Mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 19 - 20/7 gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng

Mưa lớn kèm dông lốc từ ngày 19 - 20/7 gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng
6 giờ trướcBài gốc
Tàu du lịch Vịnh Xanh 58 được lật nổi hoàn toàn sau tai nạn. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Tiếp tục tìm kiến người mất tích
Theo Cục Quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) và phóng viên TTXVN tại các địa phương, từ ngày 19/7 đến 8 giờ ngày 20/7, thiên tai đã làm 2 người chết (Thái Nguyên 1 người do bị tường rào đổ vào người; Phú Thọ 1 người do bị mái tôn bay vào người); 1 người bị thương (Thái Nguyên); 605 nhà tốc mái (Cao Bằng 40, Thái Nguyên 261, Phú Thọ 304).
Đối với vụ lật tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58 mang biển kiểm soát QN-7105 trên vịnh Hạ Long, tính đến 5 giờ 30 phút ngày 20/7 đã cứu được 10 người và tìm kiếm được 38 thi thể, còn 5 người mất tích đang được các lực lượng chức năng tìm kiếm.
Ngay sau khi thiên tai xảy ra, cấp ủy, chính quyền các địa phương đã tổ chức thăm hỏi, động viên các gia đình có người chết, mất tích và bị thương, đồng thời chỉ đạo các lực lượng chức năng triển khai các biện pháp ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sớm ổn định cuộc sống người dân.
Về tình hình tàu dịch vụ du lịch Vịnh Xanh 58, ngay sau khi nhận được thông tin về vụ lật tàu tại khu vực đảo Ti Tốp, tỉnh Quảng Ninh, Thủ tướng Chính phủ đã có các Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 19/7/2025; số 115/CĐ-TTg ngày 20/7/2025 chỉ đạo Bộ Quốc phòng phối hợp Bộ Công an, UBND tỉnh Quảng Ninh và các bộ, cơ quan, địa phương liên quan tập trung mọi biện pháp, huy động lực lượng, phương tiện gần khu vực tàu bị nạn, đồng thời yêu cầu triển khai công tác khắc phục hậu quả vụ tai nạn, tổ chức thăm hỏi, động viên, hỗ trợ gia đình người bị nạn, cứu chữa người bị thương, lo hậu sự chu đáo cho người bị thiệt mạng, tiếp tục tìm kiếm những người còn mất tích.
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã trực tiếp chỉ đạo công tác cứu hộ, cứu nạn tại hiện trường, đồng thời yêu cầu các lực lượng phấn đấu trong đêm ngày 19/7 tìm kiếm được tất cả các nạn nhân và trục vướt xác tàu bị đắm.
Ngay trong đêm 19/7, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh, lãnh đạo Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã đến thăm hỏi, động viên nạn nhân đang cấp cứu, hồi sức tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Ninh. Bước đầu tỉnh Quảng Ninh đã thực hiện hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong là 25 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 8 triệu đồng/người. Tỉnh cũng bố trí nơi ở và hỗ trợ toàn bộ chi phí ăn, nghỉ cho gia đình nạn nhân khi ở Quảng Ninh.
Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Quảng Ninh cũng hỗ trợ cho gia đình các nạn nhân tử vong 5 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 3 triệu đồng/người. Sẻ chia những mất mát với gia đình người bị nạn, một số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng hỗ trợ các gia đình nạn nhân tử vong 40 triệu đồng/người, nạn nhân bị thương 25 triệu đồng/người.
Các lực lượng đã huy động tổng quân số, phương tiện, trang thiết bị tham gia tìm kiếm cứu nạn với 266 người, 18 tàu, 18 xuồng, 3 bông tông (sà lan có mặt phẳng để đặt hàng hóa hoặc phương tiện lên trên) và các trang thiết bị đi cùng để khẩn trương tìm kiếm cứu nạn nhanh nhất, hiệu quả nhất.
Trước đó, vào khoảng 15 giờ 30 phút, ngày 19/7, tàu Vịnh Xanh 58 mang biển kiểm soát QN-7105 chở khách du lịch tham quan tuyến 2 (hang Sửng Sốt - đảo Ti Tốp) trên vịnh Hạ Long thì gặp dông bất ngờ và bị lật (theo thông tin ban đầu, vào 13 giờ 30 phút cùng ngày tàu gặp dông bất ngờ, đến 14 giờ 5 phút thì mất kết nối tín hiệu GPS và sau đó bị đắm).
Một chiếc xe máy của người dân ở phường Nùng Trí Cao bị cây đổ đè trúng. Ảnh: TTXVN phát
Ngoài ra, mưa dông vào chiều 19/7 tại Hà Nội đã giật tung nhiều biển quảng cáo, mái tôn nhà cao tầng. Đáng chú ý, do dông lốc thổi mạnh khiến nhiều phương tiện đang di chuyển trên đường như: Nguyễn Xiển, Phạm Hùng, Phạm Văn Đồng... bị ngã đổ xuống đường, một số cây nhỏ ở đường Thi Sách, Triệu Việt Vương, ngã tư Tràng Tiền - Trần Quang Khải bị gió giật đổ, nằm chắn một phần đường, khiến giao thông qua khu vực này gặp khó khăn. Đặc biệt, dông lốc cũng làm tốc mái và đổ sập kèo cột tại sân pickleball phía sau Chung cư IA20 thuộc phường Phú Thượng, thành phố Hà Nội.
Tại tỉnh Hưng Yên, chiều 19/7, mưa với cường độ lớn, kèm theo gió mạnh đã gây ra úng ngập cục bộ; gẫy, đổ cây xanh, biển quảng cáo tại một số nơi.
Chiều tối 19/7, trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa xuất hiện gió lớn đột ngột, kèm theo mưa giông đã gây nhiều thiệt hại tại một số khu vực. Nhiều mái tôn, biển quảng cáo bị gió tốc, cây xanh gãy đổ, ảnh hưởng đến giao thông. Tại khu vực ngã tư Đại lộ Lê Lợi, phường Hạc Thành, một mái tôn lớn bị gió cuốn sập, đè lên nhiều xe ô tô đang lưu thông, khiến tuyến đường ách tắc cục bộ.
Để ứng phó với bão số 3, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 yêu cầu các bộ ngành, địa phương tập trung ứng phó.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã ban hành 2 công điện chỉ đạo sớm từ ngày 17/7 khi áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông và khi bão bắt đầu vào Biển Đông ngày 19/7; chiều ngày 18/7/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã tổ chức cuộc họp với một số bộ, ngành liên quan và giao các đơn vị trực thuộc bộ cử cán bộ chuyên môn phối hợp với các tỉnh Quảng Ninh, Hưng Yên, Ninh Bình, Phú Thọ để triển khai ứng phó với bão và mưa lũ thực tế tại địa phương trong vận hành chính quyền địa phương 2 cấp; phối hợp với các cơ quan truyền thông đưa tin về diễn biến của bão và công tác chỉ đạo ứng phó; tổ chức gửi tin nhắn Zalo cảnh báo về bão và mưa lớn diện rộng đến 35 triệu người dân khu vực bị ảnh hưởng;
Các tỉnh, thành phố Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk chủ động triển khai ứng phó với bão và mưa lũ theo công điện của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường
Các Bộ: Quốc phòng, Công an, Công thương, Xây Dựng, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã có công điện và chủ động triển khai ứng phó với bão; Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao) đã có công hàm gửi các nước trong khu vực đề nghị tạo điều kiện cho tàu thuyền vào tránh trú và hỗ trợ khi có tai nạn, sự cố;
Thông tấn xã Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam và các cơ quan thông tin đại chúng cập nhật, phát các bản tin dự báo bão để phục vụ công tác chỉ đạo điều hành và cảnh báo cho người dân.
Do ảnh hưởng của mưa dông từ bão số 3 chiều tối 19/7, các chuyến bay của Vietnam Airlines đến, đi từ sân bay Nội Bài tạm dừng khai thác nhằm đảm bảo an toàn.
Các tỉnh, thành phố chủ động ứng phó bão số 3
Lực lượng chức năng khẩn trương cứu nạn, cứu hộ sau vụ đắm tàu du lịch trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Thanh Vân/TTXVN
Để tiếp tục khắc phục hậu quả thiên tai và ứng phó với diễn biến bão số 3, Cục quản lý đê điều và phòng, chống thiên tai đề nghị tỉnh Quảng Ninh khẩn trương tổ chức cứu hộ tàu du lịch theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số 114/CĐ-TTg ngày 19/7/2025; số 115/CĐ-TTg ngày 20/7/2025.
Các tỉnh, thành phố khu vực khu vực Bắc Bộ và ven biển từ Quảng Ninh đến Đắk Lắk chủ động ứng phó với bão theo Công điện số 112/CĐ-TTg ngày 19/7/2025 của Thủ tướng Chính phủ; Công điện số 4594/CĐ-BNNMT ngày 19/7/2025 của Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Các tỉnh, thành phố Phú Thọ, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng, Hưng Yên, Ninh Bình triển khai công tác đảm bảo an toàn hạ du khi vận hành hồ thủy điện Hòa Bình.
Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai, Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự các bộ, ngành, địa phương tổ chức trực ban nghiêm túc, thường xuyên báo cáo về Bộ Nông nghiệp và Môi trường (qua Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai).
Thắng Trung (TTXVN)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/thoi-su/mua-lon-kem-dong-loc-tu-ngay-19-207-gay-nhieu-thiet-hai-nghiem-trong-20250720111006405.htm