Meta 'nghỉ chơi', nhất quyết không trả 20 triệu EUR cho nhà mạng Đức

Meta 'nghỉ chơi', nhất quyết không trả 20 triệu EUR cho nhà mạng Đức
21 giờ trướcBài gốc
Ngày 25/9, Meta cho biết, sẽ chấm dứt quan hệ kết nối trực tiếp (direct peering) với nhà mạng Deutsche Telekom của Đức. Thay vào đó, công ty định tuyến lại lưu lượng truy cập từ các nền tảng và dịch vụ của mình (Facebook, Instagram,WhatsApp) thông qua nhà cung cấp bên thứ ba, không trực tiếp qua Deutsche Telekom.
Meta cảnh báo điều này sẽ tăng rủi ro trễ mạng, giảm hiệu suất/chất lượng và gián đoạn dịch vụ đối với các thuê bao Deutsche Telekom khi sử dụng nền tảng của Meta.
Meta và Deutsche Telekom "khẩu chiến" vì chi phí sử dụng mạng. Ảnh: Bleeping Computer
Kết nối trực tiếp là thuật ngữ chỉ mối quan hệ giữa hai nhà cung cấp dịch vụ Internet (ISP) hoặc một ISP và một nhà cung cấp dịch vụ lớn (như Meta) trao đổi dữ liệu (peering) trực tiếp thay vì qua Internet để cải thiện chất lượng.
“Sau nhiều tháng thảo luận, chúng tôi bất ngờ và thất vọng trước sự đổ vỡ trong các cuộc đàm phán với Deutsche Telekom. Chúng tôi có thỏa thuận kết nối miễn phí (settlement-free) tại Đức và khắp nơi trên thế giới với các ISP, cho phép người dùng của họ truy cập nhanh và chất lượng đến các ứng dụng của chúng tôi”, Meta viết trong blog.
Tuy nhiên, Deutsche Telekom “phản pháo” bằng bài blog cùng ngày. Với tiêu đề “Meta không đứng trên luật pháp”, nhà mạng Đức tuyên bố hãng công nghệ Mỹ một lần nữa đã “bóp méo sự thật”.
Theo đó, tất cả lưu lượng dữ liệu từ Meta đến mạng lưới của nhà mạng thông qua kết nối trực tiếp đều phải trả phí. Trong dịch Covid-19, Meta ngừng thanh toán nên Deutsche Telekom đã đâm đơn kiện và được Tòa án khu vực Cologne tán thành.
Để tránh phải trả tiền, Meta định tuyến lại lưu lượng dữ liệu qua bên thứ ba và không đạt thỏa thuận hòa mạng trực tiếp sau này.
Theo Deutsche Telekom, thay vì chấp nhận bản án, Meta đang “chơi trò phạm lỗi thô thiển”. Nhà mạng khẳng định sẽ tiếp tục thu phí vận chuyển dữ liệu của Meta.
Deutsche Telekom cũng chỉ ra, tranh chấp với Meta không chỉ là khác biệt về quan điểm giữa hai công ty mà còn là câu hỏi có hay không sự bình đẳng giữa các bên tham gia, hay sức mạnh của kẻ mạnh nhất có thể thao túng Internet hay không. “Một công ty như Meta cũng không thể đứng trên pháp luật”, nhà mạng Đức viết.
Vụ việc nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải hành động ở Brussels, theo Deutsche Telekom. Hãng viễn thông nhắc đến đề xuất của Ủy ban Châu Âu về cơ chế giải quyết tranh chấp ràng buộc: nếu Big Tech và các nhà mạng không thể thống nhất về mức giá vận chuyển dữ liệu phù hợp, trọng tài – như cơ quan quản lý – sẽ quyết định.
Một mặt, các nhà mạng không cần phải kiện ra tòa trong tương lai để đòi được tiền, một mặt, các “ông lớn” như Meta không thể đưa ra quyết định đơn phương, ngắn hạn gây nguy hiểm cho chức năng Internet nói chung, Deutsche Telekom lập luận.
Theo chuyên gia viễn thông John Strand, doanh thu trung bình trên mỗi người dùng Meta (ARPU) đã tăng 10 lần trong 10 năm kể từ khi Meta và Deutsche Telekom ký thỏa thuận đầu tiên năm 2010.
Theo báo cáo thu nhập quý mới nhất, ARPU Meta là 11,89 USD, trong khi ARPU di động của Deutsche Telekom giảm xuống dưới 10 USD/tháng.
Chưa kể, Deutsche Telekom đã đầu tư nâng cấp mạng lưới khi chuyển sang 5G. Nó phần nào giải thích lý do Deutsche Telekom muốn Meta trả thêm tiền cho mình.
Toàn cảnh tranh chấp giữa Meta và Deutsche Telekom
Năm 2010, Deutsche Telekom và Meta (khi đó là Facebook) ký thỏa thuận, trong đó Deutsche Telekom dành 24 điểm hòa mạng riêng với 50 cổng và tốc độ dữ liệu 5.000 gigabit/giây tại 7 địa điểm “độc quyền cho các dịch vụ Meta”, bao gồm Facebook, Instagram và WhatsApp. Meta trả phí băng thông khoảng 5,8 triệu EUR/năm.
Sau 10 năm, Meta yêu cầu Deutsche Telekom giảm giá 40%. Deutsche Telekom không đồng ý và đưa ra mức giảm 16%.
Trước khi đi đến thỏa thuận, dịch Covid-19 xảy ra.
Meta hủy bỏ thỏa thuận vào cuối năm 2020. Tháng 3/2021, Deutsche Telekom cho phép Meta tiếp tục sử dụng các cổng “vì lợi ích của khách hàng” cho đến khi ký thỏa thuận mới.
Tuy nhiên, Meta viện dẫn khái niệm settlement-free và từ chối trả tiền. Trong blog ngày 25/9, công ty mẹ Facebook cho rằng, đây là một phần cơ bản của các thỏa thuận kết nối trực tiếp như đã ký với Deutsche Telekom.
Deutsche Telekom kiện công ty con của Meta tại Đức lên Tòa án khu vực Cologne vào tháng 12/2022. Theo nhà mạng, nếu không thu tiền sử dụng mạng lưới bất cân xứng của các doanh nghiệp lớn, sẽ gây áp lực tài chính lớn đến các ISP, làm tăng chi phí cho người tiêu dùng hoặc giảm đầu tư vào hạ tầng mạng.
Tháng 5/2024, Meta thua kiện và tòa án ra lệnh phải trả 20 triệu EUR cho Deutsche Telekom để tiếp tục sử dụng mạng lưới của họ.
Meta không đồng ý, tuyên bố phán quyết đặt ra tiền lệ nguy hiểm và đe dọa tính trung lập mạng (net neurality) và tiêu chuẩn Internet mở. Công ty cho biết, đã đầu tư hơn 27 tỷ EUR cho hạ tầng toàn cầu chỉ tính riêng năm 2022, giúp giảm tải cho các ISP và về cơ bản giảm chi phí cho họ. Không thể hòa giải dẫn đến màn chia tay hôm nay giữa hai bên.
(Tổng hợp)
Du Lam
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/meta-nghi-choi-nhat-quyet-khong-tra-20-trieu-eur-cho-nha-mang-duc-2326048.html