Người dân học xóa mù quyết tâm thi bằng lái xe máy

Người dân học xóa mù quyết tâm thi bằng lái xe máy
10 giờ trướcBài gốc
Các học viên tại Lễ khai giảng lớp xóa mù chữ ở điểm trường Nà Nọi, Trường Tiểu học Lang Môn, xã Minh Tâm, tỉnh Cao Bằng.
Chị Dất năm nay đã hơn 50 tuổi. Cả nửa đời người chưa từng cầm bút, chưa từng biết đọc, chị từng nghĩ "biết chữ" là điều xa vời. Nhưng rồi một ngày, ánh sáng từ lớp học muộn màng ấy đã thay đổi cả suy nghĩ lẫn cuộc đời chị.
“Không biết chữ nên khổ mãi rồi. Giờ có con chữ, tôi muốn thi bằng lái xe máy để đi buôn bán, chở nông sản, phát triển kinh tế. Có chữ, mình phải sống khác đi.” - Chị Dất bảo.
Sáng đèn lớp học vùng cao
Lớp học của những người nông dân lam lũ ấy được khai giảng ngày 17/1/2025, do Trường Tiểu học Lang Môn tổ chức tại điểm trường Nà Nọi. Theo kế hoạch, lớp có 27 học viên nhưng nhờ vận động tốt, buổi khai giảng đã có 32 người đăng ký học – 13 nam, 19 nữ – độ tuổi từ 15 đến 60, phần lớn là ngoài 40 tuổi. Họ là người dân tộc Mông và Dao, sống rải rác giữa núi đồi, ban ngày cày cấy, làm nương, chăn nuôi; tối đến lại thắp đèn đến lớp.
Các học viên dù nhiều tuổi vẫn miệt mài học tập tại lớp học xóa mù chữ ở điểm trường Nà Nọi.
Giáo viên đứng lớp là hai thầy cô giàu kinh nghiệm: thầy Mạc Trường Giang dạy Toán, cô Hoàng Thị Yêm dạy tiếng Việt. Dù đã hơn 20 năm đứng lớp nhưng đây là lần đầu tiên họ dạy xóa mù chữ – một hành trình không giáo án nào có thể đo lường hết cảm xúc.
“Có hôm trời mưa như trút, đường trơn bùn lầy, nhưng các học viên vẫn đội áo mưa, đèn pin rọi đường đi học đủ. Thấy vậy, tôi cảm thấy hạnh phúc không gì diễn tả nổi”, cô Yêm xúc động nói. Còn thầy Giang chia sẻ: “Mỗi buổi dạy như buổi sinh hoạt của một gia đình. Mọi học viên đều coi tôi và cô Yêm như anh chị em ruột thịt, học tập, chia sẻ rất thân thiết. Lớp học không có khoảng cách.”
Tối nào, đúng 6 giờ, lớp học lại sáng đèn. Ánh đèn vàng hắt ra từ căn phòng nhỏ giữa bản, nơi mỗi con người đang học cách viết tên mình, viết “mẹ”, viết “Tổ quốc”. 9 giờ là giờ nghỉ nhưng nhiều hôm lớp kéo dài đến 10 giờ đêm, có người chưa ăn tối cũng không muốn rời lớp.
Mỗi buổi học đều đầy ắp tiếng cười. Có ba học viên – chị Dất, chị Sinh, anh Đài – đều phải mất cả tuần mới cầm chắc được cây bút. Tay trái run run, nét chữ méo mó nhưng ai cũng cười rạng rỡ khi viết được dòng chữ đầu tiên.
“Cầm tay uốn nắn từng nét, tôi mới hiểu dạy học không chỉ là truyền đạt kiến thức, mà là truyền đi một niềm tin”, cô Yêm kể.
Ấn tượng nhất là chị Ngô Thị Kía – sinh năm 1964 – học viên lớn tuổi nhất nhưng cũng là người chăm chỉ nhất. Không chỉ tự học, chị còn giúp đỡ bạn cùng lớp. Nhiều hôm về nhà, chị còn luyện viết cùng cháu. “Thấy bà chăm học, cháu cũng chăm học hơn”, chị cười hiền.
Mở lối cho những ước mơ
Lớp học không chỉ dạy chữ mà còn mở lối cho những ước mơ tưởng như đã ngủ quên. Như anh Triệu Trồng Phin, thợ xây, sau khi biết đọc biết viết, đã tính được diện tích, khối lượng vật liệu, không còn bị “lệ thuộc” người khác khi tính công.
“Hồi chưa biết chữ, mỗi lần tính sai là mất tiền oan. Giờ thì tự tính, tự làm chủ”, anh Phin nói với ánh mắt lấp lánh.
Ngoài giờ học, cô giáo và học viên lớp xóa mù chữ tại điểm trường Nà Nọi thường xuyên trò chuyện, tâm sự chuyện cuộc sống.
Để thắp sáng cho những ước mơ nơi lớp xóa mù chữ vùng cao, cô Yêm phải vượt hơn 14km mỗi ngày để đến lớp, trong đó có hơn 1km đường đất trơn trượt, có lần mưa phải dắt xe lội bùn. Dạy xong, thầy Giang lại đi cùng cô Yêm ra đến quốc lộ - nơi ấy chồng cô Yêm đã đón sẵn. "Đêm tối tôi sợ lắm, may là có thầy Giang dạy cùng và chồng luôn sát cánh" - cô Yêm tâm sự.
“Chúng tôi không thể bỏ lớp, vì mỗi buổi học với các học viên là một ngày đáng quý. Họ đang đánh đổi cả sức lực, thời gian để đến lớp, để có được con chữ" - thầy Giang nói.
Lớp học kết thúc vào tháng 5/2025. 100% học viên đọc thông, viết thạo. Khoảng 70% học viên hoàn thành tốt chương trình. Với họ, không còn gì quý hơn khi có thể viết tên mình trên giấy, đọc sách, tính toán và đặc biệt là tin rằng mình còn có thể học.
Sau lớp học, chị Dất vẫn tiếp tục đi ôn luyện để thi bằng lái xe máy. “Tôi học để đi làm, để nuôi cháu, để đi chợ bán hàng, chở bí chở ngô... Tôi học để biết mình cũng có giá trị như bao người khác”, chị cười tươi trong bộ váy áo dân tộc.
Từ một lớp học nhỏ giữa vùng cao, ánh sáng con chữ đã thắp lên những giấc mơ lớn. Giấc mơ đổi đời bắt đầu từ một nét bút run run, từ một trang giấy trắng, từ sự tận tâm của thầy cô và nỗ lực của người học. Ở đó, không có ai là quá muộn để bắt đầu.
Quốc Tuân
Nguồn GD&TĐ : https://giaoducthoidai.vn/nguoi-dan-hoc-xoa-mu-quyet-tam-thi-bang-lai-xe-may-post740954.html