Trung Quốc và Nga đang đẩy mạnh các nỗ lực phát triển các tuyến vận tải Bắc Cực, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị giữa hai quốc gia này và phương Tây ngày càng gia tăng.
Trung Quốc và Nga đang đẩy mạnh các nỗ lực phát triển các tuyến vận tải Bắc Cực. Ảnh: Oilprice
Bộ Giao thông vận tải Trung Quốc ngày 28/11 cho biết nước này và Nga đã đạt được đồng thuận về cơ chế và mục tiêu của một ủy ban phụ trách hợp tác phát triển Tuyến đường biển phương Bắc (NPR). Tuyến đường này dài 5.600 km, kéo dài từ biển Barents gần Scandinavia đến eo biển Bering gần Alaska.
Cuộc họp đầu tiên của ủy ban này diễn ra hôm 27/11 tại TP Saint Petersburg (Nga), với sự tham dự của Bộ trưởng Giao thông vận tải Trung Quốc Liu Wei và Giám đốc điều hành (CEO) Tập đoàn năng lượng hạt nhân Rosatom của Nga, ông Alexey Likhachev.
Bộ trưởng Liu nêu rõ: “Phía Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với Nga để phát huy tối đa vai trò của cơ chế hợp tác này, nâng cao năng lực vận tải Bắc Cực, đảm bảo an toàn hàng hải trong khu vực và thúc đẩy những bước tiến mới trong lĩnh vực đóng tàu dành cho vùng cực.”
Về phần mình, ông Likhachev khẳng định Rosatom, đơn vị được chính phủ Nga giao nhiệm vụ phát triển NSR, kỳ vọng hợp tác sâu rộng với Trung Quốc trong các lĩnh vực như vận tải Bắc Cực, an toàn hàng hải và công nghệ đóng tàu.
CEO Rosatom lưu ý thêm rằng việc thành lập tiểu ban về tuyến vận tải Bắc Cực có ý nghĩa lịch sử, trùng với kỷ niệm 75 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Nga và Trung Quốc.
Tầm quan trọng chiến lược của tuyến vận tải Bắc Cực
Theo ông Wang Yiwei - Giám đốc Viện Các vấn đề quốc tế thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc, các tuyến vận tải Bắc Cực có ý nghĩa chiến lược đối với Trung Quốc, quốc gia xuất khẩu lớn sang châu Âu.
“Logistics hàng hải từ Trung Quốc đến châu Âu lâu nay chủ yếu phụ thuộc vào kênh đào Suez”, ông Wang giải thích. “Tuy nhiên, các tuyến đường biển này hiện đang chịu ảnh hưởng nghiêm trọng từ cuộc xung đột ở Trung Đông, trong khi chiến sự Nga-Ukraine cũng ảnh hưởng đến logistics đường sắt. Do đó, việc kết nối Trung Quốc và châu Âu qua tuyến đường biển Bắc Cực mang ý nghĩa chiến lược”.
Kết quả nghiên cứu của bà Bùi Vân Ứng, nhà quản lý tại PetroChina International, chỉ ra rằng tuyến vận tải từ Liên Vân Cảng (Giang Tô) đến Rotterdam (Hà Lan) truyền thống dài khoảng 20.000 km. Tuy nhiên, nếu đi qua Bắc Cực, khoảng cách này có thể rút ngắn tới 25% và thời gian hành trình giảm từ 10-15 ngày.
Nga thay đổi quan điểm vì lệnh trừng phạt của phương Tây
Theo ông Wang, trước đây, với tư cách là quốc gia sở hữu chủ quyền lớn nhất tại Bắc Cực, Nga không mấy quan tâm đến các sáng kiến hợp tác phát triển của các quốc gia khác, bao gồm cả Trung Quốc. Tuy nhiên, các lệnh trừng phạt từ phương Tây sau khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự tại Ukraine đã khiến Moscow thay đổi quan điểm.
“Hiện Nga đang chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi các lệnh trừng phạt từ phương Tây, trong khi Trung Quốc lại đạt tiến bộ trong nhiều lĩnh vực như nghiên cứu khoa học, đóng tàu và logistics. Nga giờ đây có thể tận dụng đầu tư và công nghệ của Trung Quốc để đối phó các biện pháp hạn chế do lệnh cấm vận của phương Tây” - ông Wang nhận định.
Bên cạnh tuyến NSR chạy dọc bờ biển phía Bắc Nga, Bắc Kinh cũng đang cân nhắc khả năng khai thác 2 tuyến vận tải Bắc Cực khác: tuyến Tây Bắc chủ yếu đi qua vùng lãnh hải Canada và tuyến xuyên cực chạy qua Bắc Cực.
Mặc dù dự kiến đến thập niên 2050, tuyến xuyên cực mới có thể không còn băng đá và khả thi trong vài tháng mỗi năm, Trung Quốc đã sớm quan tâm đến những ý nghĩa chiến lược của tuyến đường này.
Theo một báo cáo trước đó, các tàu nước ngoài, bao gồm cả tàu Trung Quốc, hiện phải trả phí khi sử dụng NSR qua Nga. Tuy nhiên, nếu đi qua tuyến xuyên cực - nằm ngoài lãnh hải của bất kỳ quốc gia nào – các tàu có thể di chuyển tự do và rút ngắn đáng kể hành trình.
Với tầm nhìn dài hạn, Bắc Kinh đã xác định Bắc Cực là một phần trong chiến lược “Con đường Tơ lụa Vùng Cực” của Sáng kiến Vành đai và Con đường, nhằm khai thác các tiềm năng kinh tế và địa chính trị mà khu vực này mang lại trong tương lai.
Trung Quốc hiện là khách hàng lớn thứ hai mua dầu thô Nga, chỉ xếp sau Ấn Độ, kể từ khi châu Âu bắt đầu cắt giảm nhập khẩu năng lượng từ Moscow do cuộc xung đột Ukraine.
Nguyễn Phương