Bảo tàng Gốm thời dựng nước trưng bày thường xuyên và chuyên đề với hơn 400 hiện vật, bao gồm 1 Bảo vật Quốc gia cùng các bộ sưu tập độc bản.
Trong đó, chõ gốm văn hóa Đông Sơn được công nhận là Bảo vật Quốc gia. Chõ làm bằng đất nung, được nung ở nhiệt độ cao, khoảng 800 - 900°C.
Chõ gốm văn hóa Đông Sơn được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Chõ là hiện vật gốc, độc bản, độc đáo có giá trị đặc biệt; là báu vật của người Việt cổ thời các Vua Hùng dựng nước được khảo cổ học phát hiện, nghiên cứu và đánh giá rất cao trong thứ bậc của đồ gốm văn hóa Đông Sơn.
Theo diễn viên Chi Bảo - Giám đốc Bảo tàng, bảo vật này tuy nhìn đơn sơ nhưng mang giá trị lớn. Bởi ở thời Đông Sơn hầu như mọi người chỉ biết đến trống đồng.
“Gốm mộc mạc, đơn sơ nhưng mang đến cho chúng tôi sự rung động lớn. Trong nền văn hóa của chúng ta cũng có những điều đơn giản nhưng rất quý”, anh nói.
Nhiều nhà sưu tầm ưa thích đồ chất liệu đồng, bạc, còn gốm rất ít người chọn lựa.
Bên cạnh đó, bảo tàng sưu tầm, bảo quản hơn 400 hiện vật gốm cổ thuộc các nền văn hóa tiền Đông Sơn như: Văn hóa Phùng Nguyên, Đồng Đậu, Gò Mun...
Các văn hóa đồng đại như văn hóa Sa Huỳnh, văn hóa sơ sử lưu vực sông Đồng Nai, cũng như các sưu tập hiện vật thuộc một số thời kỳ độc lập tự chủ trong lịch sử phong kiến Việt Nam.
Diễn viên chọn đồ gốm bởi chất liệu này như bắt nguồn sự sống của nền văn minh Việt cổ. Xem 1 món đồ, anh cảm nhận phần nào văn hóa, đời sống của ông bà, tổ tiên ngày xưa.
“Tôi đi nhiều bảo tàng ở khắp thế giới nhưng vào đó chỉ tập trung xem đồ gốm. Đồ gốm Việt có thể không đồ sộ, thua về chất liệu, kỹ thuật các nước khác. Tuy nhiên, nó lại rất duyên dáng, mộc mạc phản ánh đời sống tinh thần của người Việt từ xưa tới nay”, Chi Bảo kể.
Quá trình sưu tầm cổ vật, Chi Bảo gặp không ít khó khăn trong việc tìm kiếm từng nơi lưu giữ, thuyết phục cũng như trao đổi, thương lượng để sưu tầm.
Giám đốc bảo tàng mong muốn nơi đây trở thành cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, khơi dậy niềm tự hào về nền văn hóa cổ đại Việt Nam.
Chi Bảo tham khảo mô hình nhiều bảo tàng lớn để thiết kế trưng bày bảo tàng này nhưng chỉ mô phỏng được một phần.
Bởi nhiều nơi riêng chiếc tủ chứa hiện vật đã có giá hàng trăm nghìn USD, với cơ chế tự động hóa. Anh cho biết sau này sẽ tính toán thêm phương án để cải thiện.
“Chúng tôi kỳ vọng nơi đây sẽ trở thành điểm đến văn hóa - lịch sử hàng đầu, nơi mỗi hiện vật kể câu chuyện về cội nguồn dân tộc”, Chi Bảo nói.
Diễn viên Chi Bảo - Giám đốc Bảo tàng Gốm thời dựng nước. Anh nổi tiếng với các phim "Đồng tiền xương máu", "Cô gái xấu xí".... trước khi tuyên bố giải nghệ.
Bên cạnh đó, Bảo tàng Gốm thời dựng nước còn cung cấp tư liệu sống động phục vụ công tác nghiên cứu lịch sử, khảo cổ, đồng thời giáo dục cộng đồng về giá trị di sản dân tộc.
Nơi đây còn góp phần kết nối cộng đồng, tạo không gian trải nghiệm đa dạng, khơi dậy niềm tự hào văn hóa Việt Nam trong công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ.
Thời gian tới, bảo tàng sẽ tổ chức các chương trình trải nghiệm cho học sinh, sinh viên cũng như hợp tác với các trường đại học, bảo tàng trong và ngoài nước để phát triển tài liệu nghiên cứu.
Bảo tàng Gốm thời dựng nước hoạt động theo quy định tại Thông tư số 18/2010/TT-BVHTTDL ngày 31/12/2010 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định về tổ chức và hoạt động của bảo tàng và các quy định pháp luật có liên quan; chịu sự quản lý Nhà nước của Sở Văn hóa và Thể thao, chính quyền địa phương nơi hoạt động.
Giám tuyển Lý Đợi nhận định với VietNamNet đây là bảo tàng gốm tư nhân lớn nhất Việt Nam tính đến hiện tại. "Nếu tất cả những cổ vật trong này là nguyên bản, đồng nghĩa bảo tàng có độ nguyên bản hiếm hoi trải dài hàng nghìn năm qua nhiều thời kỳ. Chủ nhân phải có duyên rất lớn mới có thể sở hữu được những cổ vật này. Đây không chỉ nằm ở vấn đề tiền bạc, thời gian mà cần rất nhiều yếu tố khác bao gồm sự may mắn", anh nói.
Tuấn Chiêu