Sáng 23-11, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM đã tổ chức tọa đàm "Lý luận phê bình văn học, nghệ thuật TP.HCM 50 năm sau ngày đất nước thống nhất: Thực trạng và giải pháp".
Toàn cảnh tọa đàm
Thiếu lực lượng lý luận phê bình
Bà Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM nhìn nhận vai trò của lý luận phê bình văn học nghệ thuật thực sự cần thiết.
Bà Phạm Phương Thảo, Nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP.HCM
"Chúng ta đang thiếu vắng lực lượng phê bình văn học nghệ thuật và cũng đang đứng trước một nghịch lý, đó là ở TP.HCM trường đào tạo thì nhiều nhưng tuyển sinh lại không được bao nhiêu, thậm chí là không có…" – bà Thảo nói.
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội nhà văn TP.HCM
Nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn TP.HCM cũng cho biết công tác lý luận phê bình đối với lĩnh vực văn học chưa đi kịp với đời sống. Sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung thậm chí là nó còn lùi phía sau và đa số những vấn đề nóng bỏng gay gắt…
"Vào thời điểm văn học nghệ thuật cần đội ngũ lý luận phê bình lên tiếng thì đội ngũ này rất chậm chạp, e dè ngơ ngác" - nhà văn Bích Ngân nói.
TS Hà Thanh Vân phát biểu tại tọa đàm.
"Qua nhiều lần chấm luận văn, luận án… tôi thấy những người làm lý luận phê bình đang giảng dạy tại các trường ĐH hay viện nghiên cứu thường ít quan tâm đến những vấn đề nóng của xã hội. Vì vậy cần có sự đổi mới phát huy thế mạnh của lực lượng này" - TS Hà Thanh Vân chia sẻ.
Giải pháp cho lý luận phê bình thời kỳ mới
Phát biểu kết thúc tọa đàm, ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM, cho biết kết quả tọa đàm là cơ sở tin cậy để Hội đồng Lý luận, phê bình văn học nghệ thuật TP.HCM báo cáo Thường trực Thành ủy việc thực hiện Kế hoạch “Tổng kết 50 năm Văn học, nghệ thuật Thành phố Hồ Chí Minh sau ngày đất nước thống nhất”.
Ông Phan Nguyễn Như Khuê, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TP.HCM.
Theo ông Khuê, kế hoạch này là cơ sở để Hội đồng tham mưu lãnh đạo thành phố xây dựng chiến lược phát triển văn học nghệ thuật trong tình hình mới. Qua đó, gợi mở cho các cơ quan, đơn vị, các hội văn học nghệ thuật thành phố đổi mới phương thức lãnh đạo, quản lý; có những quyết sách phù hợp nhằm phát triển văn học nghệ thuật.
"Bên cạnh việc không ngừng nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của văn hóa, văn học nghệ thuật, công tác lý luận phê bình, chúng ta cần tăng cường nội lực của nhà lý luận phê bình bằng sự đổi mới cơ chế, chính sách, chú ý đãi ngộ, tôn trọng tự do sáng tạo, đổi mới, tạo điều kiện cho tác phẩm văn học nghệ thuật phục vụ tốt hơn, hiệu quả hơn cho đời sống tinh thần của xã hội..." - ông Khuê chia sẻ.
Các đại biểu trao đổi tại tọa đàm.
Dấu hiệu khởi sắc của lĩnh vực văn chương
Nhà văn Bích Ngân nhìn nhận thời gian qua, trong lĩnh vực văn chương đã có nhiều cây bút xông xáo đi đầu trong lĩnh vực phê bình như TS Hà Thanh Vân.
"Khi phim Đất rừng phương Nam ra mắt, có những vấn đề còn lấn cấn, TS Hà Thanh Vân có viết một bài bình trên trang Facebook cá nhân, làm cho ngày hôm sau Hội đồng thẩm định phải họp khẩn cấp để sửa những chi tiết có thể gây ảnh hưởng đến giá trị văn hóa của Việt Nam.
Hay như TS Đào Lê Na, một tác giả rất có trách nhiệm đối với đời sống văn chương văn học nghệ thuật. Để có những bài viết như vậy, các tác giả phải đi kịp với đời sống, tìm tòi làm sao để có được một trữ lượng kiến thức dồi dào sâu sắc mở rộng".
Bên cạnh đó, nhà văn Bích Ngân cũng đề cập đến đội ngũ lý luận phê bình là những người sáng tạo ra tác phẩm như nhiếp ảnh gia Trần Quốc Dũng, họa sĩ Trần Thanh Cẩm… Trong lĩnh vực văn chương, những tác giả có tác phẩm hay những người có kiến văn sâu sắc, họ cũng viết những bài lý luận phê bình.
VĂN HÀ