Bước chuyển từ chủ trương đến thực tiễn
Trước yêu cầu ngày càng cao về chất lượng nguồn nhân lực và sự thay đổi nhanh chóng của thị trường lao động, Sở GD&ĐT đã xác định công tác hướng nghiệp và phân luồng học sinh là một nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt trong giáo dục trung học. Từ chủ trương lớn theo tinh thần Nghị quyết số 29- NQ/TW của Trung ương Đảng, Sở GD&ĐT triển khai đồng bộ nhiều giải pháp thiết thực để giúp học sinh THCS và THPT có định hướng đúng đắn trong việc lựa chọn nguyện vọng học tập, thi tuyển vào lớp 10 và xét tuyển đại học phù hợp với năng lực cá nhân, nhu cầu xã hội.
Cha mẹ đồng hành cùng con trong việc đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn lựa chọn chuyên đề học tập năm học 2025 - 2026.
Trên toàn tỉnh (bao gồm Phú Thọ, Vĩnh Phúc và Hòa Bình cũ), ngành Giáo dục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tư vấn hướng nghiệp ngay từ cấp THCS, đặc biệt trong các năm cuối cấp. Các cơ sở giáo dục được chỉ đạo lồng ghép nội dung hướng nghiệp vào chương trình chính khóa, các buổi sinh hoạt chuyên đề, tiết học trải nghiệm, giáo dục hướng nghiệp và hoạt động ngoại khóa. Nhiều trường đã sáng tạo triển khai các mô hình mô phỏng nghề nghiệp như “Một ngày làm kỹ sư”, “Trải nghiệm nghề giáo viên”... nhằm giúp học sinh hiểu rõ hơn về đặc điểm ngành nghề, môi trường làm việc thực tế, từ đó có cái nhìn thực tiễn và đúng đắn hơn trong việc lựa chọn tương lai.
Sở GD&ĐT đổi mới nội dung và hình thức giáo dục hướng nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc khảo sát năng lực, sở trường, hỗ trợ tư vấn lựa chọn tổ hợp môn và ngành học thông qua nền tảng trực tuyến. Các dữ liệu về thông tin tuyển sinh, xu hướng nghề nghiệp, tổ hợp môn xét tuyển được công khai minh bạch trên Cổng thông tin điện tử của Sở, giúp học sinh và phụ huynh dễ dàng tra cứu, so sánh và đưa ra quyết định phù hợp.
Đặc biệt, việc lựa chọn nguyện vọng vào lớp 10 hay xét tuyển đại học không còn là sự lựa chọn đơn lẻ mà là kết quả của một quá trình tư vấn bài bản với sự đồng hành chặt chẽ giữa nhà trường, gia đình và xã hội. Các trường THPT duy trì hiệu quả hoạt động của tổ tư vấn học đường; các hội thảo như “Đồng hành cùng con trong lựa chọn nghề nghiệp” giúp phụ huynh tiếp cận thông tin, hiểu rõ năng lực của con và tránh áp đặt chủ quan.
Đồng chí Trần Minh Tuấn, Phó Giám đốc Sở GD& ĐT cho biết: “Thành quả bước đầu trong công tác phân luồng, hướng nghiệp được thể hiện rõ qua từng con số: Mỗi năm, tỉnh có khoảng 30- 40% học sinh tốt nghiệp THCS tiếp tục học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và khoảng 25- 30% học sinh tốt nghiệp THPT theo học các cơ sở đào tạo nghề cao đẳng. Đây là một thành công lớn trong việc triển khai Kế hoạch hướng nghiệp và phân luồng học sinh giai đoạn 2018- 2025, theo Quyết định số 522/QĐ- TTg của Thủ tướng Chính phủ. Con số này cho thấy sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức xã hội về giá trị của các loại hình học tập sau THCS”. Bên cạnh đó, xu hướng lựa chọn tổ hợp môn thi và xét tuyển đại học của học sinh trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều thay đổi phù hợp thực tiễn, nhu cầu xã hội. Các tổ hợp có tính ứng dụng và khả năng cạnh tranh cao như A00 (Toán - Lý - Hóa), D01 (Toán - Văn - Anh), C01 (Văn - Toán - Lý) ngày càng được ưu tiên. Những ngành nghề mới nổi và có nhu cầu cao như công nghệ thông tin, logistics, kỹ thuật điều khiển - tự động hóa, y tế cộng đồng... được học sinh quan tâm nhiều hơn, thể hiện sự dịch chuyển tích cực trong tư duy lựa chọn nghề nghiệp của thế hệ trẻ.
Không chỉ tập trung ở các trung tâm đô thị, công tác hướng nghiệp còn được mở rộng đến các khu vực vùng sâu, vùng xa, trong đó có các địa phương thuộc Hòa Bình cũ sau sáp nhập. Việc tổ chức các ngày hội tư vấn hướng nghiệp lưu động, kết nối các trường đại học, cơ sở giáo dục nghề nghiệp với học sinh ở nông thôn và miền núi đã trở thành giải pháp thiết thực nhằm đảm bảo cơ hội học tập, tiếp cận thông tin bình đẳng cho mọi học sinh trên địa bàn toàn tỉnh.
Tạo nền tảng vững chắc
Trong hệ thống giáo dục của tỉnh, Trường Đại học Hùng Vương giữ vai trò chủ lực trong công tác hướng nghiệp với nhiều chương trình tư vấn sát thực. Với phương châm “Hiểu mình - Hiểu nghề - Chọn đúng ngành”, nhà trường tổ chức thường niên các ngày hội tư vấn tuyển sinh, hội thảo chuyên đề, chương trình trải nghiệm nghề nghiệp ngay tại các trường THPT trong và ngoài tỉnh. Tiến sĩ Đỗ Khắc Thanh, Hiệu trưởng Trường Đại học Hùng Vương nhấn mạnh: “Chúng tôi tập trung gắn đào tạo với nhu cầu thực tiễn, xã hội. Việc mở các ngành học mới như Kinh tế kinh doanh số, Công nghệ bán dẫn, Chăn nuôi - Thú y, Tự động hóa và hệ thống thông minh, Ngôn ngữ Trung Quốc... không chỉ đáp ứng xu hướng chuyển đổi số mà còn mở rộng cơ hội việc làm cho sinh viên sau khi tốt nghiệp.”
Ở bậc phổ thông, Trường THPT Việt Trì, phường Việt Trì cũng là đơn vị đi đầu trong công tác định hướng học sinh từ sớm. Ngay sau kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 năm học 2025-2026, nhà trường tổ chức hội nghị tư vấn đăng ký nguyện vọng tổ hợp môn lựa chọn, chuyên đề học tập cho học sinh trúng tuyển vào ngày 13/7. Theo Hiệu trưởng Phạm Thị Thu Huyền, lựa chọn tổ hợp môn học phù hợp không chỉ giúp học sinh học tập hiệu quả mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến cơ hội xét tuyển đại học và định hướng nghề nghiệp trong tương lai. Nhà trường thường xuyên tổ chức tọa đàm, hoạt động trải nghiệm và tư vấn cá nhân nhằm hỗ trợ học sinh lựa chọn ngành học đúng sở trường, phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội.
Cuối tháng 5 vừa qua, Trường Đại học Hùng Vương đã tổ chức tư vấn chọn ngành học cho học sinh khối 12 ở một số trường THPT khu vực tỉnh Hòa Bình cũ.
Những chuyển động tích cực từ các cơ sở giáo dục như Trường Đại học Hùng Vương, Trường THPT Việt Trì cùng nhiều trường phổ thông khác trên địa bàn toàn tỉnh đang tạo nền tảng vững chắc để học sinh được phát triển toàn diện, hình thành tư duy độc lập, chủ động xây dựng kế hoạch học tập và nghề nghiệp cho bản thân.
Em Phạm Xuân Tùng, thủ khoa Trường THPT Trần Phú (phường Vĩnh Phúc) với 27,5 điểm, chia sẻ rằng em chọn tổ hợp khối D (Toán, Văn, Anh) với định hướng theo ngành kinh tế trong tương lai. Theo Tùng, việc lựa chọn ngành nghề không chỉ là mục tiêu cá nhân mà còn cần gắn với nhu cầu phát triển của đất nước, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập và chuyển đổi số. Nhiều học sinh hiện nay còn thiếu định hướng dài hạn, dễ rơi vào tình trạng “đúng trường, sai ngành”. Vì vậy, sự đồng hành của cha mẹ, thầy cô và nhà trường là vô cùng cần thiết để giúp chúng em xác định rõ con đường lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho sự phát triển của xã hội.Trong thời đại hội nhập sâu rộng và phát triển bền vững, việc chọn ngành, chọn nghề không còn là quyết định nhất thời mà là bước khởi đầu quan trọng trên hành trình lập thân, lập nghiệp, đóng góp cho quê hương, đất nước. Xác định rõ điều này, ngành Giáo dục tỉnh tiếp tục đổi mới nội dung và phương pháp giảng dạy hướng nghiệp; tăng cường hợp tác với doanh nghiệp và các tổ chức xã hội; xây dựng cơ sở dữ liệu nghề nghiệp cập nhật; phát triển đội ngũ tư vấn chuyên sâu; mở rộng phân luồng linh hoạt; điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn; chú trọng nâng cao chất lượng giáo dục vùng sâu, vùng xa.
Với những nỗ lực đó, thế hệ học sinh Phú Thọ hôm nay sẽ vững vàng bước vào tương lai, chủ động hội nhập quốc tế, góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và của đất nước trong thời kỳ đổi mới, công nghiệp hóa - hiện đại hóa và chuyển đổi số.
Anh Thơ