Lao phổi là bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi do trực khuẩn lao gây ra. Ảnh: Rodriguez.
TS.BS Vũ Viết Sáng, Chủ nhiệm khoa Bệnh lây đường hô hấp và hồi sức, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, cho biết lao phổi là bệnh lý viêm nhiễm nhu mô phổi do trực khuẩn lao gây ra. Bệnh có thể lây nhiễm từ người này sang người khác qua đường hô hấp. Đây không phải là bệnh di truyền.
Triệu chứng của lao phổi
Thủ phạm gây bệnh là vi trùng Mycobacterium tuberculosis hay còn gọi là trực khuẩn Koch. Đây là một loại khuẩn hình que, sinh sản nhanh và bền vững. Nó có thể sống vài tuần trong không khí và nước. Khi bệnh nhân nhổ đờm xuống đất ẩm và nơi tối, trực khuẩn lao có thể tồn tại đến 2-3 tháng.
Khuẩn lao xâm nhập cơ thể khi chúng ta hít thở không khí ô nhiễm (do người bệnh khạc nhổ, ho, hắt hơi), nói chuyện trực tiếp với người bệnh, dùng đồ ăn thức uống có lao.
Người mang khuẩn lao có thể vẫn khỏe mạnh nếu hệ miễn dịch tốt. Khi hệ miễn dịch suy giảm (như mắc cảm cúm, tiểu đường, bụi silic phổi, HIV/AIDS...) hoặc uống thuốc ức chế miễn dịch như corticoid, bệnh lao sẽ phát triển.
"Các vi khuẩn lao xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và phát triển thành bệnh, làm tổn thương đến phổi, hệ hô hấp, gây nguy hiểm cho người bệnh nếu kéo dài và không được điều trị đúng cách. Ngày càng có nhiều người trẻ mắc bệnh lao, nguyên nhân có thể từ môi trường làm việc không đảm bảo (đông người, kín, ẩm thấp). Đây là điều kiện thuận lợi làm vi khuẩn lao phát triển và lây lan mạnh", TS Sáng nói.
Bên cạnh đó, lối sống, ăn uống, vận động không khoa học (không đủ chất dinh dưỡng, thường xuyên thức khuya, làm việc quá sức, hút thuốc lá, uống rượu bia…) làm sức khỏe giảm sút, sức đề kháng yếu khiến vi khuẩn lao dễ tấn công và gây bệnh.
"Cứ một người bị bệnh lao phổi có ho khạc vi khuẩn ra môi trường có thể lây cho 5-10 người khác. Đặc biệt, bệnh dễ lây lan trong các quần thể dân cư nhỏ như gia đình, lớp học, nhà máy, trại tập trung… trước khi người bệnh được điều trị", bác sĩ Sáng cho hay.
Cứ một người bị bệnh lao phổi có ho khạc vi khuẩn ra môi trường có thể lây cho 5-10 người khác. Ảnh: Samarpanphysioclinic.
Theo vị chuyên gia, triệu chứng lâm sàng thường gặp của lao phổi là:
Ho và khạc đờm kéo dài trên 2 tuần, ho ra máu
Đau ngực, khó thở
Sốt nhẹ về chiều, vã mồ hôi trộm
Sút cân, mệt mỏi, chán ăn.
"Nếu thấy ho khạc kéo dài trên 2 tuần, uống thuốc ho thông thường không khỏi, kèm thêm mỏi mệt hoặc sốt nhẹ về chiều, người dân phải đi khám bệnh và làm xét nghiệm đờm tại bệnh viện ngay", BS Sáng khuyến cáo.
Những biến chứng của lao phổi nếu không được điều trị
Theo các bác sĩ Bệnh viện Phổi Hà Nội, bệnh lao phổi có nhiều biến chứng. Biến chứng có thể xuất hiện như bệnh cảnh lâm sàng mở đầu, nghĩa là có biến chứng rồi mới phát hiện ra bệnh hoặc xảy ra trong quá trình tiến triển của bệnh. Các biến chứng hay gặp là:
Ho ra máu: Có thể ít, vừa hay nhiều. Ho ra máu sét đánh, do bệnh lao làm hoại tử thành của một động mạch, là biến chứng gây tử vong trong vòng vài phút.
Tràn khí màng phổi: Do vỡ một hang lao vào khoang màng phổi, là biến chứng nặng. Vi trùng lao từ hang lao nhiễm vào màng phổi và gây ra tràn mủ - tràn khí màng phổi. Việc điều trị khó khăn, bệnh nhân phải vừa điều trị lao vừa đặt ống dẫn lưu màng phổi.
Tràn dịch màng phổi: Do tiếp cận với một ổ lao phổi đang tiến triển. Biến chứng có thể xảy ra sau khi bệnh lao đã được chữa khỏi tạo thành các di chứng của bệnh lao phổi.
Dãn phế quản: Triệu chứng ho đàm và ho ra máu, không nên lầm lẫn là bệnh tái phát.
Suy hô hấp mạn tính: Khi có di chứng lan rộng làm phổi mất chức năng.
Tràn khí màng phổi: Do vỡ một bóng khí. Tràn khí này không đi kèm theo nhiễm trùng màng phổi.
U nấm phổi: Do vi nấm Aspergillus fumigatus sinh sôi trong một hang lao cũ trong phổi. Bệnh nhân sẽ được điều trị bằng phẫu thuật.
Phương Anh