Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó

Mang nước sạch đến đồng bào vùng khó
5 giờ trướcBài gốc
Nước sạch về làng
Trước đây, 56 hộ dân người Bana ở thôn O11, xã Ân Tường không có nguồn nước sinh hoạt ổn định. Vào mùa khô, nhiều hộ phải đi hàng cây số để lấy từng can nước từ các khe suối về dùng. Trước thực trạng đó, năm 2024, UBND huyện Hoài Ân (cũ) đã đầu tư hơn 4 tỷ đồng từ nguồn vốn Dự án 1 để nâng cấp, sửa chữa hệ thống nước sạch tự chảy từ suối Thác Đổ để cung cấp nước sinh hoạt ổn định cho các hộ dân.
Nhờ hệ thống nước tự chảy do UBND huyện Hoài Ân (cũ) đầu tư, người dân thôn O11 (xã Ân Tường) có nguồn nước hợp vệ sinh sử dụng, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ảnh: D.Đ
Chị Đinh Thị Tiên (người Bana, ở thôn O11) chia sẻ: “Trước đây, gia đình tôi phải đi xa gánh nước về sử dụng, mùa khô thì càng khổ hơn. Giờ có nguồn nước tự chảy về đến tận nhà, việc sinh hoạt của gia đình thuận tiện hơn nhiều. Chúng tôi rất biết ơn Nhà nước đã quan tâm, hỗ trợ người dân có nguồn nước ổn định, hợp vệ sinh để yên tâm lao động, sản xuất”.
Theo ông Đinh Văn Duốt-Trưởng thôn O11, khi có nước sạch sử dụng, người dân trong thôn yên tâm hơn trong sinh hoạt và sản xuất. Để bảo vệ nguồn nước, Ban Quản lý công trình nước sạch của thôn thường xuyên vận động bà con không chăn thả gia súc gần suối đầu nguồn, tăng cường trồng rừng, dọn vệ sinh quanh bể chứa và sử dụng nước tiết kiệm nhằm đảm bảo đủ dùng lâu dài cho cả cộng đồng.
Tương tự, tại làng Kà Nâu (xã Canh Liên), nhiều năm trước người dân cũng rơi vào cảnh “khát nước” triền miên. Mùa khô, suối cạn, giếng không đào được do địa hình có nhiều đá ngầm, khiến sinh hoạt của gần 90 hộ dân gặp nhiều khó khăn. Tháng 3.2023, từ nguồn vốn Dự án 1, UBND xã đã đầu tư gần 2,75 tỷ đồng xây dựng hệ thống nước tự chảy từ suối Đác Toát. Công trình sau khi đi vào vận hành đã mang lại thay đổi rõ rệt trong đời sống người dân.
Chị Đinh Thị Hlay (dân tộc Bahnar, ở làng Kà Nâu) chia sẻ: “Sau khi công trình nước tự chảy hoàn thành, gia đình tôi đã xin Ban Quản lý làng cho đấu nối đường ống dẫn nước về nhà, rồi vay thêm vốn từ Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH Vân Canh để lắp máy lọc nước, cải tạo nhà vệ sinh... Giờ sinh hoạt thuận tiện lắm, sức khỏe cả nhà tốt lên thấy rõ”.
Đáp ứng nhu cầu, cải thiện cuộc sống
Theo Sở Dân tộc và Tôn giáo, trong giai đoạn 2021-2025, từ nguồn vốn Dự án 1, toàn tỉnh đã đầu tư xây dựng 18 công trình cấp nước sinh hoạt tập trung, mang lại lợi ích thiết thực cho gần 4.000 hộ dân. Đồng thời, hỗ trợ thiết bị cấp nước sinh hoạt phân tán cho hơn 9.200 hộ ở các xã vùng sâu, vùng xa.
Các công trình nước sinh hoạt tự chảy không chỉ đáp ứng nhu cầu thiết yếu về nước sạch, mà còn góp phần cải thiện sức khỏe cộng đồng, nâng cao chất lượng sống và vệ sinh môi trường. Đặc biệt, trong bối cảnh sáp nhập các đơn vị hành chính, quy mô địa bàn mở rộng, việc quản lý và duy tu công trình càng trở nên cấp thiết.
Gia đình chị Đinh Thị Hlay (ở làng Kà Nâu, xã Canh Liên) sử dụng nguồn nước sinh hoạt từ hệ thống nước tự chảy suối Đác Toát. Ảnh: Duy Đăng
Ông Vũ Thành Minh-Chủ tịch UBND xã Ân Tường-cho rằng: Hệ thống nước tự chảy tại thôn O11 đã giúp người dân có nguồn nước sử dụng thuận tiện hơn trong sinh hoạt hằng ngày. Thời gian tới, xã sẽ tăng cường kiểm tra định kỳ, xử lý kịp thời nếu có hư hỏng; hướng dẫn bà con sử dụng nước tiết kiệm và cùng tham gia bảo vệ công trình. Đồng thời, xã cũng sẽ xem xét lắp đặt thêm các bể chứa phụ trợ tại khu dân cư để đáp ứng nhu cầu nước sạch cho các hộ dân.
Còn ông Nguyễn Hoài Nam-Chủ tịch UBND xã Canh Liên-cho hay: Để đảm bảo hệ thống nước sinh hoạt tự chảy từ suối Đác Toát vận hành hiệu quả, UBND xã đã chỉ đạo Ban Quản lý làng thành lập tổ quản lý công trình, xây dựng quy chế hoạt động rõ ràng, tổ chức duy tu thường xuyên và kiểm tra định kỳ nguồn nước đầu nguồn, đảm bảo hệ thống cấp nước phục vụ ổn định đời sống người dân.
Có thể khẳng định, việc đầu tư xây dựng hệ thống nước sinh hoạt tự chảy tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi là một chủ trương đúng đắn, thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước trong bảo đảm an sinh xã hội cho người dân, từng bước thu hẹp khoảng cách vùng miền. Tuy nhiên, để các công trình phát huy hiệu quả bền vững, chính quyền các địa phương cần tăng cường công tác quản lý, bảo dưỡng định kỳ, nâng cao ý thức cộng đồng trong gìn giữ nguồn nước đầu nguồn...
Có như vậy, nước sạch mới thực sự trở thành nền tảng vững chắc cho cuộc sống khỏe mạnh, ổn định và phát triển lâu dài của người dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi.
DUY ĐĂNG
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/mang-nuoc-sach-den-dong-bao-vung-kho-post560919.html