Greenspan: Kỹ sư của cỗ máy kinh tế
Khi nói đến nhà Toán học vĩ đại nhất thế kỷ XX, có lẽ tên của Greenspan không có trong danh sách, nhưng trong số các nhà kinh tế, ông lại cực kỳ nhạy cảm với các con số và mô hình, và rõ ràng xứng đáng được coi là thiên tài.
Khi theo học tại Đại học New York, các chuyên ngành chính mà Greenspan theo học là tài chính và kế toán. Trong cuốn tự truyện của mình, ông đã đề cập rằng trong những năm đi học, ông từng là thực tập sinh tại một doanh nghiệp Mỹ. Tổ chức này là công ty Brown Brothers nổi tiếng ở Phố Wall.
Một góc ảnh đặc biệt về Alan Greenspan. Ảnh: The Guardian.
Công việc đầu tiên mà Greenspan làm tại Brown Brothers là sắp xếp và điều chỉnh một số dữ liệu do Cục Dự trữ Liên bang công bố theo tuần, đặc biệt là số liệu thống kê của các chuỗi siêu thị lớn. Công việc này có vẻ đơn giản, nhưng lại hết sức lắt nhắt và tốn nhiều công sức. Vì thời điểm đó chưa có máy tính nên không dễ để thao tác các dữ liệu thống kê. Rất nhiều tính toán thủ công, liên tục phải dùng bút chì để tạo các bảng vẽ và sau đó thực hiện từng bộ quy trình để điều chỉnh từng dữ liệu một. Dù công việc hết sức khô khan, nhàm chán, nhưng Greenspan lại rất mực yêu nghề.
Ông bẩm sinh đã rất nhạy cảm với những con số. Đối mặt với những con số buồn tẻ và nhàm chán, ông có thể tìm thấy những thứ mà người khác không thể thấy. Thông qua công việc này, Greenspan đã hoàn toàn nắm vững và thành thạo các kỹ năng cơ bản trong thống kê. Quan trọng nhất, dưới sự chỉ dẫn của các phương pháp khoa học, sự nhạy cảm siêu hạng của ông đối với dữ liệu đã đạt đến cảnh giới “cho phép dữ liệu bước ra để kể chuyện”.
Sau khi tốt nghiệp đại học, Greenspan đã làm công tác liên quan đến lĩnh vực dữ liệu thống kê tại Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia (The Conference Board, một viện chính sách ở New York). Đối tượng phục vụ của hiệp hội này chính là Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York.
Thư viện sách khổng lồ của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia đã trở thành phần quan trọng nhất trong cuộc sống của Greenspan. Bằng cách xem xét các thư tịch, tài liệu và báo cáo thống kê, Greenspan bắt đầu hiểu được cơ chế hoạt động của nền kinh tế Mỹ. Đồng thời, ông hiểu cách các ngành công nghiệp khác nhau vận hành và liên kết với nhau để tạo thành một hệ thống kinh tế quốc gia toàn diện như thế nào.
Trong đầu Greenspan bắt đầu có những hình dung rõ nét về quá trình phát triển của hệ thống công nghiệp kể từ thời Cách mạng Công nghiệp cho đến nay. Từ động cơ hơi nước đến dệt may, từ đường sắt đến luyện kim, từ vận chuyển đến đóng tàu, từ máy móc đến quân sự, từ điện báo đến điện thoại, từ than đá đến dầu mỏ, từ ô tô đến máy bay... Vô số ốc vít của khía cạnh kinh tế xã hội đã được vặn chặt với nhau trong tư duy của Greenspan để làm cho cỗ máy khổng lồ của nền kinh tế quốc gia được vận hành.
Thư viện của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia cũng cung cấp một loạt các số liệu thống kê cho Greenspan. Hầu hết các số liệu thống kê đều đã “già”, trong đó có không ít số liệu bắt đầu thống kê từ thời Nội chiến năm 1861. Hiệp hội này đã tiến hành thu thập số liệu thống kê hết sức chi tiết của hầu hết các ngành công nghiệp và ngành nghề quan trọng ở Mỹ.
Greenspan vùi mình trong thư viện của Hiệp hội Công nghiệp Quốc gia chẳng khác gì một con chuột rơi vào bể gạo, ông hoàn toàn bị mê hoặc bởi những dữ liệu thống kê này. Nếu đi sâu tìm hiểu ngành sản xuất bông, ông sẽ nghiên cứu tất cả các loại bông, từ thành phần, chất lượng cho đến chủng loại, quy trình sản xuất. Các loại bông khác nhau sẽ được sử dụng như thế nào trong ngành công nghiệp, cách gia công chúng, cần những loại máy móc và quy trình sản xuất ra sao, cho đến cả việc tiêu thụ trên thị trường.
Trong mắt của Greenspan, những dữ liệu này là một thế giới đầy màu sắc. Những dữ liệu quan trọng bậc nhất của Mỹ như vận tải đường sắt toàn quốc, ngành cao su, thống kê nhân khẩu học năm 1890 của Mỹ lại càng thu hút được sự chú ý của Greenspan.
Những con số và tài liệu vô tận này hẳn sẽ khiến nhiều người buồn ngủ, ấy nhưng Greenspan lại thích thú vô tận và chẳng thể kìm nổi. Đắm chìm trong đại dương dữ liệu, Greenspan nhanh chóng có được sự hiểu biết sâu sắc và toàn diện về số liệu thống kê của các ngành công nghiệp khác nhau ở Mỹ.
Sau một vài năm, Greenspan đã hoàn toàn hiểu rõ về cơ chế tổng thể liên quan đến vận hành của bộ máy kinh tế Mỹ. Cộng thêm những nghiên cứu chuyên sâu của ông về dữ liệu của các ngành công nghiệp khác nhau qua các thời kỳ, lúc này chàng trai trẻ Greenspan đã trở thành “công nhân kỹ thuật” hết sức lành nghề trong lĩnh vực “cơ khí kinh tế”. Ông thuộc nằm lòng nguyên lý máy móc, biết tất cả các thông số vận hành và đã tích lũy được khá nhiều “kinh nghiệm lịch sử” trên dữ liệu động của từng thành phần và hiệu ứng liên kết của nó.
Bộ não của ông như thể được trang bị một phần mềm có khả năng phân tích nhanh chóng tình trạng công nghiệp và xu hướng phát triển hiện tại của Hoa Kỳ, và có thể nắm bắt chính xác quy luật và nhịp đập của hoạt động kinh tế từ dữ liệu. Thông qua việc đọc và tích lũy dữ liệu một cách liên tục và chuyên sâu trong suốt nhiều năm. “Mô hình Greenspan” đã thành công trong việc tạo ra một mô-đun dữ liệu và các luồng dữ liệu độc đáo và chính xác để phân tích trạng thái hoạt động của bộ máy kinh tế từ tổng thể cho đến cục bộ.
Nếu nhập một loạt các thông số cơ bản liên quan đến phạm vi hoạt động kinh tế của doanh nghiệp, bộ não của Greenspan có thể ngay lập tức tạo ra một báo cáo dự đoán chu kỳ kinh tế vĩ mô, và tự động kèm thêm những biểu đồ và cột mốc hoàn chỉnh.
Song Hong Bing/Bách Việt Books-NXB Lao Động