỉnh có tổng chiều dài gần 300km. Hiện nay, 2 dự án: Nha Trang - Cam Lâm, Cam Lâm - Vĩnh Hảo đã đưa vào khai thác, nối liền 2 tỉnh Khánh Hòa - Ninh Thuận. Đến giữa năm 2025, khi 3 dự án còn lại hoàn thành sẽ rút ngắn thời gian đi lại giữa 3 tỉnh với trung tâm kinh tế trọng điểm phía Nam.
Cảng Nam Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có điều kiện phát triển khi được
Ông Huỳnh Vĩnh Phước, Tổng Giám đốc Công ty Cảng quốc tế Nam Vân Phong cho rằng, hợp lực từ tiềm năng, lợi thế sẽ gia tăng sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp, địa phương:“Nếu như cao tốc Khánh Hòa - Ban Mê Thuột được vận hành sẽ rất tốt cho Cảng Nam Vân Phong. Cao tốc giúp kết nối trục ngang, hành lang Đông - Tây. Các tỉnh Tây Nguyên có nguồn nguyên liệu thô, vận chuyển đến cảng rất thuận lợi. Còn liên kết hướng Bắc - Nam, chúng tôi cũng hy vọng đón thêm lượng hàng từ Phú Yên, Ninh Thuận thông qua tuyến cao tốc Bắc - Nam”.
Trong khi đó, đường ven biển là con đường chung giữa 3 tỉnh cũng đang được thi công khẩn trương, kỳ vọng đánh thức tiềm năng vùng đất phía Đông, nối liền các khu kinh tế ven biển như Nam Phú Yên, Vân Phong. Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên khẳng định, khi các trục dọc và trục ngang giao thông đường bộ hoàn thiện sẽ thúc đẩy tăng cường kết nối, tạo điều kiện thu hút các dự án đầu tư trên phạm vi liên tỉnh và các khu kinh tế ven biển.
“Khánh Hòa thì có Khu Kinh tế Vân Phong cách thành phố Tuy Hòa chỉ 30km. Đấy là lợi thế của Phú Yên, nơi mà làm logistics cho Vân Phong. Khi lập quy hoạch Phú Yên đã chú ý phát triển của Khánh Hòa, Bình Định cũng như các tỉnh Tây Nguyên. Cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Phú Yên đang đẩy nhanh tiến độ cùng với tuyến đường ven biển tạo được một hạ tầng kết nối đồng bộ và thu hút đầu tư sẽ thuận lợi hơn,” ông Phạm Đại Dương nêu rõ.
Ông Phạm Đại Dương, Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên
Hiện nay, hành lang pháp lý liên kết tiểu vùng cũng từng bước được hình thành. Ngày 24/01/2022, Chính phủ ban hành Nghị quyết 57/2022 về các nhiệm vụ, giải pháp hoàn thiện thể chế liên kết vùng kinh tế - xã hội đã xác định: “Thể chế liên kết vùng phải lấy quy hoạch vùng làm cơ sở pháp lý, là trung tâm để điều phối các hoạt động liên kết vùng”. Tiếp theo đó, ngày 26/7/2022, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định 892/2022 phê duyệt Đề án phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển gắn với xây dựng các trung tâm kinh tế biển mạnh thời kỳ đến năm 2030. Đề án này xác định, “Phát triển cụm liên kết ngành kinh tế biển ở Nam Trung Bộ, khu vực trọng điểm phát triển ở Khánh Hòa - Nam Phú Yên gắn với xây dựng thành trung tâm kinh tế biển mạnh có tầm quốc tế cao ở Đông Nam Á”.
Khu vực vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển
Tháng 5/2024, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định phê duyệt quy hoạch vùng Bắc Trung bộ và duyên hải Miền Trung. Quy hoạch này xác định: “Phát triển tiểu vùng Nam Trung bộ trở thành trung tâm công nghiệp năng lượng, dịch vụ du lịch, đô thị ven biển của cả nước”. Trong đó, phát triển Phú Yên và Khánh Hòa thực sự là trung tâm dịch vụ, thương mại, du lịch và giao dịch quốc tế của khu vực với các lợi thế cảng biển và sân bay; Phát triển Ninh Thuận và các khu vực có tiềm năng thành trung tâm năng lượng tái tạo gồm điện gió, điện mặt trời, đặc biệt là điện gió ngoài khơi. Các địa phương được xác định hướng đi dựa trên lợi thế so sánh cụ thể, hài hòa lợi ích nội vùng, hóa giải việc trùng lặp, cạnh tranh bằng mọi giá.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà (áo xanh đậm) động viên đơn vị thi công cao tốc Vân Phong - Nha Trang
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, việc phát triển công nghiệp, dịch vụ kinh tế biển sẽ hỗ trợ vấn đề tiêu thụ năng lượng: “Chúng ta phải phát triển được khu công nghiệp, cụm công nghiệp, chúng ta mới có nhu cầu phụ tải mới tiêu thụ được. Chứ nếu không chúng ta phải tính là dẫn điện đi sang vùng khác, phải có đường truyền tải. Khi đầu tư, phải tính toán, phải đẩy nhanh việc các cơ sở hạ tầng nằm trong tính toán của quy hoạch, vừa phát triển công nghiệp sạch nhưng là vừa là nơi mà để thúc đẩy tiêu thụ năng lượng, giúp chúng ta trở thành khu vực mà giải quyết cái giá trị dịch vụ logistic của cả vùng”.
3 tỉnh Nam Trung bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận có thể liên kết với nhau trên cơ sở xác định thế mạnh của từng địa phương, bổ sung cho nhau, tránh triệt tiêu lẫn nhau trong quá trình phát triển. Nói cách khác, cả 3 địa phương này cần nắm chặt tay nhau tháo gỡ điểm nghẽn, chia sẻ lợi ích và hỗ trợ nhau cùng vươn ra biển lớn. Việc liên kết của 3 địa phương ven biển, nơi đón ánh bình minh đầu tiên của đất nước, chung một con đường sẽ là tiền đề quan trọng cho việc xây dựng khu vực này trở thành trung tâm kinh tế mạnh giàu mang tầm quốc tế.
Cao tốc Bắc - Nam qua tỉnh Khánh Hòa tạo thuận lợi trong giao thông
Việc thúc đẩy liên kết vùng, tiểu vùng luôn là một trong những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu và được nêu lên ở các kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, từ Đại hội VIII đến Đại hội XIII. Đặc biệt từ năm 2015 đến nay, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành đã thể chế hóa chủ trương này thành các chính sách cụ thể, thúc đẩy liên kết vùng.
Đã đến lúc 3 tỉnh Nam Trung bộ gồm Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận và các tỉnh lân cận cần tiếp tục cụ thể hóa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về liên kết vùng bằng các chương trình hành động, kế hoạch hợp tác phù hợp với thực tiễn từng địa phương để phát huy tối đa mọi tiềm năng, nguồn lực, phục vụ cho sự phát triển chung của vùng và cả nước trong kỷ nguyên mới.
Cùng loạt bài: 3 tỉnh Nam Trung bộ liên kết gỡ điểm nghẽn, xây dựng trung tâm kinh tế biển mạnh giàu
Bài 1: “Dàn hàng ngang ra biển, mạnh ai nấy làm”
Bài 2: Liên kết tạo động lực xây dựng trung tâm kinh tế mạnh giàu của cả nước
Thái Bình/ VOV-Miền Trung
Nguồn VOV : https://vov.vn/kinh-te/lien-ket-tao-dong-luc-xay-dung-trung-tam-kinh-te-manh-giau-cua-ca-nuoc-post1137122.vov