Chiều 29/11, Quốc hội biểu quyết thông qua nhiều dự luật quan trọng, trong đó có Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư theo phương pháp công tư (PPP) và Luật Đầu tư công (sửa đổi).
Các đại biểu biểu quyết tại hội trường chiều 29/11
Theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chí dự án quan trọng quốc gia sử dụng vốn đầu tư công từ 10.000 tỷ đồng trở lên đã được áp dụng từ năm 1997, đến nay, quy mô nền kinh tế của nước ta đã tăng hơn 10 lần so với năm 2000, tăng hơn 2,5 lần so với năm 2013.
Theo cơ quan thẩm tra, hiện nay nguồn lực đầu tư công đã và đang được tập trung cho các dự án quy mô lớn, có tính chất liên vùng, có tính lan tỏa cao.
Chính vì vậy, việc nâng quy mô vốn đầu tư công đối với dự án quan trọng quốc gia lên 30.000 tỷ đồng nhằm phân cấp mạnh mẽ hơn trong quản lý đầu tư công, bảo đảm tính ổn định trong thực hiện Luật. Đối với các dự án nhóm A, nhóm B, nhóm C, thống nhất với phương án Chính phủ trình và đa số ý kiến đại biểu Quốc hội đã đồng thuận. Với tinh thần đó, xin được giữ như phương án Chính phủ trình.
Phân cấp thẩm quyền từ HĐND sang UBND
Một điểm mới quan trọng khác được quy định tại luật Đầu tư công năm 2024, là phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án (nhóm B, C) cho UBND các cấp, thay vì HĐND như hiện hành.
Quá trình xây dựng luật, nhiều ý kiến cho rằng việc phân cấp thẩm quyền như trên là thay đổi lớn, cần nghiên cứu đánh giá tác động kỹ lưỡng, thậm chí đề nghị giữ như quy định đang áp dụng.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình
Ngược lại, một số ý kiến nhất trí với đề xuất phân cấp cho UBND các cấp vì cho rằng quy định này sẽ giảm nhiều thủ tục hành chính, thu gọn đầu mối ra quyết định và chịu trách nhiệm.
Giải trình về vấn đề trên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thừa nhận việc phân cấp cho UBND các cấp quyết định chủ trương đầu tư nhóm B, nhóm C do địa phương quản lý là thay đổi lớn. Sở dĩ Chính phủ đề xuất như vậy là có một số lý do.
Trong đó, việc giao cho UBND quyết định chủ trương đầu tư dự án đã được quy định tại luật Đầu tư công hiện hành. Thực tế cho thấy, từ năm 2021 - 2025, đã có 43 HĐND cấp tỉnh phân cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C cho UBND cùng cấp.
Ngoài ra, các nội dung về việc phê duyệt đầu tư và tổ chức thực hiện dự án vẫn giữ nguyên so với quy định hiện hành. Chủ tịch UBND các cấp vẫn quyết định đầu tư dự án và UBND các cấp vẫn là cơ quan chủ quản, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện dự án. HĐND các cấp thực hiện giám sát quy trình tổ chức triển khai thực hiện.
“Do đó, về mặt năng lực tổ chức thực hiện dự án thì vẫn do các cơ quan này bảo đảm như hiện tại”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu.
Vẫn theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, để bảo đảm tính chặt chẽ, luật đã bổ sung về quyền hạn và trách nhiệm của UBND cấp tỉnh và cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền "quyết định chủ trương đầu tư dự án" nhưng cũng đi đôi với trách nhiệm "báo cáo HĐND cùng cấp tại kỳ họp gần nhất".
Chưa kể, một dự án nếu được quyết định chủ trương đầu tư thì phải bảo đảm phù hợp với các quy hoạch liên quan, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, bảo đảm nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.
Từ những lý do trên, cùng với tinh thần đẩy mạnh phân cấp, phân quyền trong đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, Ủy ban Thường vụ Quốc hội báo cáo Quốc hội cho phép quy định về phân cấp như đã nêu.
Vân Anh/VOV.VN