Sau bức tranh làng quê thanh bình ở thôn Trung Khánh là những trăn trở chưa lời giải về tình trạng nhiều người dân mắc ung thư. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Những bất an không còn giấu kín
Nằm giữa cánh đồng ven đê La Giang, thôn Trung Khánh từng là một vùng quê trù phú và bình dị với con đường nhỏ uốn quanh những ruộng lúa, cuộc sống của người dân nơi đây phần lớn gắn bó với nghề nông.
Vài năm trở lại đây, cuộc sống yên bình ấy dần bị đảo lộn khi ngày càng nhiều gia đình trong thôn có người mắc ung thư. Các ca bệnh xuất hiện liên tiếp ngày càng nhiều, tạo nên tâm lý lo lắng và hoang mang trong cộng đồng. Bầu không khí tại thôn Trung Khánh vì thế cũng đổi khác, trở nên trầm lắng hơn, người dân thận trọng hơn trong sinh hoạt, trò chuyện với mọi người xung quanh.
Giữa tháng 7, thời tiết ở miền Trung nắng gắt, trên những nẻo đường ở thôn Trung Khánh vẫn lặng lẽ như thường lệ. Phía sau sự bình yên ấy là một khoảng vắng đến ngột ngạt, tâm lý dè dặt luôn hiện hữu trong nhiều gia đình. Dạo một vòng trên con đường làng, không khó để bắt gặp những treo tấm biển nhỏ được người dân treo trước cổng nhà với dòng chữ: “Gia đình có người kiêng hơi lạnh, rất mong mọi người thông cảm. Xin cảm ơn”. Những dòng chữ ấy không đơn thuần là lời nhắn nhủ lịch sự, mà là biểu hiện rõ ràng nhất cho nỗi bất an đang len lỏi trong cộng đồng.
Ông Trần Ngọc Lan - Trưởng thôn Khánh Trung cho biết, đa số người dân trong thôn chủ yếu làm nghề nông, quanh năm gắn chặt với ruộng đồng, thu nhập bấp bênh nên ít có điều kiện để đi khám sức khỏe định kỳ. Vì vậy, khi người dân phát hiện bệnh thì thường đã ở giai đoạn muộn.
“Vài năm trở lại đây, số người mắc ung thư ở trong thôn tăng nhanh, đa số đều được chẩn đoán khi bệnh đã trở nặng. Cuộc sống phụ thuộc vào đồng ruộng, nên khi trong nhà có người chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo, gánh nặng chi phí điều trị trở thành áp lực lớn, không chỉ với gia đình mà cả cộng đồng cũng bị ảnh hưởng” - ông Lan nói.
Trước tình trạng đó, nhiều hộ dân thôn Khánh Trung đã bắt đầu thay đổi thói quen sinh hoạt. Họ chuyển từ nước giếng khoan sang nước sạch, hạn chế ăn thực phẩm nghi ngờ không an toàn, tăng cường kiểm tra sức khỏe. Tuy vậy, nỗi lo về căn bệnh hiểm nghèo này vẫn luôn hiện hữu và chưa bao giờ vơi đi khi người mắc bệnh liên tục xuất hiện ở nhiều độ tuổi khác nhau.
Theo người dân, một số giả thiết được đặt ra như tồn dư hóa chất nông nghiệp, ảnh hưởng từ giếng khoan cũ, hay hậu quả của chiến tranh do khu vực này từng bị đánh phá. Tuy nhiên, tất cả những nguyên nhân đó chỉ nằm lại ở những suy đoán và chưa có kết luận khoa học cụ thể từ cơ quan chuyên môn tỉnh Hà Tĩnh.
Bà Phan Thị Lê chia sẻ về hành trình phát hiện và điều trị bệnh ung thư. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Cần có sự vào cuộc của cơ quan chức năng
Mặc dù, số người mắc ung thư trong thôn ngày càng gia tăng và đã trở thành mối quan tâm chung, song trên thực tế cho thấy, phần lớn bệnh nhân chỉ được phát hiện khi bệnh đã tiến triển đến giai đoạn muộn. Điều này không chỉ gây khó khăn cho việc điều trị mà còn làm giảm cơ hội phục hồi, kéo theo nhiều hệ lụy về sức khỏe và kinh tế đối với từng gia đình.
Bà Phan Thị Lê (65 tuổi, trú tại thôn Trung Khánh) cho biết, cách đây ba năm, bà bắt đầu có triệu chứng mệt mỏi, tức ngực, sụt cân… và từng nhiều lần đi thăm khám nhưng được chẩn đoán viêm phổi. Mãi đến một lần vào miền Nam thăm con, thấy đau tức ngực dữ dội, bà đến bệnh viện kiểm tra lại thì được phát hiện ung thư phổi giai đoạn muộn.
“Vợ chồng tôi làm nông, con cái đi làm ăn xa nên không có điều kiện đi khám sớm. Khi bệnh trở nặng, tôi đi viện thì bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi giai đoạn muộn và chỉ định điều trị duy trì. Mỗi tháng tiền thuốc gần 30 triệu đồng, từ lúc phát hiện bệnh đến nay, gia đình tôi đã phải vay mượn gần 500 triệu đồng. Cán bộ bảo hiểm cũng có hướng dẫn tôi làm thủ tục giám định sức khỏe để được xem xét hỗ trợ toàn bộ chi phí thăm khám, nhưng nộp hồ sơ hơn nửa năm rồi vẫn chưa thấy đến lượt” - bà Lê chia sẻ.
Trong khi đó, ông Hồ Văn Tịnh (66 tuổi), cũng từng mất vợ vì căn bệnh ung thư cổ tử cung. Trong ký ức của ông Tịnh, thời gian trước, vài năm mới nghe có một người bị ung thư. Giờ thì năm nào cũng có, chỉ trong cụm dân cư nhỏ của thôn đã có ít nhất 7 người qua đời vì ung thư, còn 10 người khác hiện đang điều trị.
“Thôn Trung Khánh chủ yếu làm nông, môi trường xung quanh cũng tương đối trong lành. Chúng tôi không biết tại sao lại có nhiều người mắc phải căn bệnh nguy hiểm này. Có những trường hợp trước khi bị bệnh cuộc sống sinh hoạt của họ rất lành mạnh, không rượu bia, không thuốc lá... khi nghe tin bác sĩ báo tin dữ ai cũng bất ngờ” - ông Tịnh cho biết.
Ngoài ra, ông Tịnh cũng mong muốn, thời gian tới, các cơ quan chuyên môn và ngành chức chức năng tỉnh Hà Tĩnh về địa phương tìm hiểu, nghiên cứu để sớm tìm ra nguyên nhân.
Một ngôi nhà ở thôn Trung Khánh treo biển nhắc nhở khách đến chơi, dấu hiệu lặng lẽ về sự hiện diện của bệnh tật trong cộng đồng. Ảnh: Cẩm Kỳ.
Ông Nguyễn Trọng Thể - Phó Chủ tịch UBND xã Đức Thịnh cho biết, theo thống kê sơ bộ, trong vòng 5 năm trở lại đây, toàn thôn Trung Khánh ghi nhận 19 trường hợp mắc bệnh ung thư; trong đó, 7 người đã tử vong, số còn lại đang trong quá trình điều trị. Riêng trong năm 2024 và nửa đầu năm 2025, tại một cụm dân cư của thôn Trung Khánh đã có 10 người được phát hiện mắc bệnh ung thư. Các bệnh phổ biến như ung thư phổi, vòm họng…
“Dù chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, nhưng việc nhiều người mắc bệnh trong thời gian ngắn là điều rất đáng lo ngại. Hiện, địa phương đang hoàn tất thủ tục báo cáo với các ngành liên quan để khảo sát thực địa, lấy mẫu và đánh giá điều kiện sống của người dân. Đây là công việc cần sự phối hợp liên ngành, vì phải xét đến nhiều yếu tố như nguồn nước, thói quen canh tác, điều kiện khí hậu, môi trường…” - ông Thể nói.
Trao đổi với phóng viên Báo Đại đoàn kết, ông Nguyễn Minh Đức - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Hà Tĩnh cho biết, hiện đơn vị chưa nhận được báo cáo chính thức hay đề xuất cụ thể từ địa phương, về việc tìm nguyên nhân dẫn đến nhiều trường hợp người dân thôn Trung Khánh liên tiếp bị mắc bệnh ung thư.
“Quan điểm của ngành y tế là luôn quan tâm đến sức khỏe của người dân. Vì vậy, sau khi tiếp nhận thông tin, chúng tôi đã chỉ đạo Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Hà Tĩnh tiến hành kiểm tra thực tế, tổng hợp báo cáo và đề xuất hướng xử lý nếu phát hiện những vấn đề bất thường” - ông Đức cho hay.
Câu chuyện ở thôn Trung Khánh không chỉ là những con số thống kê về bệnh tật đơn thuần. Mà ở đó còn là tâm lý hoang mang, lo lắng luôn hiện diện trong từng bữa cơm, giấc ngủ và ánh mắt của người dân. Với dân người nơi đây, họ chỉ có một niềm mong mỏi duy nhất các cơ quan chức năng sớm vào cuộc để có câu trả lời rõ ràng và khoa học về nguyên nhân gây nên căn bệnh này, giúp người dân an tâm, ổn định cuộc sống.
CẨM KỲ