Cập nhật vào đầu giờ sáng nay trên thị trường New York, giá vàng thế giới hạ hơn 1%. Giá vàng thế giới giao ngay hạ 1,2% xuống 2.684,15USD/ounce. Giá vàng thế giới giao hợp đồng tương lai mất 1,7% giá trị xuống 2.709,4USD/ounce.
Ngay khi giá vàng thế giới lên sát ngưỡng 2.700USD/ounce, làn sóng chốt lời của nhà đầu tư lập tức diễn ra - Ảnh: PHI HÙNG
Giá cả tại Mỹ tăng nóng, thị trường lao động yếu đi
Theo phân tích của các chuyên gia trên thị trường vàng, nguyên nhân chính khiến giá vàng thế giới giảm chính là làn sóng chốt lời của nhiều nhà đầu tư ngay khi giá vàng lên sát ngưỡng tâm lý quan trọng 2.700USD/ounce. Trong phiên liền trước, giá vàng thế giới tăng lên ngưỡng cao nhất tính từ ngày 6-11.
Chuyên gia phân tích thị trường tại quỹ OANDA, ông Zain Vawda, phân tích: “Về dài hạn, tiềm năng tăng của giá vàng thế giới vẫn lớn, dù rằng việc giá vàng thế giới điều chỉnh trước thềm quyết định chính sách tiền tệ của Fed vào tuần tới sẽ vẫn xảy ra”.
Sự quan tâm của nhà đầu tư trên thị trường vàng thế giới hiện giờ sẽ không chỉ là Fed quyết định ra sao trong cuộc họp lần này mà còn là Fed nói gì về định hướng chính sách trong thời gian tới, yếu tố quan trọng quyết định sự bền vững của đà tăng giá vàng.
Kết quả khảo sát ý kiến chuyên gia của CME's FedWatch cho thấy khả năng Fed hạ lãi suất trong tháng 12 ước tính 98%.
Trưởng bộ phận hoạt động tại quỹ Allegiance Gold, ông Alex Ebkarian, nhận định: “Dù rằng khả năng Fed hạ lãi suất trong tuần sau đã trở nên gần như chắc chắn, việc Fed nói gì về định hướng tương lai sẽ vô cùng quan trọng”.
Trong tuần này, loạt chỉ số giá cả mới công bố cho thấy tình hình lạm phát tại Mỹ vẫn tăng nóng. Số liệu của chỉ số giá sản xuất và chỉ số giá tiêu dùng đều cho thấy giá cả tại Mỹ vẫn tăng cao hơn so với kỳ vọng.
Tuy nhiên, cùng lúc đó, thị trường lao động Mỹ đang khó khăn. Số lượng người Mỹ nộp đơn xin trợ cấp thất nghiệp lần đầu tăng mạnh cho thấy Fed sẽ vẫn buộc phải hạ lãi suất trong tuần sau dù rằng lạm phát Mỹ vẫn chưa thể về ngưỡng mục tiêu 2% theo định hướng của Fed.
Ngân hàng Standard Chartered nhận định về hướng diễn biến của đồng USD
Tại thị trường trong nước, giá vàng miếng SJC giao dịch ở mức 84,60 – 87,10 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra), như vậy so với 24h trước, giá vàng miếng SJC hạ khoảng 200 nghìn đồng/lượng.
Tính theo mức đóng cửa gần nhất của giá vàng thế giới, quy đổi theo tỉ giá bán USD của ngân hàng Vietcombank, giá vàng thế giới tương đương 83,27 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng miếng SJC 3,83 triệu đồng/lượng.
Giá vàng nhẫn SJC giao dịch ở mức 84,50 – 85,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng miếng Kim Bảo 999.9 tại Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) giao dịch ở mức 84,80 85,90 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Giá vàng Kim Gia Bảo nhẫn ép vỉ giao dịch ở mức 84,46 – 86,16 triệu đồng/lượng (mua vào – bán ra).
Tỉ giá USD tại ngân hàng Vietcombank giao dịch ở mức 25.141 – 25.471 đồng/USD.
Ngày 12-12-2024, ngân hàng Standard Chartered đã công bố báo cáo cập nhật kinh tế mới nhất về Việt Nam, trong đó có dự báo đồng USD tăng mạnh lên trong năm 2025 nhưng sẽ suy yếu trong thời gian đầu năm.
Chuyên gia Standard Chartered dự báo đồng USD dự kiến sẽ tăng mạnh vào nửa cuối năm 2025 khi các chính sách thuế quan và biện pháp tài khóa dưới nhiệm kỳ thứ 2 của Tổng Thống Trump (Trump 2.0) được làm rõ và triển khai. Lạm phát kéo dài cùng các yếu tố cấu trúc như hiệu quả kinh tế sẽ tác động đến thị trường ngoại hối, với động lực chính là chênh lệch tỷ giá.
Về lâu dài, tính bền vững của các biện pháp kích thích vĩ mô sẽ ảnh hưởng đến sức mạnh của đồng USD. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước có thể chuyển sang các tài sản có khả năng phòng ngừa lạm phát nếu tình trạng bất ổn vẫn tiếp diễn.
NGỌC DIỆP