Gần 1 năm qua, hẻm 20, đường Bến Nôm, phường Rạch Dừa, TP HCM trở thành điểm nóng của một chiêu trò lừa đảo tinh vi nhắm vào tài xế công nghệ và các dịch vụ khác. Nhiều shipper đã phải dở khóc dở cười khi mang hàng đến địa chỉ được đặt nhưng không có người nhận.
"Bom hàng" có thể là hành vi vi phạm pháp luật
Liên quan đến vụ việc này, Báo Người Lao Động trích ý kiến của Luật sư Mai Thanh Bình (Công ty Luật TNHH Mai Thanh Bình) về những vấn đề pháp lý.
Theo quy định tại điều 119 Bộ luật dân sự thì "Giao dịch dân sự được thể hiện bằng lời nói, bằng văn bản hoặc bằng hành vi cụ thể. Giao dịch dân sự thông qua phương tiện điện tử dưới hình thức thông điệp dữ liệu theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử được coi là giao dịch bằng văn bản" .
Người dân và người giao hàng đều cảm thấy phiền khi bị "bom hàng"
Như vậy về bản chất khi một đơn hàng được đặt, một hợp đồng giao dịch dân sự đã được xác lập giữa người bán và người mua.
Việc "bom hàng" chính là hành vi vi phạm nghĩa vụ trong hợp đồng dân sự, gây ra các thiệt hại như chi phí vận chuyển, chi phí lưu kho, và tổn thất doanh thu. Nếu gây thiệt hại nghiêm trọng hoặc có yếu tố gian dối, "bom hàng" có thể chuyển hóa thành vi phạm pháp luật.
Hành vi "bom hàng" có thể bị xử phạt hành chính nếu có yếu tố cung cấp thông tin sai sự thật. Cụ thể, theo Điểm a Khoản 1 Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022/NĐ-CP), người có hành vi cung cấp thông tin giả mạo, sai sự thật mạo danh người khác để cố tình gây thiệt hại cho người khác trong giao dịch điện tử có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng.
Khi nào "bom hàng" bị xử lý hình sự?
Nếu hành vi bom hàng đủ nghiêm trọng và có dấu hiệu cấu thành tội phạm, người thực hiện có thể phải đối mặt với các tội danh sau:
Tội Vu khống - Điều 156 Bộ luật Hình sự: Trường hợp người đặt hàng mạo danh người khác, cố tình khiến cá nhân vô can bị hiểu nhầm là người mua hàng, bị đơn vị vận chuyển làm phiền, hoặc bị ảnh hưởng danh dự, uy tín, người thực hiện hành vi có thể bị xử lý về tội vu khống.
Tùy vào mức độ phạm tội, mức thiệt hại mà người phạm tội có thể bị phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 50 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù đến 7 năm.
Tội sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông để chiếm đoạt tài sản (Điều 290 Bộ luật Hình sự): Tùy mức độ có thể bị phạt từ 20 triệu đến 100 triệu đồng, bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù đến 20 năm.
Khi phát hiện bị bom hàng, người bán cần lưu giữ đầy đủ bằng chứng như tin nhắn đặt hàng, địa chỉ, lịch sử đặt hàng, biên lai vận chuyển, và các chi phí phát sinh (phí vận chuyển đi và về, chi phí đóng gói, hao hụt hàng hóa).
Bạn nên làm việc chặt chẽ với các nền tảng thương mại điện tử và đơn vị vận chuyển để có cơ chế xác minh khách hàng. Trong trường hợp thiệt hại lớn hoặc nghi ngờ có yếu tố mạo danh, gian dối, bạn cần làm đơn tố giác đến cơ quan công an địa phương kèm theo toàn bộ tài liệu chứng minh.
Đối với người bị mạo danh địa chỉ để "bom hàng"
Nếu bạn nhận được cuộc gọi, tin nhắn từ shipper hoặc người bán về một đơn hàng mà bạn không đặt, bạn cần: Thông báo ngay cho người bán hoặc đơn vị vận chuyển rằng bạn không phải là người đặt hàng và đề nghị họ xác minh lại thông tin.
Trong trường hợp cần thiết hãy trình báo cơ quan công an địa phương để tránh bị liên lụy pháp lý, đặc biệt nếu hành vi mạo danh có mục đích xấu hoặc gây ra hậu quả nghiêm trọng. Khi trình báo, bạn cần cung cấp đầy đủ thông tin về thời gian, địa điểm, số điện thoại liên hệ của người gửi và nhận được để hỗ trợ điều tra.
Luật sư Mai Thanh Bình (Công ty Luật TNHH Mai Thanh Bình)