Người bệnh tiểu đường vui mừng khi được nhận thuốc đến 2-3 tháng

Người bệnh tiểu đường vui mừng khi được nhận thuốc đến 2-3 tháng
5 giờ trướcBài gốc
Sự thay đổi này là kết quả của Thông tư mới do Bộ Y tế ban hành, mang lại nhiều thuận lợi cho người bệnh mạn tính.
Căn cứ vào tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của bệnh nhân, bác sỹ sẽ quyết định kê đơn thuốc đủ dùng trong 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày.
Bà L.H.D. (75 tuổi, TP.HCM) đã sống chung với bệnh tiểu đường suốt 23 năm. Ngoài ra, bà còn bị tăng huyết áp và thoát vị đĩa đệm khiến việc di chuyển trở nên khó khăn, mỗi lần đi khám đều phải sử dụng xe lăn.
Trước đây, hàng tháng bà phải đến bệnh viện để khám định kỳ và nhận thuốc. Tuy nhiên, lần tái khám gần nhất, bác sỹ chẩn đoán bệnh của bà đang được kiểm soát tốt nên đã cân nhắc cấp thuốc trong thời gian dài hơn.
Khi biết sẽ được nhận thuốc đủ dùng cho 2 đến 3 tháng trong các lần tái khám tới, bà D. không giấu được niềm vui: "nếu được cấp thuốc cho 2 đến 3 tháng, tôi đỡ phải đi lại nhiều, giảm được chi phí đi lại đáng kể".
Việc cấp thuốc dài ngày không chỉ giúp bà D. bớt vất vả, mà còn giúp người thân của bà không cần phải thường xuyên xin nghỉ việc để đưa bà đi khám, từ đó công việc và sinh hoạt gia đình ít bị xáo trộn hơn.
Bên cạnh đó, bà D. còn được hưởng bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khám chữa bệnh vì đã tham gia bảo hiểm liên tục trong 5 năm.
Với mức lương hưu khoảng 5 triệu đồng mỗi tháng, bà cho biết khoản hỗ trợ từ bảo hiểm y tế giúp bà tiết kiệm được vài trăm nghìn đồng mỗi tháng, điều này rất ý nghĩa đối với người lớn tuổi sống bằng lương hưu.
Cùng chung niềm vui với bà D., ông K.Q. (70 tuổi, Tiền Giang) cũng rất phấn khởi khi biết bệnh đái tháo đường của mình nằm trong danh sách các bệnh được cấp thuốc dài ngày.
Ông cho biết đã uống thuốc điều trị suốt 20 năm, gần đây chuyển sang tiêm insulin nên mỗi tháng đều phải đến bệnh viện để khám và nhận thuốc.
Do sống một mình, mắt và tai đều yếu nên ông thường phải nhờ cháu ở xa đến hỗ trợ mỗi lần đi khám. Trước đây, ông từng đề nghị bác sỹ kê đơn thuốc trong thời gian dài hơn để đỡ phải đi lại thường xuyên, nhưng vì quy định cũ không cho phép nên bác sỹ không thể đáp ứng.
Thậm chí nếu muốn dùng thuốc dài ngày, ông buộc phải mua thêm các loại thuốc không nằm trong danh mục chi trả của bảo hiểm y tế. Do đó, khi biết quy định mới cho phép được nhận thuốc đến 90 ngày, ông cảm thấy rất nhẹ nhõm.
Theo Thông tư số 26/2025/TT-BYT do Bộ Y tế ban hành ngày 30/6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/7, người bệnh điều trị ngoại trú các bệnh mạn tính sẽ được cấp thuốc dài ngày, tối đa đến 90 ngày, tùy theo tình trạng sức khỏe và đánh giá của bác sỹ điều trị.
Tiến sỹ, bác sỹ Lâm Văn Hoàng, Trưởng khoa Nội tiết - Đái tháo đường, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, căn cứ vào tình trạng lâm sàng và mức độ ổn định của bệnh nhân, bác sỹ sẽ quyết định kê đơn thuốc đủ dùng trong 30, 60 hoặc tối đa 90 ngày. Điều này giúp người bệnh tiết kiệm thời gian, công sức và chi phí đi lại.
“Tuy nhiên, bác sỹ phải đánh giá kỹ lưỡng tình trạng của từng người bệnh. Với người cao tuổi, nguy cơ bệnh trở nặng là rất cao, nên việc kê đơn phải dựa trên đánh giá toàn diện về sức khỏe và khả năng đáp ứng điều trị”, bác sỹ Hoàng nhấn mạnh.
Ông cũng cho rằng chính sách mới về bảo hiểm y tế là một bước tiến thiết thực, đặc biệt có lợi cho người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính, người nghèo, người khuyết tật và cư dân sống ở vùng sâu, vùng xa.
Chính sách này giúp người dân tiếp cận dịch vụ y tế dễ dàng hơn mà không phải đối mặt với nhiều thủ tục hành chính rườm rà như trước.
Theo Thông tư mới, có 252 bệnh mạn tính được phép cấp thuốc trong thời gian tối đa 90 ngày. Danh mục này bao gồm các bệnh phổ biến như tăng huyết áp, đái tháo đường, hen phế quản, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), rối loạn lo âu, trầm cảm…
Ngoài ra, còn mở rộng sang các bệnh như viêm gan vi rút B mạn tính, HIV/AIDS, suy tuyến giáp, suy tuyến yên, các rối loạn nội tiết, bệnh về máu và hệ miễn dịch như Thalassemia, thiếu máu tan máu, xơ cứng cột bên teo cơ, Parkinson, Alzheimer và sa sút trí tuệ.
Việc mở rộng danh mục và thời gian cấp thuốc không chỉ mang lại lợi ích cho người bệnh mà còn góp phần giảm tải cho các cơ sở y tế, nâng cao hiệu quả quản lý bệnh mạn tính trong cộng đồng.
D.Ngân
Nguồn Đầu Tư : https://baodautu.vn/nguoi-benh-tieu-duong-vui-mung-khi-duoc-nhan-thuoc-den-2-3-thang-d335600.html