Các binh sĩ Serbia tập trung tại một cơ sở để chuẩn bị cho hoạt động quân sự. Ảnh: Chính phủ Serbia (srbija.gov.rs)
Theo Đài phát thanh châu Âu tự do (rferl.org), Serbia, một quốc gia ứng cử viên gia nhập Liên minh châu Âu (EU), đang chuẩn bị tiến hành cuộc tập trận quân sự chung với Trung Quốc mang tên "Người gìn giữ hòa bình 2025" vào nửa cuối tháng 7 tại tỉnh Hà Bắc, miền bắc Trung Quốc. Sự kiện này đã ngay lập tức gây ra phản ứng dữ dội từ Brussels, làm nổi bật những căng thẳng trong mối quan hệ giữa Serbia và EU, cũng như những lo ngại về ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực Balkan.
Mối quan hệ phức tạp của Serbia và chính sách đối ngoại "đa hướng"
Serbia duy trì chính sách trung lập về quân sự và là thành viên của chương trình "Đối tác vì hòa bình" của NATO. Tuy nhiên, Serbia đã và đang theo đuổi chính sách đối ngoại cân bằng giữa phương Tây, Trung Quốc và Nga – quốc gia hiện đang chịu lệnh trừng phạt của phương Tây do cuộc xung đột ở Ukraine. Chính sách thân thiện của Serbia đối với Bắc Kinh và Moskva đã nhiều lần gióng lên hồi chuông cảnh báo ở Brussels.
Với tư cách là một quốc gia ứng cử viên gia nhập EU, Serbia được yêu cầu phải điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình phù hợp với chính sách chung của khối. Người phát ngôn của EU đã nhấn mạnh rằng khối này cần biết liệu có thể tin tưởng Serbia là đối tác châu Âu đáng tin cậy, cam kết theo đuổi các nguyên tắc, giá trị và an ninh chung hay không. "Chúng tôi cần Serbia đảm bảo với chúng tôi về định hướng chiến lược của mình", người phát ngôn EU cho biết.
Trong khi đó, nhà phân tích an ninh Nikola Lunic cảnh báo rằng các cuộc tập trận chung với Trung Quốc "làm suy yếu định hướng EU mà Serbia tuyên bố" và "khả năng tương tác giữa các đơn vị Serbia và Trung Quốc gửi đi một thông điệp rõ ràng tới phương Tây".
Lo ngại về ảnh hưởng quân sự và công nghệ của Trung Quốc
Sự hợp tác quân sự giữa Serbia và Trung Quốc đã thể hiện rõ qua các thương vụ mua sắm vũ khí gần đây. Năm 2020, quân đội Serbia đã mua sáu máy bay không người lái CH-92A và năm 2022, Serbia trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên sở hữu hệ thống phòng không tiên tiến FK-3 của Trung Quốc. Cuối năm 2024, Serbia xác nhận quân nhân Serbia đã được đào tạo tại Trung Quốc về hệ thống FK-3.
Mỹ và EU đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về việc Serbia mua vũ khí của Nga và Trung Quốc, đặc biệt là sau cuộc xung đột toàn diện của Nga với Ukraine vào tháng 2/2022. Sau khi cuộc xung đột nổ ra, Serbia đã áp đặt lệnh tạm dừng các cuộc tập trận quân sự chung với các đối tác nước ngoài, ngoại trừ cuộc tập trận quốc tế "Sói bạch kim" với sự tham gia của một số thành viên NATO, bao gồm cả Mỹ.
Ngoài ra, chuyên gia Vuk Vuksanovic thuộc Trung tâm Chính sách An ninh Belgrade chỉ ra rằng sự hợp tác an ninh giữa Belgrade và Bắc Kinh còn thể hiện qua việc tăng cường trao đổi giáo dục quân sự và cảnh sát, cũng như việc Serbia nhanh chóng áp dụng công nghệ giám sát và thiết bị cảnh sát của Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc
Đối với Trung Quốc, các hoạt động hợp tác quân sự như "Người gìn giữ hòa bình 2025" phục vụ hai lợi ích chính: tích lũy kinh nghiệm hoạt động quốc tế và nâng cao vị thế là một cường quốc. Điều này đặc biệt quan trọng khi các quốc gia EU khác thường phản đối việc tăng cường quan hệ đối tác với quân đội Trung Quốc. Cuộc tập trận chung với Serbia đại diện cho một chương mới trong chính sách ngoại giao quân sự của Bắc Kinh với châu Âu, sau các cuộc tập trận chung tập trung vào hoạt động nhân đạo với Đức năm 2019 và các cuộc tập trận chống khủng bố với Belarus năm 2024.
Cùng với đó, khu vực Balkan đã trở nên quan trọng về mặt chiến lược đối với Trung Quốc, quốc gia đã đầu tư vào các dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn tại đây. Chuyến thăm Serbia của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 5/2024 đã dẫn đến tuyên bố tăng cường quan hệ đối tác chiến lược và "xây dựng một cộng đồng Serbia-Trung Quốc cùng chung vận mệnh trong kỷ nguyên mới". Trung Quốc hiện là đối tác thương mại hàng đầu của Serbia về nhập khẩu, với kim ngạch 5,13 tỷ euro (5,95 tỷ USD) được ghi nhận vào năm 2024, và vẫn là nguồn đầu tư, cho vay và hỗ trợ ngoại giao quan trọng tại các tổ chức quốc tế.
Nói về cuộc tập trận lần đầu tiên với Serbia, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, Đại tá Jiang Bin, nêu rõ trên trang web của bộ này (eng.mod.gov.cn): "Đây sẽ là cuộc tập trận chung đầu tiên giữa quân đội Trung Quốc và Serbia. Nó sẽ giúp tăng cường năng lực chiến đấu của các binh sĩ tham gia và làm sâu sắc thêm sự hợp tác giữa quân đội hai nước".
Có thể thấy phản ứng dữ dội của EU đối với cuộc tập trận Serbia - Trung Quốc là một minh chứng cho sự căng thẳng trong mối quan hệ giữa Brussels và Belgrade. EU mong muốn Serbia điều chỉnh chính sách đối ngoại của mình phù hợp với các giá trị và nguyên tắc của khối, đặc biệt là trong bối cảnh địa chính trị phức tạp hiện nay. Trong khi đó, Serbia tiếp tục theo đuổi chính sách đối ngoại "đa hướng" nhằm tối đa hóa đòn bẩy và sự độc lập của mình.
Vũ Thanh/Báo Tin tức và Dân tộc