Ngành TT&TT và danh xưng qua những lần 'thay áo' mới

Ngành TT&TT và danh xưng qua những lần 'thay áo' mới
16 giờ trướcBài gốc
Mỗi giai đoạn là cả một chặng đường vẻ vang, là sự tiếp nối – phấn đấu đi lên của biết bao thế hệ những người làm: Bưu điện (Bưu chính – Viễn thông); Thông tin, Tuyên truyền; Báo chí, xuất bản; Phát thanh truyền hình…
Báo VietNamNet xin điểm lại những danh xưng qua các thời kỳ gắn liền với quá trình hình thành và phát triển của ngành TT&TT trong 80 năm qua.
Cùng dân tộc 9 năm kháng chiến trường kỳ (1945-1954)
Ngày 28/8/1945, Chính phủ Cách mạng lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa được thành lập và ra mắt quốc dân đồng bào vào đúng dịp Quốc khánh 2/9/1945. Trong 12 bộ ngành đầu tiên trực thuộc Chính phủ lâm thời, có Bộ Thông tin - Tuyên truyền, đứng đầu là Bộ trưởng Trần Huy Liệu, tiền thân Bộ TT&TT ngày nay. Ngày 28/8/1945 sau này cũng được Bộ TT&TT lấy làm ngày truyền thống cho toàn ngành từ năm 2016.
Dù gặp muôn vàn khó khăn nhưng mạng lưới thông tin liên lạc luôn được giữ vững.
Song song với mảng Thông tin - Tuyên truyền, lĩnh vực Bưu điện cũng được thành lập trong cùng thời gian này nhưng lại “đứng chân” trong một bộ khác. Cụ thể, ngày 14-15/8/1945, Hội nghị toàn quốc của Ðảng Cộng sản Ðông Dương ra Nghị quyết thành lập “Ban giao thông chuyên môn” (thuộc Bộ Giao thông công chính sau này), từ đó ngày 15/8 được lấy làm ngày truyền thống của ngành Bưu điện - đây cũng chính là một lĩnh vực xương sống của ngành TT&TT qua các thời kỳ.
Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, lĩnh vực Bưu điện đã trải qua một thời kỳ vô cùng khó khăn, thiếu thốn nhưng mạng lưới thông tin liên lạc luôn được giữ vững với ba phương thức: Thông tin điện thoại, vô tuyến điện, đường thư. Thời kỳ này tồn tại song song 2 hệ thống: Giao thông liên lạc của Ðảng và hệ thống Bưu điện; Ðồng thời tên gọi, cơ cấu tổ chức lĩnh vực Bưu điện cũng được điều chỉnh tới 3 lần.
Cùng thời gian này, lĩnh vực Thông tin, Tuyên truyền cũng có 7 lần thay đổi tên gọi, cơ cấu tổ chức. Cụ thể, ngày l/l/1946, Chính phủ Liên hiệp lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành lập Bộ Tuyên truyền và Cổ động (thay cho tên gọi Bộ Thông tin – Tuyên truyền). Ngày 13/5/1946, hệ thống tổ chức thông tin, tuyên truyền thuộc Nha Thông tin, Tuyên truyền được chuyển sang Bộ Nội vụ.
Ngày 27/11/1946, tiếp tục đổi tên Nha Thông tin, Tuyên truyền thành Nha Thông tin. Ngày 10/7/1951, lại sáp nhập Nha Thông tin thuộc Bộ Nội vụ vào Phủ Thủ tướng (tên cũ là Thủ tướng phủ - tương đương Văn phòng Chính phủ hiện nay-NV). Ðến ngày 24/2/1952, Chủ tịch nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa quyết định hợp nhất Nha Thông tin (thuộc Thủ tướng phủ) và Vụ Văn học, nghệ thuật (thuộc Bộ Giáo dục) thành Nha Tuyên truyền và Văn nghệ (thuộc Thủ tướng phủ). Sau chiến thắng Ðiện Biên Phủ, tháng 8/1954, Chính phủ quyết định lập lại Bộ Tuyên truyền.
Với lĩnh vực báo chí (thuộc Bộ Thông tin, Tuyên truyền), thời kì này, các cơ quan báo chí lớn cũng ra đời như: Ðài Tiếng nói Việt Nam (7/9/1945), Thông tấn xã Việt Nam (15/09/1945)... đã giúp báo chí thực hiện được sứ mệnh “người thư ký trung thành” của thời đại.
21 năm kháng chiến chống Mỹ (1954 -1975)
Trong thời kì này, tên của các đơn vị ngành TT&TT cũng liên tục có sự thay đổi cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ thực tế cách mạng 2 miền.
Cụ thể, năm 1947, lĩnh vực Bưu điện thuộc Bộ Giao thông công chính; từ năm 1955 đổi tên Nha Bưu điện -Vô tuyến điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện Việt Nam thuộc Bộ Giao thông và Bưu điện. Năm 1962, đổi tên Tổng cục Bưu điện Việt Nam thành Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh Việt Nam. Năm 1968 lại đổi tên Tổng cục Bưu điện - Truyền thanh thành Tổng cục Bưu điện… Trong khi đó, lĩnh vực Thông tin tuyên truyền cũng kinh qua nhiều thăng trầm khi tháng 8/1954, Hội đồng Chính phủ lại tái thành lập Bộ Tuyên truyền. Sang năm 1955, Quốc hội nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa lại đổi lại Bộ Tuyên truyền thành Bộ Văn hóa. Ngày 11/10/1965, lại được đổi tên thành Tổng cục Thông tin và đến ngày 6/6/1969, Bộ Thông tin - Văn hóa được thành lập.
Lễ bàn giao công tác Tổng cục Bưu điện và Bộ Bưu chính, Viễn thông.
Còn ở miền Nam, do đặc thù của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước nên Bưu điện Nam Bộ đặt dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Trung ương cục miền Nam, được phân ra hai ngành có quan hệ mật thiết với nhau là: “Giao bưu” và “Thông tin vô tuyến” để dễ chỉ đạo và hoạt động.
Thời kỳ này báo chí cả nước đều hướng tới mục tiêu chung là đấu tranh cho khát vọng hòa bình, thống nhất non sông.
Ðồng hành cùng đất nước thời kỳ mới (1976-2007)
Sau Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4/1975, ngày 19/8/1975, toàn ngành Bưu điện được thống nhất quản lý toàn diện theo ngành dọc trong phạm vi cả nước dưới tên Tổng cục Bưu điện. Năm 1976, Tổng cục Bưu điện tham gia Liên minh Bưu chính Thế giới (UPU) và Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU). Ngày 31/3/1990, lĩnh vực Bưu điện được giao cho Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện quản lý.
Ngày 7/4/1990, Hội đồng Bộ trưởng (tên gọi khác của Chính phủ) chuyển Tổng cục Bưu điện thành Tổng Công ty Bưu chính - Viễn thông Việt Nam nằm trong Bộ Giao thông Vận tải và Bưu điện. Ngày 26/10/1992, Chính phủ quyết định thành lập Tổng cục Bưu điện trực thuộc Chính phủ, quản lý nhà nước 3 lĩnh vực: Bưu chính Viễn thông, kỹ thuật truyền dẫn tín hiệu Phát thanh Truyền hình và công nghiệp Bưu điện.
Ngày 7/5/1994, Chính phủ quyết định chuyển Tổng công ty Bưu chính - Viễn thông (VNPT) thành tập đoàn kinh doanh của Nhà nước (đến ngày 29/4/1995 trực thuộc Chính phủ).
Ðặc biệt, ngày 11/11/2002, trong tiến trình sáp nhập các bộ ngành, Chính phủ quyết định thành lập Bộ Bưu chính, Viễn thông (quản lý nhà nước về bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin, điện tử, Internet, truyền dẫn phát sóng, tần số vô tuyến điện và cơ sở hạ tầng thông tin quốc gia trong phạm vi cả nước).Trong cùng thời gian, lĩnh vực Thông tin, Tuyên truyền, Báo chí (dưới sự quản lý của Bộ Thông tin - Văn hóa được thành lập từ năm 1969) cũng có sự phát triển vượt bậc với rất nhiều lần đổi tên. Cụ thể, năm 1977, hợp nhất Tổng cục Thông tin và Bộ Văn hóa thành Bộ Văn hóa và Thông tin. Năm 1981, tiếp tục đổi tên Bộ Văn hóa và Thông tin thành Bộ Văn hóa.
Sang năm 1987, thành lập lại Bộ Thông tin. Năm 1990, hợp nhất và thành lập Bộ Văn hóa - Thông tin - Thể thao và Du lịch. Năm 1992, đổi lại Bộ Văn hóa - Thông tin và Thể thao thành Bộ Văn hóa - Thông tin. Năm 2007, một số mảng như báo chí, xuất bản của bộ này được chuyển về Bộ TT&TT ngày nay, khi tái thành lập Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch (ngày 31/7/2007).
Cơ cấu mới, sứ mệnh mới, khát vọng mới
Tháng 8/2007, Bộ TT&TT được thành lập trên cơ sở chức năng nhiệm vụ của Bộ Bưu chính, Viễn thông và tiếp nhận thêm chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về báo chí, xuất bản từ Bộ Văn hóa – Thông tin. Lịch sử ngành TT&TT Việt Nam chính thức bước sang một trang mới, đón nhận những sứ mệnh mới và thực thi những khát vọng mới.
Nếu “Bộ Bưu chính, Viễn thông ra đời là kết quả quá trình phấn đấu đi lên của ngành Bưu điện và phù hợp với xu thế thế giới” - lời nguyên Bộ trưởng Bộ Bưu chính Viễn thông Ðỗ Trung Tá; thì việc thành lập Bộ TT&TT thể hiện tư duy mới trong quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo hướng tinh gọn bộ máy nhằm phù hợp với xu thế phát triển công nghiệp nội dung và hạ tầng truyền thông của thế giới.
Ðặc biệt, từ năm 2021, Bộ TT&TT tiếp tục bước lên phía trước, là đầu tàu dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số quốc gia.
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/nganh-tt-tt-va-danh-xung-qua-nhung-lan-thay-ao-moi-2356749.html