Ba lĩnh vực: Ngân hàng; Y tế; Thông tin và truyền thông được chất vấn tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. Ảnh: TTXVN
Quốc hội thống nhất đánh giá, sau hai ngày làm việc nghiêm túc, trách nhiệm, với tinh thần đổi mới, đồng hành cùng Chính phủ, phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ 8 đã thành công tốt đẹp, thu hút sự quan tâm của cử tri và nhân dân cả nước.
Quốc hội ghi nhận những nỗ lực, cố gắng của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ trong thực hiện chức năng, nhiệm vụ trên các lĩnh vực, đạt nhiều kết quả tích cực, góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Qua chất vấn, Quốc hội nhận thấy vẫn còn một số tồn tại, hạn chế và bất cập cần khắc phục trong công tác quản lý nhà nước đối với các lĩnh vực ngân hàng, y tế, thông tin và truyền thông. Quốc hội cơ bản tán thành với các giải pháp, cam kết mà Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và các thành viên khác của Chính phủ đã báo cáo tại phiên chất vấn.
Quốc hội yêu cầu Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, cơ quan ngang bộ và các cơ quan liên quan tập trung thực hiện một số nội dung.
Đối với lĩnh vực ngân hàng, bám sát diễn biến thị trường, tình hình kinh tế trong và ngoài nước để điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, góp phần ổn định thị trường tiền tệ, ngoại hối, phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát, đáp ứng nhu cầu vốn cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay; bảo đảm tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, hạn chế nợ xấu gia tăng; hướng tín dụng vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, phát triển tín dụng xanh; khẩn trương ban hành, triển khai các chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ để hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn do ảnh hưởng, thiệt hại bởi cơn bão số 3 (Yagi), ngập, lụt, sạt lở đất sau bão số 3.
Quốc hội yêu cầu triển khai các giải pháp quản lý nhằm ổn định thị trường vàng; nâng cao vai trò quản lý và điều tiết thị trường vàng của Nhà nước theo đúng quy định; không để biến động giá vàng ảnh hưởng đến ổn định kinh tế vĩ mô. Nghiên cứu có chính sách hạn chế đầu cơ, tích trữ vàng, chuyển nguồn lực đầu tư vào sản xuất, kinh doanh. Chậm nhất tháng 6/2025, tiến hành tổng kết, nghiên cứu và đề xuất sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP ngày 3/4/2012 của Chính phủ về quản lý hoạt động kinh doanh vàng.
Đối với lĩnh vực y tế, Quốc hội yêu cầu tiếp tục triển khai thực hiện hiệu quả Luật Khám bệnh, chữa bệnh; Nghị quyết số 99/2023/QH15 ngày 24/6/2023 của Quốc hội giám sát chuyên đề về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch COVID-19; việc thực hiện chính sách, pháp luật về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
Đồng thời, hoàn thiện quy trình thẩm định cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh theo hướng minh bạch, tinh gọn, rút ngắn thời gian; tăng cường năng lực quản lý, nhân sự thực hiện công tác quản lý nhà nước về cấp giấy phép hành nghề và cấp giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh; huy động sự tham gia hiệu quả của các hội nghề nghiệp.
Ngoài ra, chấn chỉnh, xử lý nghiêm việc quảng cáo thực phẩm chức năng không đúng nội dung đã được xác nhận hoặc nội dung chưa được cơ quan có thẩm quyền xác nhận. Tăng cường công tác quản lý, thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh dược phẩm, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, nhất là hoạt động kinh doanh trên các trang thương mại điện tử, sàn giao dịch thương mại điện tử, mạng xã hội và xử lý nghiêm, công khai các trường hợp vi phạm theo quy định.
Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Đối với lĩnh vực thông tin và truyền thông, Quốc hội yêu cầu rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định về thông tin, truyền thông bảo đảm thống nhất, đồng bộ, hiệu lực, hiệu quả, phát triển. Sớm ban hành Quy hoạch phát triển mạng lưới cơ sở báo chí, phát thanh, truyền hình, thông tin điện tử, cơ sở xuất bản thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Tiếp tục nghiên cứu, đề xuất đổi mới cơ chế tài chính, giao nhiệm vụ, đặt hàng đối với cơ quan báo chí. Tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 75/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về giải quyết cơ bản và chấn chỉnh tình trạng “báo hóa” tạp chí, trang thông tin điện tử tổng hợp. Chú trọng bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và bản lĩnh chính trị cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên, lãnh đạo cơ quan báo chí. Đẩy mạnh kiểm tra, giám sát, xử lý các vi phạm trong hoạt động báo chí...
Nghị quyết nêu rõ: Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, các cơ quan, tổ chức hữu quan, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm thực hiện Nghị quyết. Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Nghị quyết và báo cáo Quốc hội về việc thực hiện Nghị quyết tại các kỳ họp sau.
TTXVN/Báo Tin tức