Shinsuke Sakimoto nhấn mạnh rằng việc sở hữu chiếc túi Hermès Birkin nguyên bản trị giá 10 triệu USD không phải để tìm kiếm lợi nhuận.
Chiếc túi Hermès Birkin nguyên bản, biểu tượng thời trang được tạo ra cho nữ diễn viên Jane Birkin, đã tìm được chủ nhân mới tại phiên đấu giá của Sotheby’s ở Paris (Pháp) hồi đầu tháng 7.
Shinsuke Sakimoto, Giám đốc Điều hành của Valuence Holdings Inc., công ty chuyên kinh doanh hàng xa xỉ, đã tiết lộ ông chính là người mua chiếc túi Hermès Birkin trị giá 10 triệu USD trong một cuộc phỏng vấn với Khaleej Times vào ngày 14/7.
Chiếc túi da đen thủ công này đã lập kỷ lục với mức giá 8,6 triệu euro (tương đương hơn 10 triệu USD, bao gồm phí).
Bản Birkin huyền thoại này được Jean-Louis Dumas, khi đó là CEO của Hermès, thiết kế riêng vào năm 1984 dành cho biểu tượng thời trang Jane Birkin, dựa trên sự hợp tác với chính nữ diễn viên. Trước đây, chiếc túi từng được bán đấu giá tại Paris (Pháp) vào năm 2000 và nằm trong bộ sưu tập tư nhân tại Pháp cho đến phiên đấu giá gần đây.
Ban đầu, Sotheby’s chỉ công bố người mua là một nhà sưu tập Nhật Bản giấu tên. Tuy nhiên, Sakimoto đã công khai danh tính, chia sẻ rằng việc sở hữu chiếc túi là “một cột mốc cá nhân” và “khoảnh khắc định hình” cho Valuence, công ty do ông thành lập vào năm 2011.
CEO Valuence Japan tham dự buổi đấu giá Sotheby’s Paris từ xa.
Valuence, cùng với thương hiệu tiền thân Nanboya, cửa hàng chuyên kinh doanh hàng xa xỉ đã qua sử dụng, là đơn vị tiên phong trong khái niệm “thời trang xa xỉ tuần hoàn” mà Sakimoto định nghĩa là hình thức tiêu dùng xa xỉ bền vững và có đạo đức, mang đến “cuộc sống thứ hai” cho những món đồ cao cấp. Công ty tổ chức các phiên đấu giá riêng và kinh doanh các sản phẩm nghệ thuật, đồng hồ cổ, cùng hàng xa xỉ được thẩm định.
Hiện nay, Valuence sở hữu các showroom tại Tokyo, Osaka, Nagoya (Nhật Bản), cùng các không gian flagship tại Paris (Pháp), New York (Mỹ) và Singapore.
Theo Sakimoto, thương vụ kỷ lục này đồng thời là sự tôn vinh di sản của một trong những biểu tượng thời trang danh giá nhất.
“Với tôi, việc đảm bảo kiệt tác này thuộc về một công ty trân trọng câu chuyện của nó và sẵn sàng chia sẻ câu chuyện đó với thế giới là điều quan trọng. Chúng tôi tự hào, xúc động và tràn đầy hào hứng cho những kế hoạch phía trước", ông chia sẻ.
Sakimoto xem chiếc túi Birkin là hiện thân của sứ mệnh Valuence, đồng thời để ngỏ khả năng ông có thể đưa món đồ này vào danh mục kinh doanh của công ty. Ông cũng tiết lộ kế hoạch trưng bày chiếc túi tại Nhật Bản trong tương lai.
Shinsuke Sakimoto (sinh năm 1983), hiện là CEO và Chủ tịch Valuence Japan, từng là một cầu thủ bóng đá chuyên nghiệp Nhật Bản. Ngay sau khi tốt nghiệp trung học, ông gia nhập CLB Gamba Osaka với vai trò tiền vệ vào năm 2001, ra mắt tại J1 League khi mới 19 tuổi. Tuy nhiên, với dàn tiền vệ tài năng của Gamba Osaka, huấn luyện viên Akira Nishino thông báo không gia hạn hợp đồng với Sakimoto vào năm 2003.
Sau đó, ông chuyển đến Sagawa Express Osaka để tiếp tục sự nghiệp, nhưng đã quyết định giải nghệ vào mùa giải 2004 ở tuổi 22.
Sau khi tích lũy kinh nghiệm quản lý tại cửa hàng đồ cũ của gia đình, Sakimoto thành lập Nanboya, công ty chuyên thu mua hàng xa xỉ, vào năm 2007.
Đến năm 2011, ông sáng lập Valuence Japan, với Nanboya là công ty con chủ lực, và đảm nhận vai trò giám đốc đại diện. Dưới sự dẫn dắt của ông, Valuence mở rộng sang quản lý đấu giá, kinh doanh nghệ thuật và đồ cổ, trở thành một tên tuổi lớn trong ngành hàng xa xỉ đã qua sử dụng.
Ngoài vai trò lãnh đạo, Shinsuke Sakimoto còn là một người chồng, người cha của hai đứa con. Ông thường xuyên tham gia các cuộc thi marathon và ba môn phối hợp, đam mê theo dõi các giải đấu thể thao và sưu tầm các tác phẩm nghệ thuật.
Như Phương
Ảnh: @shinsukesakimoto/IG