Liên minh Mỹ - Nhật lung lay trước sức ép kinh tế và quân sự

Liên minh Mỹ - Nhật lung lay trước sức ép kinh tế và quân sự
8 giờ trướcBài gốc
Máy bay vận tải Osprey V-22 Osprey tại căn cứ mới của GSDF ở tỉnh Saga, Nhật Bản ngày 9/7/2025. Ảnh: Kyodo/TTXVN
Theo tạp chí Foreign Policy ngày 18/7, mối quan hệ đồng minh lâu đời giữa Mỹ và Nhật Bản đang đối mặt với những thử thách chưa từng có, khi các chính sách của Washington và sự quyết đoán ngày càng tăng của Bắc Kinh cùng lúc tạo ra áp lực to lớn lên Tokyo. Từng là trụ cột ổn định tại châu Á, liên minh này giờ đây đang bộc lộ những vết nứt sâu sắc, gây ra sự thất vọng và lo ngại ở cả hai bờ Thái Bình Dương.
Sức ép kinh tế từ Washington: Lá thư gây phẫn nộ
Đầu tháng này, một lá thư từ Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo áp thuế 25% lên tất cả hàng hóa Nhật Bản xuất khẩu sang Mỹ từ ngày 1/8 tới đã gây ra phản ứng mạnh mẽ tại Tokyo. Itsunori Onodera, thành viên cấp cao của Đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền, thẳng thắn tuyên bố nội dung lá thư là "hoàn toàn không thể chấp nhận được" và bày tỏ sự "vô cùng phẫn nộ" trước việc một đồng minh quan trọng bị thông báo bằng cách thiếu tôn trọng như vậy. Cảm giác bị chèn ép hiện rõ rệt, đặc biệt khi Thủ tướng Shigeru Ishiba từng tin rằng ông đã xoa dịu được những yêu cầu cực đoan hơn của chính quyền Trump bằng cách hứa hẹn đầu tư thêm 1 nghìn tỷ USD vào nền kinh tế Mỹ.
Một cuộc thăm dò vào tháng 3 và tháng 4 năm nay cho thấy 81% người Nhật cảm thấy "lo lắng hơn là hy vọng" về nhiệm kỳ thứ hai của Tổng thống Trump, một con số chắc chắn sẽ còn tăng cao trong thời gian tới. Jeff Kingston, Giáo sư tại Đại học Temple ở Tokyo, nhận định chính sách ngoại giao thất thường của Tổng thống Trump đang làm xói mòn niềm tin vào độ tin cậy của Mỹ, đúng vào lúc Tokyo cảm thấy dễ bị tổn thương trước sự trỗi dậy của Trung Quốc.
Trong bối cảnh liên minh với Mỹ lung lay, Nhật Bản còn phải đối mặt với sự quyết đoán quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Vào tuần thứ ba của tháng 6, Trung Quốc đã điều động hai tàu sân bay mới đến Tây Thái Bình Dương, đi qua vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và lần đầu tiên vượt qua "chuỗi đảo thứ hai" – tuyến phòng thủ quan trọng nối Nhật Bản với đảo Guam của Mỹ. Các cuộc tập trận quy mô lớn của Trung Quốc, cùng với việc một máy bay chiến đấu bay sát máy bay do thám của Nhật Bản, đã khiến Tokyo phải chính thức lên tiếng phản đối.
Trước tình hình này, nội các Nhật Bản đã cho phép quân đội bắn hạ thiết bị bay không người lái Trung Quốc nếu xâm phạm không phận – một động thái đối đầu bất thường. Quyết định này được đưa ra chỉ ba ngày sau khi quân đội Nhật Bản tiến hành vụ thử tên lửa chống hạm phóng lần đầu tiên từ lãnh thổ nước này. Ngoài ra, giới tinh hoa chính trị ở Tokyo đang nghi ngờ về liên minh với Washington, đặc biệt khi Tổng thống Mỹ còn chỉ trích Nhật Bản là "tiêu cực" vì chống lại các yêu cầu áp thuế của ông.
Yêu cầu quốc phòng và căng thẳng gia tăng
Căng thẳng không chỉ dừng lại ở thương mại. Nhật Bản đã hủy bỏ các cuộc đàm phán an ninh cấp cao với Mỹ sau khi Washington yêu cầu Tokyo tăng chi tiêu quốc phòng lên 3,5% GDP, thậm chí sau đó là 5%, trong khi Nhật Bản hiện chỉ chi khoảng 1,6%. Yêu cầu này được đưa ra bởi Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ Elbridge Colby, người đã gây báo động ở Tokyo khi tiến hành xem xét lại thỏa thuận AUKUS. Những yêu cầu như vậy khó có thể biến mất, đặc biệt khi chính quyền Trump coi cam kết tăng chi tiêu quốc phòng của châu Âu là một "chiến thắng lớn".
Trong nước, Thủ tướng Ishiba đang đối mặt với cuộc bầu cử thượng viện vào ngày 20/7 trong bối cảnh sự không hài lòng của người dân về lạm phát và thất nghiệp gia tăng. Các cuộc thăm dò dự đoán đảng LDP của ông sẽ mất thế đa số tại Thượng viện, có thể đẩy nước này vào một cuộc khủng hoảng điều hành kéo dài. Việc nhượng bộ hai yêu cầu thương mại chính của Tổng thống Trump – cho phép nhập khẩu gạo Mỹ và mở cửa thị trường ô tô – được coi là hành động "tự sát chính trị" đối với bất kỳ thủ tướng nào, vì chúng sẽ giáng đòn mạnh vào các ngành công nghiệp chủ chốt của Nhật Bản.
Mặc dù có những yêu cầu cấp bách từ Washington, Tokyo vẫn liên tục tăng ngân sách quốc phòng. Sách Trắng của Bộ Quốc phòng Nhật Bản tuần này đã xác định môi trường an ninh hiện nay là bất lợi nhất kể từ sau Thế chiến II, với nhiều hiểm họa và biến động ngày càng gia tăng, đòi hỏi cách tiếp cận ứng phó hoàn toàn mới.
Trong Sách trắng quốc phòng năm nay, Tokyo nhấn mạnh cục diện và cán cân quyền lực toàn cầu đã thay đổi sâu sắc bởi ba nguyên nhân chính: cạnh tranh chiến lược gay gắt giữa các cường quốc, xung đột leo thang tại châu Âu, và việc chính quyền Mỹ chuyển trọng tâm sang khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Theo đó, cuộc cạnh tranh Mỹ - Trung được xem là yếu tố then chốt định hình tình hình khu vực trên mọi phương diện.
Trong bối cảnh đó, Nhật Bản đang nỗ lực xây dựng quan hệ với các nước bạn bè như Australia, Ấn Độ, Philippines và Hàn Quốc, đồng thời tăng cường đầu tư vào công nghệ mới nổi, khả năng phục hồi mạng và an ninh vũ trụ – những lĩnh vực ít phụ thuộc vào sự hiện diện thực tế của Mỹ, theo Ken Jimbo, Giáo sư tại Đại học Keio. Về phần mình, Kunihiko Miyake, Giám đốc nghiên cứu tại Viện Nghiên cứu Toàn cầu Canon, cho rằng Nhật Bản "sớm muộn gì cũng sẽ nói đến con số 3%" cho chi tiêu quốc phòng, vì cần khả năng chiến đấu lâu dài hơn và liên quan đến vận chuyển vật tư trên biển".
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/lien-minh-my-nhat-lung-lay-truoc-suc-ep-kinh-te-va-quan-su-20250719182942820.htm