Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp

Linh hoạt mức đóng bảo hiểm thất nghiệp
5 giờ trướcBài gốc
Cân nhắc bổ sung chủ hộ kinh doanh tham gia bảo hiểm thất nghiệp
Nghị quyết số 28-NQ/TW đặt ra mục tiêu phấn đấu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp. Theo Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, giai đoạn 2015 - 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp tăng qua các năm (bình quân tăng khoảng trên 6%/năm), đến năm 2023, số người tham gia bảo hiểm thất nghiệp chiếm 31,5% lực lượng lao động trong độ tuổi. Do đó, để phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2030 khoảng 45% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm thất nghiệp là một thách thức lớn.
Luật Việc làm hiện nay quy định, đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp chưa bao phủ hết các đối tượng có quan hệ lao động, chưa quy định người lao động có hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp (đây là nhóm có nguy cơ mất việc làm cao và thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc).
Mặt khác, Luật cũng chưa bao phủ đối với nhóm người làm việc không trọn thời gian và một số đối tượng có hưởng lương khác chưa thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp nhưng hiện nay đang thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp gồm: Người lao động có giao kết hợp đồng lao động xác định thời hạn từ 1 tháng trở lên (hiện nay từ 3 tháng trở lên); người làm việc không trọn thời gian, có tiền lương trong tháng bằng hoặc cao hơn tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc thấp nhất, đảm bảo thống nhất với Luật Bảo hiểm xã hội 2024.
Dự thảo Luật Việc lầm (sửa đổi) đã đề xuất mở rộng đối tượng, điều kiện được hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề nghiệp. (Ảnh: Hoàng Phúc)
Thảo luận tại Kỳ họp thứ 8 vừa qua, đại biểu Quốc hội Nguyễn Minh Tâm (Đoàn tỉnh Quảng Bình) thống nhất giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định việc tham gia bảo hiểm thất nghiệp đối với đối tượng khác ngoài đối tượng đã được quy định mà có việc làm, thu nhập ổn định trên cơ sở đề xuất của Chính phủ, phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội qua từng thời kỳ, để đảm bảo tính linh động, chủ động trong quá trình áp dụng.
Đồng thời, đại biểu đề nghị cân nhắc bổ sung chủ hộ kinh doanh của hộ kinh doanh có đăng ký kinh doanh theo quy định vào đối tượng tham gia bảo hiểm thất nghiệp vì đây là nhóm đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định tại Luật Bảo hiểm xã hội và trong quá trình hoạt động kinh doanh thì nhóm đối tượng này cũng có thể gặp khó khăn dẫn đến mất việc làm và thất nghiệp.
Mở rộng điều kiện hỗ trợ người sử dụng lao động
Luật Việc làm hiện hành quy định mức đóng bảo hiểm thất nghiệp của người lao động và người sử dụng lao động cố định là 1% mức tiền lương tháng, dẫn đến chưa đảm bảo tính linh hoạt trong điều chỉnh mức đóng, nhất là trong các trường hợp thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế, suy thoái hoặc khi Quỹ kết dư lớn.
Vì vậy, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội sửa đổi mức đóng bảo hiểm thất nghiệp theo hướng: Người lao động đóng tối đa bằng 1% tiền lương tháng; người sử dụng lao động đóng tối đa bằng 1% quỹ tiền lương tháng của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp; Nhà nước hỗ trợ tối đa 1% quỹ tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp của những người lao động đang tham gia bảo hiểm thất nghiệp và do ngân sách trung ương bảo đảm.
Bên cạnh đó, quy định về điều kiện để hỗ trợ người sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động khá chặt chẽ, dẫn đến người sử dụng lao động khó khăn trong việc tiếp cận được với chế độ này.
Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 1/7/2021 của Chính phủ đã mở rộng một trong các điều kiện hưởng chế độ này theo hướng đơn vị thay đổi cơ cấu công nghệ theo quy định tại khoản 1 Điều 42 Bộ luật Lao động. Đến nay có 66 đơn vị được hỗ trợ 38,87 tỷ đồng từ nguồn Quỹ bảo hiểm thất nghiệp để đào tạo duy trì việc làm cho 8.230 người lao động. Tuy nhiên số doanh nghiệp được hỗ trợ và tiếp cận chế độ còn thấp. Vì vậy, dự thảo Luật đã bổ sung các trường hợp người sử dụng lao động được hỗ trợ và điều kiện hỗ trợ theo hướng tạo thuận lợi dễ tiếp cận chính sách.
Về chính sách hỗ trợ người sử dụng lao động, đại biểu Dương Tấn Quân (Đoàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu) đề nghị xem xét, bổ sung thêm 2 đối tượng là phụ nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi. Vì phụ nữ ở độ tuổi ngoài 40 thường khó duy trì hoặc tìm kiếm cơ hội việc làm mới, bởi nhiều lý do như sự phân biệt về tuổi tác, về kỹ năng nghề nghiệp, văn hóa doanh nghiệp, vấn đề gia đình, sức khỏe...
Đối với người cao tuổi, trong bối cảnh già hóa dân số ngày càng tăng thì việc khuyến khích người cao tuổi còn khả năng lao động tham gia vào thị trường lao động là một giải pháp cần thiết. Tuy nhiên, đối tượng này cũng gặp khó khăn trong việc tiếp cận việc làm do vấn đề tuổi tác, sức khỏe và năng suất lao động.
Do đó, Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ cho người sử dụng lao động khi sử dụng nhiều lao động nữ ngoài 40 tuổi và người cao tuổi nhằm khuyến khích họ tiếp tục sử dụng hoặc có chính sách tuyển dụng, sử dụng đối với đối tượng này.
Giai đoạn 2015 - 2023, cả nước có 256.350 người được hỗ trợ học nghề, bình quân 28.483 người/năm. Chế độ hỗ trợ học nghề theo quy định của Luật Việc làm 2013 mới chỉ tập trung giải quyết được nhu cầu học nghề cho người thất nghiệp mà chưa có giải pháp hỗ trợ cho người lao động được đào tạo, phát triển kỹ năng nghề hoặc nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho người lao động.
Đồng thời, mức hỗ trợ học nghề còn tương đối thấp, chỉ hỗ trợ học phí học nghề, chưa có các hỗ trợ khác trong thời gian học nghề dẫn đến khó khăn trong việc tham gia học nghề nhất là với những người bị mất việc làm nhưng không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Phương Thảo
Nguồn LĐTĐ : https://laodongthudo.vn/linh-hoat-muc-dong-bao-hiem-that-nghiep-181908.html