Cho ý kiến vào Dự thảo Báo cáo kết quả lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ năm 2024, phương hướng, nhiệm vụ trọng tâm năm 2025, các đại biểu thống nhất đánh giá: Năm 2024 là năm có ý nghĩa quan trọng trong việc hoàn thành các mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XXII và kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025.
Quang cảnh hội nghị.
Bên cạnh những thuận lợi, vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức; tình hình thế giới, khu vực diễn biến rất nhanh, phức tạp, nhiều yếu tố rủi ro, bất định, diễn biến mới phát sinh vượt ngoài khả năng dự báo; dịch bệnh, thiên tai, bão lũ, nhất là cơn bão số 3 và mưa lũ sau bão đã ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của Nhân dân.
Nhưng với sự nỗ lực, quyết tâm cao của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp, quân và dân trong tỉnh, nên Ninh Bình đã đạt được những kết quả toàn diện, rõ nét trên các lĩnh vực; hoàn thành và hoàn thành vượt mức 17/17 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 16 chỉ tiêu vượt kế hoạch.
Kinh tế phục hồi tích cực, tốc độ tăng trưởng GRDP ước đạt 8,52%, cao hơn mức bình quân toàn quốc. Tổng thu ngân sách trên địa bàn ước đạt 20.150 tỷ đồng, vượt 8,3% dự toán. Sản xuất công nghiệp đạt mức tăng trưởng khá; ước đạt 15.522 tỷ đồng, tăng 11,0% so với năm 2023; chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 10,29%. Sản xuất nông nghiệp tăng trưởng ổn định, giá trị sản xuất/1 ha đất canh tác ước đạt 160 triệu đồng, vượt 1,3% kế hoạch.
Ngành du lịch được xác định là mũi nhọn trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Ninh Bình. Ảnh: ST
Xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu đạt kết quả nổi bật; thương mại, dịch vụ đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là dịch vụ du lịch. Tổng lượt khách du lịch đến các điểm tham quan trên địa bàn tỉnh đạt 8,7 triệu lượt khách, tăng 26,5% và vượt 16% kế hoạch; doanh thu đạt 8.900 tỷ đồng, tăng 35,9% so với năm 2023, vượt 7,8% kế hoạch. Tổng kim ngạch xuất khẩu đạt 3.370 triệu USD, tăng 5,6% và vượt 3,7% kế hoạch; tổng kim ngạch nhập khẩu đạt 3.200 triệu USD, tăng 13,9%.
Công tác quy hoạch được quan tâm đẩy mạnh. Xây dựng kết cấu hạ tầng có bước đột phá rõ nét, nhất là hạ tầng giao thông. Phát triển toàn diện các lĩnh vực văn hóa, xã hội, bảo đảm gắn kết hài hòa với phát triển kinh tế; đời sống vật chất, tinh thần và sức khỏe Nhân dân ngày càng được nâng cao. Tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, hội thảo quan trọng mang tầm quốc gia, quốc tế; các giá trị bản sắc độc đáo được quảng bá, lan tỏa, từng bước chuyển thành nguồn lực nội sinh thúc đẩy phát triển.
Hoạt động đối ngoại, hợp tác quốc tế tiếp tục được mở rộng. Quốc phòng, quân sự địa phương được tăng cường; an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo...
Từ những kết quả đã đạt được trong năm 2024, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đề ra mục tiêu năm 2025, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế từ 12% trở lên.
Để đạt được mục tiêu trên, nhiều đại biểu đã đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong hoạt động đầu tư, trong công tác giải phóng mặt bằng, nhất là đối với các công trình, dự án trọng điểm của tỉnh. Một số đại biểu cũng đề xuất nhiều giải pháp thực hiện mục tiêu nâng cao năng lực lãnh đạo của cấp ủy, xây dựng hệ thống chính trị và sắp xếp tổ chức bộ máy “Tinh - Gọn - Mạnh - Hiệu năng - Hiệu lực - Hiệu quả” gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ đủ phẩm chất, năng lực ngang tầm nhiệm vụ; thúc đẩy phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản, đổi mới sáng tạo gắn với bảo tồn, tôn tạo phát huy giá trị lịch sử Cố đô Hoa Lư và Quần thể danh thắng Tràng An, bảo vệ môi trường. Tiếp tục thúc đẩy, phát triển kinh tế theo hướng xanh, bền vững, hài hòa...
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấnphát biểu kết luận hội nghị.
Kết luận hội nghị, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn đã chỉ ra 5 bài học kinh nghiệm cho công tác lãnh đạo, chỉ đạo thời gian tới. Trong đó, phải có tư duy, tầm nhìn chiến lược và quyết tâm cao trong quản trị mục tiêu với khát vọng lớn, huy động các nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn; tăng cường đoàn kết thống nhất, thực hành dân chủ rộng rãi thông qua vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội; nhận diện rõ những khó khăn, những điểm nghẽn để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, nắm bắt thời cơ, giải phóng các nguồn lực, tháo gỡ điểm nghẽn.
Trong lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới phải tích hợp di sản kinh tế nông thôn trong phát triển đô thị, từng bước cấu trúc lại tính chất lãnh thổ của tỉnh. Phải giải quyết hài hòa mối quan hệ địa phương, thúc đẩy định hình vùng, liên kết vùng để vươn lên phấn đấu trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng đô thị di sản. Trong phát triển du lịch, tỉnh đã tập trung bảo tồn văn hóa gắn với bảo vệ môi trường, phụng dưỡng thiên nhiên. Cùng với đó, tập trung phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an ninh, quốc phòng, hội nhập quốc tế sát với tình hình địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình tin tưởng với quyết tâm cao của toàn Đảng bộ và sự vào cuộc tích cực, trách nhiệm của các cấp, các ngành, địa phương, cơ quan, đơn vị và của mỗi người dân, doanh nghiệp, tỉnh Ninh Bình sẽ tiếp tục đạt được mục tiêu, khát vọng lớn hơn trong thời gian tới, cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc...
Trần Anh