Theo Sở Y tế TP Hồ Chí Minh, tính đến tuần 46 (từ ngày 11/11 đến ngày 17/11), TP đã ghi nhận 12.013 ca mắc sốt xuất huyết, giảm 27,8% so với cùng kỳ năm 2023 và là địa phương có số ca mắc cao nhất khu vực phía Nam (chiếm 25%).
Mặc dù số ca mắc giảm so với cùng kỳ năm 2023, tuy nhiên từ tuần 37 (từ ngày 9/9 đến ngày 15/9) đến nay số ca mắc của có xu hướng tăng liên tục hàng tuần và đã ghi nhận một trường hợp tử vong.
Nếu tính cả khu vực phía Nam, số ca mắc bệnh năm nay đều thấp hơn năm ngoái. Theo số liệu giám sát của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, số ca mắc sốt xuất huyết tích lũy từ đầu năm đến tuần 45 năm 2024 của khu vực phía Nam là 44.980, giảm 26,4% so với cùng kỳ năm 2023.
Số ca sốt xuất huyết tại TP Hồ Chí Minh tiếp tục tăng, trong đó ghi nhận 1 trường hợp tử vong. Ảnh minh họa
Qua giám sát các điểm nguy cơ gây dịch bệnh sốt xuất huyết, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP Hồ Chí Minh (HCDC) đã ghi nhận các điểm nguy cơ có lăng quăng. Nguy cơ gây dịch sốt xuất huyết xuất hiện ở khắp nơi và gắn liền với nếp sống sinh hoạt hàng ngày của mỗi gia đình, hiện diện ở mọi nơi từ nội thành đến ngoại thành và ở tất cả các quận huyện, phường xã.
Vì vậy, Sở Y tế nhận định nguy cơ ca bệnh sốt xuất huyết vẫn sẽ tiếp tục tăng nếu chúng ta không có những biện pháp quyết liệt.
Sở Y tế đề nghị các Trung tâm Y tế quận huyện, trạm y tế phường xã thực hiện điều tra, xử lý ca bệnh, ổ dịch sốt xuất huyết triệt để trên địa bàn.
Các đơn vị cần theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn để đưa ra hướng xử lý kịp thời và hiệu quả không để dịch bệnh bùng phát, lan rộng.
Sở Y tế cũng đề nghị UBND các quận, huyện, phường xã tiếp tục triển khai quyết liệt các hoạt động như: duy trì hoạt động loại bỏ nơi sinh sản của muỗi truyền bệnh sốt xuất huyết, đẩy mạnh hoạt động truyền thông phòng chống dịch và xử phạt vi phạm hành chính trong phòng chống dịch bệnh.
Ngành giáo dục cần tăng cường các hoạt động phòng chống dịch trong trường học, đặc biệt không để phát sinh vật chứa nước phát sinh lăng quăng, muỗi.
Mỗi cá nhân, gia đình cần chủ động tìm và loại bỏ các vật chứa có khả năng phát sinh lăng quăng.
Khi gia đình có người xuất hiện các triệu chứng nghi ngờ bệnh sốt xuất huyết, cần đưa đi khám tại các cơ sở y tế để được chẩn đoán và hướng dẫn chăm sóc điều trị phù hợp.
Để tích cực phòng chống sốt xuất huyết, người dân cần chủ động đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng; thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy bằng cách thả cá vào dụng cụ chứa nước lớn; thau rửa dụng cụ chứa nước vừa và nhỏ, lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn.
Cùng đó, hàng tuần loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng như chai, lọ, mảnh chai, vỏ dừa, mảnh lu vỡ, lốp/vỏ xe cũ, hốc tre, bẹ lá...
Đồng thời, người dân cũng cần tích cực phối hợp với ngành y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch.
Phòng ngừa muỗi đốt bằng cách ngủ màn, dùng các sản phẩm khăn lau xua muỗi có hương sả tự nhiên, an toàn khi sinh hoạt ngoài trời, đặc biệt vào buổi tối. Đối với trẻ em nên mặc quần áo sáng màu, dùng tã quần xua muỗi.
Đặc biệt, khi bị sốt đến ngay cơ sở y tế để được khám và tư vấn điều trị. Không tự ý điều trị tại nhà.
Chế độ ăn uống hợp lý cùng với việc điều trị kịp thời sẽ giúp người mắc sốt xuất huyết nhanh chóng hồi phục sau khi mắc bệnh sốt xuất huyết.
Tiểu Thúy