Cối đá làm theo đơn đặt hàng
Anh Sĩ với tình yêu nghề truyền thống - làm cối đá
Cối đá không chỉ là một dụng cụ nhà bếp, mà còn mang đậm nét văn hóa truyền thống. Nhiều bậc cao niên cho rằng, việc sở hữu 1 chiếc cối đá mới trong nhà vào dịp Tết tượng trưng cho sự khởi đầu mới, may mắn và no ấm. Ngày xưa, cối đá thường được xem là món quà ý nghĩa cho người thân, bạn bè vào dịp Tết. Nó thể hiện sự quan tâm, tấm lòng của người tặng và mang đến những giá trị tốt đẹp cho người nhận.
Những chiếc cối đá, với hình dáng mộc mạc, giản dị trở thành một phần không thể thiếu trong mỗi gia đình. Vào dịp Tết, nhu cầu sử dụng cối đá để sơ chế các nguyên vật liệu làm bánh mứt lại tăng lên đáng kể. Điều này khiến cho những người theo nghề làm cối đá trở nên tất bật hơn. Qua quá trình chọn đá, đẽo gọt, mài nhẵn, 1 chiếc cối đá dần hình thành, mang theo hơi ấm của bàn tay người thợ và cả tâm hồn Việt. Mỗi chiếc cối đá là 1 tác phẩm nghệ thuật độc đáo, không chiếc nào giống chiếc nào.
Nghề làm cối đá là nghề thủ công đòi hỏi sự tỉ mỉ, kiên nhẫn và khéo léo. Những người thợ làm cối đá thường là những người dân quê chất phác. Họ gắn bó với nghề này từ bao đời nay và xem nó như một phần máu thịt của mình.
Vào dịp Tết, cuộc sống của những người thợ làm cối đá trở nên tất bật hơn. Họ phải làm việc không ngừng nghỉ để kịp giao hàng cho khách. Tuy nhiên, trong đôi mắt của họ vẫn ánh lên niềm vui và sự tự hào. Bởi họ biết rằng, những sản phẩm của mình là những vật dụng gia đình và là món quà ý nghĩa, mang đậm nét văn hóa truyền thống. Những chiếc cối đá làm ra từ vùng đất ông Thoại được khách hàng trong và ngoài tỉnh ưa chuộng, đặt hàng. Tại ấp Tây Sơn (thị trấn Núi Sập, huyện Thoại Sơn) - những chiếc cối đá mang hồn quê được sinh ra từ khá lâu đời. Anh Nguyễn Ngọc Sĩ (sinh năm 1983), với đôi bàn tay chai sạn cùng tâm hồn yêu nghề, đã gắn bó nghề làm cối đá truyền thống của gia đình suốt nhiều năm qua. Mỗi dịp Tết đến, xưởng sản xuất của anh Sĩ nhộn nhịp hơn bao giờ hết. Ngày thường, anh chỉ bán được khoảng 100 chiếc cối đá mỗi tháng thì vào những tháng cận Tết, con số này tăng gấp đôi.
Cối đá trở thành một món đồ gia dụng quen thuộc trong mỗi gia đình. Giá bán dao động từ 130.000 - 160.000 đồng/chiếc, tùy thuộc vào kích cỡ. Những chiếc cối đá có kích thước lớn, giá dao động từ 600.000 - 700.000 đồng thậm chí cả triệu đồng/chiếc nhưng vẫn được khách hàng đặt. Anh Sĩ cho biết: “Để tạo ra 1 chiếc cối đá đẹp, người thợ phải có đôi mắt tinh tường để chọn những viên đá có gân hô trắng, gân hô xanh. Những viên đá này khi được mài nhẵn sẽ tạo ra những chiếc cối sáng bóng, đẹp mắt. Đặc biệt, những chiếc cối đá có kích thước nhỏ lại càng đòi hỏi sự tỉ mỉ và khéo léo của người thợ”.
Đây còn là nghề đòi hỏi sự kiên nhẫn, chăm chỉ và lòng yêu nghề. Anh Sĩ nhớ lại những ngày đầu mới vào nghề, dụng cụ thô sơ, tay chân thường xuyên bị thương vì những mảnh đá sắc nhọn. Nhưng với niềm đam mê cháy bỏng, anh Vũ vượt qua tất cả để trở thành thợ lành nghề. Ngày nay, với sự hỗ trợ của máy móc hiện đại, công việc của người thợ trở nên nhẹ nhàng hơn rất nhiều. “Việc đục, đẽo đá hoàn toàn bằng thủ công như xưa rất mất thời gian và tổn sức lao động. Chưa kể, chiếc cối đá làm ra cũng có độ nhám cao hơn so việc được mài nhẫn bằng máy. Việc đầu tư những chiếc máy cắt đá, mài đá đã giúp cơ sở tôi làm ra 1 chiếc cối đá nhanh hơn rất nhiều” - anh Sĩ chia sẻ.
Chiếc cối đá là minh chứng sinh động cho sự kết hợp hài hòa giữa truyền thống và hiện đại, giúp gìn giữ nét đẹp văn hóa đặc trưng của quê hương và mang lại thu nhập ổn định cho người dân. Ngoài cối đá truyền thống, có rất nhiều sản phẩm từ đá khác cũng trở nên “hot” trong dịp Tết, đáp ứng nhu cầu trang trí và làm quà tặng của người tiêu dùng được cơ sở anh Sĩ làm ra, như: Chén đá, tượng đá… Nói chung, cơ sở của anh Sĩ làm theo đơn đặt hàng của khách, nên lượng khách hàng ổn định quanh năm. Vẻ đẹp tự nhiên của đá kết hợp với bàn tay khéo léo của người thợ cần mẫn tạo nên những sản phẩm độc đáo.
PHƯƠNG LAN