Nghị quyết 68: Cú hích cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo

Nghị quyết 68: Cú hích cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo
4 giờ trướcBài gốc
Bộ Tư pháp vừa công bố hồ sơ thẩm định dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển kinh tế tư nhân, nhằm thể chế hóa các chủ trương trong Nghị quyết 68-NQ/TW của Bộ Chính trị. Trong đó, các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo được kỳ vọng tạo ra cú hích mạnh mẽ, khơi thông điểm nghẽn, mở đường cho làn sóng phát triển mới của khu vực kinh tế năng động này. Việc cụ thể hóa và triển khai đồng bộ sẽ là yếu tố quyết định hiệu quả thực thi.
Chính sách rõ ràng, thúc đẩy R&D thực chất
TS Bùi Thanh Luân, Giám đốc Công ty Cơ điện tử Hiệp Phát, chuyên gia Hội Tự động hóa TP.HCM, đánh giá cao Nghị quyết 68, đặc biệt là chính sách miễn, giảm thuế hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và đổi mới sáng tạo.
Cần cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ mạnh mẽ hơn, rút ngắn thời gian cấp bằng sáng chế, tạo “lá chắn” vững chắc cho các doanh nghiệp tiên phong, đổi mới sáng tạo. Ảnh: QH
Theo ông, đột phá lớn nằm ở cơ chế cho phép doanh nghiệp dùng khoản thuế lẽ ra phải nộp để đầu tư vào R&D (nghiên cứu và phát triển sản phẩm). “Như ở Hàn Quốc, doanh nghiệp có thể giữ lại 1 triệu USD thuế để đặt hàng nghiên cứu tại các trường ĐH” - TS Luân ví dụ.
Nguồn kinh phí sẽ được chuyển đến các phòng thí nghiệm, sử dụng minh bạch, có kiểm soát từ cơ quan chuyên môn. Để tránh hình thức, chỉ những sản phẩm có giá trị thực được bảo hộ sáng chế hoặc công bố quốc tế mới được ưu đãi. Cơ chế này vừa tạo sản phẩm mới, vừa đào tạo nhân lực chất lượng cao.
Nghị quyết 68, với việc cho phép khấu trừ chi phí R&D (ví dụ 20% như một số đề xuất), đang đi rất đúng hướng, học hỏi kinh nghiệm thành công từ các nước phát triển.
Ông Luân nhấn mạnh với cơ chế này, các phòng nghiên cứu có thể thu hút cả chuyên gia, nhà khoa học nước ngoài đến làm việc, giải quyết các bài toán của doanh nghiệp Việt Nam bằng nguồn chất xám quốc tế. “Nghị quyết 68, với việc cho phép khấu trừ chi phí R&D (ví dụ 20% như một số đề xuất), đang đi rất đúng hướng. Dù tỉ lệ 20% có thể còn khiêm tốn nhưng đây đã là một bước tiến đáng kể” - ông Luân nói.
Chuyên gia tin rằng chính sách này sẽ giúp doanh nghiệp lớn tăng cường đầu tư R&D, tạo ra hệ sinh thái nghiên cứu mạnh thông qua hợp tác với trường ĐH.
Thời gian cấp bằng sáng chế ở Việt Nam hiện còn quá lâu, có thể mất đến hơn hai năm. Doanh nghiệp cần được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ trong vòng 3-6 tháng để yên tâm phát triển và bảo vệ thành quả sáng tạo. Cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ là yêu cầu cấp thiết để bảo vệ doanh nghiệp.
TS BÙI THANH LUÂN, Giám đốc Công ty Cơ điện tử Hiệp Phát
Luật sư Nguyễn Đức Nghĩa, Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp nhỏ và vừa (HUBA), nhận định các chủ trương trong dự thảo nghị quyết là một bước tiến đáng kể. Đáng chú ý, việc cho phép trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ từ thu nhập tính thuế, cùng chính sách miễn, giảm thuế thu nhập doanh nghiệp và cá nhân cho hoạt động đổi mới sáng tạo là rất đúng đắn. Đây không chỉ là hỗ trợ tài chính, mà còn là sự ghi nhận nỗ lực tiên phong của doanh nghiệp.
Quy định cho phép trích tối đa 20% thu nhập tính thuế để lập quỹ phát triển khoa học, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số được đánh giá là cơ hội lớn. “Nếu được hướng dẫn rõ ràng về các hạng mục chi tiêu, từ nghiên cứu cơ bản đến thương mại hóa sản phẩm, hay đào tạo nhân lực công nghệ thì đây là động lực rất lớn. Sự minh bạch và cụ thể trong quy định sẽ giúp doanh nghiệp tự tin lên kế hoạch R&D bài bản, làm nền tảng cho các sản phẩm, dịch vụ công nghệ cao” - luật sư Nghĩa chia sẻ.
Giải quyết “điểm nghẽn” về sở hữu trí tuệ
Theo TS Bùi Thanh Luân, một thành công lớn của Nghị quyết 68 là tháo gỡ “điểm nghẽn” về quyền sở hữu kết quả nghiên cứu. Trước đây, doanh nghiệp tư nhân là các doanh nghiệp khoa học nhận đề tài nghiên cứu và kinh phí từ nhà nước thì quyền sở hữu các kết quả nghiên cứu thuộc về nhà nước. "Việc sở hữu kết quả nghiên cứu như trước đây làm cản trở việc phát triển tiếp tục của các đề tài nghiên cứu, dẫn đến lãng phí và thiếu động lực sáng tạo" - ông nói.
Nghị quyết 68 cùng với Nghị quyết 57 đã thay đổi cách tiếp cận, khẳng định vai trò trung tâm của kinh tế tư nhân. Kết quả nghiên cứu do doanh nghiệp đầu tư cần thuộc về họ để tiếp tục phát triển, thay vì bị “cất vào tủ” tại các cơ quan công quyền, ông nhấn mạnh.
Dù vậy, TS Luân lo ngại việc triển khai có thể vướng rào cản cũ, đặc biệt là sự thiếu đồng bộ giữa các cơ quan.
Vì thế, ông kiến nghị cần văn bản chỉ đạo thống nhất từ Trung ương, hướng dẫn cụ thể đến các sở, ban ngành liên quan, đặc biệt là cơ quan thuế, để chính sách đi vào thực tiễn, tạo động lực thật sự cho doanh nghiệp đổi mới sáng tạo.
Ông Nguyễn Ngọc Luận, Giám đốc Công ty Cà phê Meet More, kỳ vọng ngoài chính sách hỗ trợ, môi trường kinh doanh cũng cần được cải thiện. Hiện nay, việc thành lập doanh nghiệp còn dễ dãi, thiếu sàng lọc về năng lực và ngành nghề, dẫn đến thị trường lộn xộn, tạo điều kiện cho những doanh nghiệp làm ăn thiếu chuyên nghiệp cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng đến các đơn vị đầu tư bài bản.
Từ thực tế của chính mình, ông chia sẻ doanh nghiệp mất nhiều năm nghiên cứu mô hình kết hợp nông sản vào cà phê, xây dựng thị trường nhưng khi vừa đạt kết quả ban đầu đã có đơn vị khác sao chép mô hình, cạnh tranh bằng giá rẻ mà không đầu tư cho R&D. Điều này gây nguy hiểm cho các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo còn yếu thế.•
Yếu tố “đổi mới sáng tạo”, “khoa học công nghệ” cần được làm rõ
Để chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ thực sự hiệu quả, điều kiện tiên quyết là phải quy định tiêu chuẩn và quy trình “hết sức cụ thể”.
Các khái niệm then chốt như “khoa học công nghệ”, “hoạt động khoa học công nghệ”, “chuyển đổi số”, “đổi mới sáng tạo” và “tính mới” hiện còn rất mơ hồ, thiếu định nghĩa thống nhất.
Doanh nghiệp chỉ tự tin áp dụng ưu đãi khi có định nghĩa, tiêu chí rõ ràng. Ngay cả với chính sách miễn, giảm thuế cho doanh nghiệp khởi nghiệp, yếu tố “đổi mới sáng tạo” hay “khoa học công nghệ” cũng cần được làm rõ.
Nếu không có sự cụ thể hóa này, chính sách dù ban hành cũng khó đi vào thực tế. Doanh nghiệp sẽ không dám áp dụng vì lo sợ sai sót, bị phạt hoặc vướng vào các vi phạm hành chính về thuế. Việc làm rõ các khái niệm này trước khi ban hành chính sách là yêu cầu cấp thiết.
Luật sư NGUYỄN ĐỨC NGHĨA, Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM
QUANG HUY
Nguồn PLO : https://plo.vn/nghi-quyet-68-cu-hich-cho-doanh-nghiep-doi-moi-sang-tao-post849582.html